Nhãn năng lượng là biện pháp quy định việc in cung cấp thông tin mức tiêu thụ năng lượng dán trên thiết bị điện, giúp người dùng có thể lựa chọn được sản phẩm chất lượng, hiệu suất năng lượng cao, tiêu tốn ít điện năng.
Chương trình dán nhãn năng lượng là biện pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, loại bỏ dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu hướng tới việc xây dựng văn hóa tiêu dùng bền vững trong cộng đồng.
Ông Đặng Hải Dũng – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ cụ thể về những kết quả đã đạt được của chương trình dán nhãn năng lượng cũng như lộ trình triển khai chương trình trong giai đoạn tới.
Ông Đặng Hải Dũng – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm điện và năng lượng, Bộ Công Thương
PV: Ông có thể cho biết chương trình dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương có ý nghĩa như thế nào đối với mục tiêu về tiết kiệm năng lượng và đối với người tiêu dùng?
Ông Đặng Hải Dũng: Chương trình chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng được Luật hóa tại Chương IX- Quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng (Điều 37, 38,39,40) của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Các quy định chi tiết được hướng dẫn tại Nghị định 21 và Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg (hiện nay được thay thế bởi Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg) về quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Chương trình dán nhãn năng lượng quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phương tiện, thiết bị phải công khai minh bạch về hiệu suất năng lượng của các sản phẩm sử dụng năng lượng trong các khâu sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Đồng thời, các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp dưới mức tối thiểu sẽ bị cấm sản xuất và kinh doanh trên thị trường.
Nhãn năng lượng là biện pháp quy định việc in cung cấp thông tin mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị và nhãn được dán lên phương tiện, thiết bị giúp người mua biết được các thông tin, chỉ số và khả năng tiết kiệm điện của các thiết bị, từ đó có thể lựa chọn được sản phẩm chất lượng, hiệu suất năng lượng cao, tốn ít điện năng.
Nhãn năng lượng bắt buộc: gồm Nhãn năng lượng nhận biết (hình tam giác) và nhãn năng lượng so sánh (Từ 1 sao đến 5 sao)
PV: Bộ Công Thương đã triển khai hoạt động dán nhãn năng lượng như nào thưa ông?
Ông Đặng Hải Dũng: Chương trình dán nhãn năng lượng và quản lý hiệu suất năng lượng tối thiểu tại Việt Nam được bắt đầu triển khai từ năm 2011 theo hình thức tự nguyện và chính thức áp dụng bắt buộc 2 năm sau đó (năm 2013).
Chương trình này được thực hiện thông qua việc xây dựng 50 bộ tiêu chuẩn quốc gia quy định hiệu suất năng lượng cho 19 chủng loại thiết bị tiêu thụ năng lượng, trong đó có 4 chủng loại chính: sản phẩm gia dụng, các sản phẩm dùng trong khu công nghiệp, các sản phẩm dùng trong kinh doanh và các các sản phẩm trong phương tiện giao thông.
Việc kiểm tra, giám sát tuân thủ quy định về tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị kinh doanh trên thị trường được thực hiện thông qua 12 phòng thí nghiệm trên toàn quốc đảm bảo tính chính xác, công khai minh bạch, tránh gian lận trong việc công bố hiệu suất năng lượng.
Nhãn năng lượng tự nguyện (Nhãn hiệu suất sao năng lượng cao nhất) dành cho các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao nhất trên thị trường.
PV: Vậy các kết quả nổi bật Chương trình dán nhãn năng lượng đã thực hiện là gì?
Ông Đặng Hải Dũng: Chương trình dán nhãn năng lượng đã đạt được những kết quả chính sau:
Ngay sau khi Quyết định 51/2011/QĐ-TTg ra đời đã ngay lập tức loại bỏ mỗi năm 45 triệu bóng đèn sợi đốt công suất lớn hơn 60W ra khỏi thị trường chiếu sáng dân dụng và mở ra thị trường để phát triển các loại đèn hiệu suất cao như đèn CFL, đèn LED. Chương trình đã có tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng đèn chiếu sáng hiệu suất cao trong sinh hoạt và sản xuất. Đến nay, nước ta đã có gần 100% các hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện (CFL, LED) trong chiếu sáng, chỉ còn số ít sử dụng bóng đèn sợi đốt trong sản xuất (như trồng hoa màu, thanh long, nuôi gia cầm…).
