Với quyết tâm tạo dựng một “sân chơi” bình đẳng, minh bạch, tăng hiệu quả kinh tế, Bắc Kạn đã thực hiện đấu giá công khai quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010. Để tiến hành thành công từng phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cơ quan thường trực đấu giá của tỉnh là Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản của Sở Tư pháp chuẩn bị kỹ mọi điều kiện, thủ tục liên quan theo luật định nhằm bảo đảm thời gian đấu giá nhanh, đúng trình tự, thủ tục và quy định hiện hành.
Từ năm 2018 đến nay, Bắc Kạn đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thành công 12 khu vực; đã có 3 doanh nghiệp hoàn thành công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng và được cấp giấy phép khai thác. Tổng số tiền trúng đấu giá đã thu nộp ngân sách nhà nước của 3 mỏ là 1,257 tỷ đồng; các mỏ còn lại được xác định sau khi hoàn thành công tác thăm dò đánh giá trữ lượng và doanh nghiệp trình thẩm định hồ sơ trước khi cấp giấy phép khai thác.
Các tổ chức tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát sỏi Nà Mố – Tổng Cổ,
thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn
Thực tế cho thấy, khi áp dụng hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá được sàng lọc cẩn thận, chỉ khi đủ điều kiện mới được tham gia đấu giá. Doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sản phải chứng minh được năng lực tài chính (qua đấu giá); kinh nghiệm khai thác và cam kết sử dụng công nghệ khai thác chế biến hiện đại, đảm bảo về môi trường… Điều này loại bỏ những doanh nghiệp không đáp ứng về năng lực. Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản cũng nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật về khoáng sản; tạo được sự đồng thuận giữa các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, tạo môi trường đầu tư lành mạnh với các tổ chức, cá nhân khi tham gia đầu tư, khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, khi thực hiện công tác đấu giá còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập như: Các quy định pháp luật về đấu giá tài sản và khoáng sản chưa đồng bộ; nhiều nội dung của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP không phù hợp với Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (giá khởi điểm, tiền đặt trước, đối tượng tham gia đấu giá, bán hồ sơ mời tham gia đấu giá). Đối với khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng khi đưa ra đấu giá gặp nhiều vướng mắc về việc hoàn trả kinh phí thăm dò giữa đơn vị trúng đấu giá với đơn vị đã đầu tư kinh phí thăm dò khoáng sản. Chưa có quy định cụ thể như thời gian triển khai công tác đấu giá, tiêu chí xét chọn hồ sơ đấu giá, xử lý tiền trúng đấu giá, vấn đề hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phương thức thu, nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 63 Luật Đất đai năm 2013, các trường hợp cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, tổ chức, cá nhân được cấp phép phải thỏa thuận với chủ sử dụng đất để thực hiện dự án (bao gồm cả các mỏ được cấp phép qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản); như vậy gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện dự án tại địa phương…
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 3/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Phương án thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 128 khu vực với 11 loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Qua rà soát, trong 128 khu vực nằm trong quy hoạch có 41 khu vực khoáng sản dự kiến sẽ triển khai cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Để bảo đảm quản lý khoáng sản có hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Phương án thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình UBND tỉnh xem xét, ban hành. Theo đó, Sở có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản giai đoạn 2024 – 2026 trình UBND tỉnh phê duyệt; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ liên ngành xác định giá khởi điểm, tiền đặt trước, bước giá, dự toán đầu tư thăm dò/khai thác khoáng sản và xét chọn hồ sơ của các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản; lựa chọn đơn vị có chức năng theo quy định để thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Tỉnh Bắc Kạn cũng đã kiến nghị Cục Khoáng sản Việt Nam sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 để thuận lợi cho việc triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản…/.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/tang-cuong-quan-ly-dau-gia-quyen-khai-thac-khoang-san-4d5e.aspx