Người Việt lựa chọn hàng Việt nhiều hơn trong bối cảnh dịch bệnh

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song, với nhiều giải pháp linh hoạt, quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, những mặt hàng nông sản chủ lực của các địa phương vẫn được tiêu thụ rất tốt. Không chỉ có mặt hàng nông sản, hàng Việt Nam ngày càng được đón nhận, tin yêu bởi sự cải tiến trong chất lượng, mẫu mã sản phẩm, ngày càng chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

Cuối tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Cuộc vận động) trong tình hình mới.

Theo chỉ thị này, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam.

Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp tới các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị – xã hội nhằm khuyến khích và ưu tiên thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc Cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng… Đồng thời, công bố thường xuyên, kịp thời danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hơn thế nữa, cần rà soát các chính sách, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử trong công tác mở rộng thị trường trong và ngoài nước; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

 

Hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội mới đây đã đánh giá, đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện Đề án Phát triển Thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh mới, bảo đảm chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa thiết yếu khi nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong các làn sóng dịch Covid-19.

Để bảo đảm bình ổn thị trường, trong năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12 tháng 5 năm 2021 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25 tháng 5 năm 2021 về việc tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đặc biệt là Chỉ thị 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường; có trách nhiệm theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể.

Nhìn lại một chặng đường đã qua, kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát cho thấy, phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động đã giúp ngành Công Thương có được một nền tảng khá vững chắc trong xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại; trong phát triển các chương trình thương mại nội địa như Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Những chương trình này đã xây dựng nên những chuỗi cung ứng hàng hóa mà ở đó, sự kết nối giữa các bộ, ngành trung ương với chính quyền địa phương; doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp phân phối đã tạo thành dòng chảy thương mại vững chắc, có khả năng điều tiết thị trường, ngay cả trong tình huống có nhiều địa phương cùng lúc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có dữ liệu chính thức về chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng về các giá trị bền vững sau sự xuất hiện của dịch bệnh, nhưng có thể thấy, tiêu dùng bền vững đang ngày càng được quan tâm hơn trong cộng đồng người tiêu dùng và cả doanh nghiệp. Đặc biệt, sự kiện Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh – Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới” đã thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị bền vững trong chính sách kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như trong tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng.

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mang lại nhiều khó khăn, đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng có thể “bền vững hóa” việc tiêu dùng hàng ngày, đóng góp cho sự an toàn của bản thân, xã hội và cho các thế hệ sau này.

Trong bối cảnh dịch bệnh, khách hàng có xu hướng trung thành hơn với những thương hiệu bán lẻ thuần Việt vì những ưu điểm mà chỉ có một đơn vị dày dạn kinh nghiệm và lâu đời trên thị trường mới tích lũy được.

Nền kinh tế bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, người tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn với giá ở các nhóm hàng quen thuộc như thực phẩm tươi sống, chăm sóc cá nhân/nhà cửa và tiêu dùng hằng ngày. Họ tìm kiếm chương trình khuyến mãi hấp dẫn và sản phẩm giá tốt giá thấp thông qua tờ rơi và thông tin từ người quen, nhưng vẫn chú trọng vào chất lượng và sự tiện lợi. Hàng Việt đã và đang nỗ lực làm rất tốt điều đó để ngày càng chinh phục người Việt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005160
Views Today : 52
Views This Month : 2751
Views This Year : 10659
Total views : 71199
Language
Skip to content