Chương trình dán nhãn năng lượng cho sản phẩm điều hòa không khí đã dán nhãn cho gần như toàn bộ điều hòa không khí gia dụng (<40.000BTU) kinh doanh trên thị trường. Trong đó 62,8% mẫu lưu hành trên thị trường đạt mức hiệu suất cao từ 4 sao đến 5 sao. Việc nâng cấp tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho sản phẩm điều hòa không khí từ 2,54 lên 3,8 và lên 4,2 vào năm 2015 đã tiết kiệm điện năng trong lĩnh vực điều hòa không khí mỗi năm hơn 100 triệu kWh và giúp cắt giảm công suất phụ tải tương đương với việc tiết kiệm đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện với công suất 300MW.
Chương trình thay thế bình đun nước nóng điện bằng bình đun nước nóng năng lượng mặt trời do Bộ Công Thương phát động từ năm 2008, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và các công ty điện lực thành viên phối hợp với các nhà sản xuất trong nước tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ người dân sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời trên phạm vi toàn quốc (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/bình). EVN đã thực hiện thành công chương trình của Bộ Công Thương và của EVN, với tổng số bình thực hiện là: 110.000 bình (trong đó có 96.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời thực hiện theo chương trình của EVN và số còn lại 14.000 bình thực hiện theo chương trình của Bộ Công Thương). Chương trình đã có tác dụng kích cầu thị trường rất lớn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của thị trường bình nước nóng năng lượng mặt trời là 30 – 40% (giai đoạn 2013 – 2015). Tới năm 2015 thị trường đã tiêu thụ hơn 700.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời, tiết kiệm hơn 1 tỷ kWh/năm (tương đương với tiền điện tiết kiệm là 1.600 tỷ đồng/năm).
Ngoài các sản phẩm đã có đánh giá và định lượng cụ thể như trên, các dữ liệu công bố hiệu suất năng lượng, sự chuyển dịch mức hiệu suất năng lượng trên thị trường phương tiện thiết bị cũng được ghi nhận đối với các sản phẩm khác như động cơ điện, máy biến áp phân phối, tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện…cũng góp phần tiết kiệm hàng tỷ USD cho quốc gia trong vấn đề sản xuất điện.
PV: Xin ông cho biết hiện nay trên thị trường có những loại nhãn năng lượng gì? Cách nhận biết các loại nhãn đó? Cũng như đánh giá của Bộ Công Thương về người tiêu dùng khi họ nhận biết và sử dụng những sản phẩm có dán nhãn năng lượng?
Ông Đặng Hải Dũng: Trong chương trình thiết kế nhãn năng lượng thì có 2 loại nhãn năng lượng chính là nhãn năng lượng bắt buộc và nhãn năng lượng tự nguyện. Trong đó, riêng đối với nhãn năng lượng bắt buộc cũng chia làm 2 loại nhãn theo quy định của Thủ tướng đó là nhãn năng lượng nhận biết, loại nhãn này cho biết mức năng lượng tiêu thụ tối thiểu mà doanh nghiệp đã đạt được để sản phẩm được phép lưu thông trên thị trường. Loại thứ 2 là nhãn năng lượng so sánh, nhãn này sẽ thể hiện bằng các sao, giữa các mức sao sẽ có sự khác nhau về hiệu suất năng lượng, giúp cho người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm hiệu suất cao và thuận tiện trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với thu nhập.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến những sản phẩm dán nhãn năng lượng
Nhãn năng lượng tự nguyện (nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất) là loại nhãn khác với nhãn bắt buộc. Với loại nhãn này chúng tôi đang triển khai vận động doanh nghiệp tự công bố hiệu suất năng lượng của sản phẩm mà doanh nghiệp mình sản xuất/ nhập khẩu và nộp hồ sơ về cơ quan quản lý nhà nước. Trong trường hợp có tranh chấp thì hồ sơ này sẽ làm cơ sở pháp lý để xử lý.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động truyền thông của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Bộ Công Thương đã tổ chức giải thưởng “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất”. Giải thưởng này nhằm tôn vinh các doanh nghiệp đứng đầu có sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao cung cấp cho thị trường Việt Nam, khuyến khích xu hướng tiêu dùng xanh, hướng tới sử dụng các sản phẩm ít tiêu hao năng lượng.
