Phát triển kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế phục hồi và tái tạo dựa trên việc thiết kế và tối đa hóa hiệu quả tài nguyên, là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam theo Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã có lộ trình với những bước đi phù hợp, đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu.

Hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã tăng cường hướng dẫn, khuyến khích người dân áp dụng công nghệ vào sản xuất như tiến hành cơ giới hoá khâu làm đất; sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, công nghệ trong sơ chế bảo quản sau thu hoạch. Cùng với đó là tăng cường áp dụng quy trình sản xuất an toàn hoặc quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), sản xuất nông nghiệp hữu cơ…, góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.


Người dân xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) trồng dâu tây theo hướng hữu cơ; áp dụng công nghệ tưới nước tự động,
tiết kiệm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường

Phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững được quan tâm đầu tư, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 44,88 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo TCVN; 56,12 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận theo quy trình sản xuất hữu cơ PGS; 40 ha cây trồng được cấp chứng nhận nhận hữu cơ của EU. Năm 2023, toàn tỉnh có 71,74 ha lúa được cấp chứng nhận hữu cơ, khoảng 730 ha lúa sản suất theo hướng hữu cơ. Chăn nuôi trâu, bò hữu cơ (giai đoạn chuyển đổi năm 2022) được 100 con; chăn nuôi lợn hữu cơ 200 con.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất khử trùng trong chăn nuôi, thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, vỏ vắc xin sau sử dụng được tăng cường quản lý và thực hiện xử lý theo đúng quy định. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 528 bể, thùng chứa vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Các bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được làm từ vật liệu bê tông (xây bằng gạch hoặc tận dụng bi cống có đúc thêm nắp đậy); các thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật là những thùng nhựa đúc sẵn có nắp đậy, bền chắc. Các bể chứa, thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được đặt tại vị trí trục giao thông nội đồng hoặc các vị trí bờ ruộng lớn, dễ nhận biết, thuận lợi cho người dân thu gom bao gói vào bể chứa và không ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, không thẩm thấu chất thải ra bên ngoài. Nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng về việc thu gom, xử lý vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được triển khai thực hiện; đến nay, cơ bản người dân các địa phương đã có ý thức thu gom đưa vào các bể chứa theo hướng dẫn.

Trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thực hiện kinh tế tuần hoàn đặc biệt chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, khai thác những tiềm năng lợi thế của địa phương; quan tâm chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, xử lý môi trường. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai một số dự án xử lý chất thải trong nông nghiệp như Dự án “Xây dựng mô hình xử lý chất thải nông thôn cấp xã của tỉnh Bắc Kạn”, Dự án “Tiếp nhận công nghệ và chế phẩm sinh học xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi tạo phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn”. Cùng với đó là xây dựng các mô hình xử lý rác thải, nước thải “Vòng tròn chuối”, mô hình xử lý chất thải nguy hại ngoài đồng rộng, mô hình quản lý chất thải dựa vào cộng đồng, mô hình lò đốt rác mini quy mô hộ gia đình, mô hình xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ, mô hình xử lý chất thải chăn nuôi và mô hình sản xuất phân hữu cơ trong chăn nuôi lợn, trâu, bò…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 nhà máy thủy điện nhỏ (Tà Làng, Nặm Cắt, Thượng Ân, Thác Giềng, Pác Cáp) đã vận hành phát điện với tổng công suất 21,6 MW; 2 dự án thủy điện Khuổi Nộc và Thác Giềng đã cơ bản hoàn thiện các thủ tục đầu tư để chuẩn bị khởi công xây dựng; 7 dự án thủy điện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 37,7 MW. Để khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch, tỉnh đã trình Bộ Công Thương xem xét, bổ sung 10 dự án nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với tổng công suất 1.340 MW vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Hiện nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch điện gió với tổng công suất khoảng 125 MW.

Phấn đấu đến năm 2025, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, năng lượng mặt trời…) đạt khoảng 28,8 MW sản lượng điện đạt khoảng trên 80 triệu kWh/năm, chiếm khoảng 25% sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng, áp dụng 1 đến 2 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì từ vật liệu nhựa dùng một lần, khó phân hủy; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái.

Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, năng lượng mặt trời, điện sinh khối…) đạt khoảng 80 MW chiếm 40% công suất toàn tỉnh, sản lượng điện đạt khoảng 240 triệu kW; 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì từ vật liệu nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.

Cụ thể hoá mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, quản lý rác thải sinh hoạt, chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh; phát động triển khai thực hiện Phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ vi sinh. Theo đó, chất thải thực phẩm được người dân phân loại, xử lý thành phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được thu gom, lưu giữ để chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái chế, tái sử dụng; chất thải rắn sinh hoạt khác được thu gom, vận chuyển đến Nhà máy xử lý chất thải rắn tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Năm 2023, tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh đạt 81,54%.

Theo Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND ngày 14/12/2022 của UBND tỉnh Quy định lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đến năm 2030, có 75% đô thị, khu dân cư tập trung phải bố trí quỹ đất theo quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; đến năm 2035, các đô thị, khu dân cư tập trung còn lại phải bố trí quỹ đất theo quy hoạch và đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, hành vi của người sản xuất, người tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường chưa phổ biến sâu rộng. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, mô hình nông nghiệp tuần hoàn còn ít. Các chủ thể sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp chủ yếu chú trọng đến gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm thông qua gia tăng đầu vào. Doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mạnh dạn tham gia ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn do khó khăn về nhân lực, kinh phí, nhà xưởng… Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, vấn đề xử lý chất thải trong nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện nông nghiệp tuần hoàn chưa cụ thể; các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp còn manh mún, chưa tập trung, chủ yếu do người dân tự phát…

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế xanh, bền vững, định hướng trong thời gian tới của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn nói chung và nông nghiệp tuần hoàn nói riêng, về ý thức bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; giáo dục nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sản xuất theo hướng sạch và tăng cường tái chế thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, hỗ trợ tài chính, cũng như tăng cường trách nhiệm đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong việc xử lý bao bì, sản phẩm thải ra sau khi sử dụng, sản xuất…

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các đề án phát triển kinh tế tuần hoàn trên các lĩnh vực nói chung và nông nghiệp tuần hoàn nói riêng trên địa bàn tỉnh; ưu tiên đầu tư nghiên cứu về khoa học – công nghệ đối với một số lĩnh vực trọng điểm để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi…). Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến trong phát triển kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu phát triển, tạo ra các công nghệ, quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi vật tư đầu vào.

Đẩy mạnh xây dựng thể chế phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua hệ thống pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính bảo đảm tính thống nhất, toàn diện; khuyến khích, ưu đãi về cơ chế, tài chính, hỗ trợ về đất đai nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo, thiết kế sản phẩm, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, các chương trình sản xuất, tiêu dùng bền vững, nhất là đối với các dự án thuộc Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn…/.

Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tai-bac-kan-9873.aspx




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005381
Views Today : 25
Views This Month : 3402
Views This Year : 37130
Total views : 97670
Language
Skip to content