Tính đến nay, đã có hơn 300 sản phẩm được công nhận và dán nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất, 20 thương hiệu đã được Bộ Công Thương tôn vinh. Các sản phẩm bao gồm: điều hòa không khí, máy giặt, đèn led chiếu sáng, máy biến áp, động cơ điện. Người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện sản phẩm hiệu suất cao nhất và tra cứu thông tin từ mã QR dán trên sản phẩm, thiết bị. Thông tin chi tiết về Chương trình Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất xem tại: https://tietkiemnangluong.com.vn/top-runner
Nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất sẽ dành cho các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao nhất trên thị trường. Dựa vào cơ sở dữ liệu thu thập được, chúng tôi sẽ lọc ra các sản phẩm mà hiệu suất cao hơn cả 5 sao theo tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam. Sau khi được Bộ Công Thương, các hiệp hội, phòng thử nghiệm đánh giá và chứng nhận, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ được dán nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất. Các mức hiệu suất năng lượng của nhãn này sẽ được cập nhật hằng năm chứ không cố định để đáp ứng tốc độ thay đổi công nghệ mà các nhà sản xuất đưa ra.
Đối với việc triển khai dán nhãn năng lượng, chúng tôi đã có những khảo sát, đánh giá nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm có dán nhãn năng lượng. Cụ thể, năm 2015 theo khảo sát của Bộ Công Thương có đến 90% doanh nghiệp đã tuân thủ quy định dán nhãn năng lượng. Tuy nhiên tỷ lệ nhận biết ở giai đoạn 2015 vẫn còn hạn chế, người tiêu dùng cũng không quan tâm nhiều nên mức độ này chỉ đạt khoảng 60-70%.
Đến năm 2020 qua các phiếu đánh giá khảo sát trả về cho thấy gần như 99% việc dán nhãn đã được các doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu, phân phối tuân thủ rất cao. Chính họ cũng là nhân tố giúp tuyên truyền về lợi ích của các sản phẩm có dán nhãn năng lượng, từ đó góp phần nâng cao ý thức lựa chọn sản phẩm sử dụng của người dân, khiến tỷ lệ người dân quan tâm sử dụng sản phẩm có dán nhãn năng lượng đạt khoảng trên 85%.
Số còn lại sẽ nằm ở nhóm người dân trong khu vực vùng sâu vùng xa, khu vực khó tiếp cận với những thay đổi trong công nghệ và phân khúc những khách hàng vẫn đang quan tâm về giá thành hơn là chất lượng, họ cần những sản phẩm giá thành thấp để dễ trang bị.
PV: Xin ông cho biết lộ trình dán nhãn năng lượng sẽ được triển khai như thế nào trong giai đoạn tới?
Ông Đặng Hải Dũng: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã có nội dung chỉ đạo về việc cần loại bỏ dần những phương tiện, thiết bị, công nghệ lạc hậu ra khỏi thị trường. Do đó, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành cũng đang nghiên cứu để bổ sung thêm các phương tiện, danh mục cần phải quản lý hiệu suất năng lượng.
Hiện tại, chúng tôi đang rà soát hệ thống tiêu chuẩn hiện hành và cơ sở hạ tầng phục vụ dán nhãn năng lượng. Sắp tới dự kiến sẽ bổ sung khoảng 6 sản phẩm vào chương trình quản lý hiệu suất năng lượng, chương trình dán nhãn cũng như chương trình hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Sản phẩm mục tiêu lớn trong giai đoạn này chúng tôi đang dự thảo là sản phẩm bếp từ, bếp hồng ngoại, điều hòa VRV (điều hòa công suất lớn), bóng đèn led và một số sản phẩm khác cũng đang trong quá trình nghiên cứu và sẽ trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2025 sẽ công bố những quy định về sản phẩm hiệu suất năng lượng mới này.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Tietkiemnangluong.vn