Tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến gỗ

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Bắc Kạn đang khai thác thế mạnh về rừng để phát triển công nghiệp chế biến gỗ.
Chế biến gỗ tại KCN Thanh Bình giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh về lâm sản của địa phương

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế để phát triển, Bắc Kạn quy hoạch diện tích đất cho lâm nghiệp là hơn 417.500 ha (chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên), trong đó rừng tự nhiên 272.789 ha, diện tích rừng trồng trên 100.291 ha. Bắc Kạn có độ che phủ rừng đạt 73,4%, là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Với tiềm năng rất lớn về lâm nghiệp, vì thế trong những năm qua, Bắc Kạn đã xác định phát triển công nghiệp chế biến gỗ để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh trồng mới hơn 32.700 ha rừng nguyên liệu gỗ, trong đó có 17.600 ha rừng trồng gỗ lớn. Tỉnh cũng thực hiện cải tạo chất lượng và nâng cao giá trị rừng trồng bằng các giải pháp cấp chứng chỉ rừng FSC-CoC (chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, cấp cho các tổ chức đã chứng minh được các sản phẩm gỗ có nguồn gốc được chứng nhận) cho các chủ rừng với tổng diện tích gần 1.000 ha; tổng sản lượng khai thác trong giai đoạn 2016 – 2020 là 724.203 m3, sản lượng khai thác bình quân hằng năm là 144.840 m3. Vì vậy, lĩnh vực công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh thuận lợi về nguồn nguyên liệu để phát triển.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có 264 cơ sở chế biến gỗ, bao gồm cơ sở sản xuất đồ mộc, sản xuất ván dán, sản xuất đũa gỗ, sản xuất hạt gỗ và cơ sở sản xuất ván bóc, dăm gỗ… Trong đó, chỉ có 8 cơ sở chế biến gỗ có quy mô lớn và được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, chủ yếu là cơ sở hoạt động sản xuất tại KCN Thanh Bình. Còn lại các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, sản xuất đồ mộc gia dụng phục vụ nhu cầu của Nhân dân địa bàn tỉnh, đặc biệt có đến 158 cơ sở (chiếm tỷ lệ 59,8%) là sản xuất ván bóc (ván mỏng), dăm gỗ là sản phẩm sơ chế, nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất ván dán, ván dăm. Hiện nay, các nhà máy đi vào hoạt động ổn định, sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt trong và ngoài nước. Đặc biệt, một số sản phẩm như ván dán, dao, thìa, dĩa gỗ, đũa gỗ chủ yếu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Malaisia…

Trong Đề án phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Kạn phấn đấu sản lượng sản phẩm chế biến lâm sản đạt 250.000 m3/năm vào năm 2025 và đạt 300.000 m3/năm vào năm 2030.

Để thực hiện mục tiêu này, các sở, ngành chức năng, các địa phương tập trung tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh và phát triển vùng nguyên liệu gỗ, tre, nứa giai đoạn 2021 – 2025 theo Kế hoạch của UBND tỉnh để khuyến khích, thu hút đầu tư các dự án sản xuất, chế biến lâm sản có giá trị cao, như: Ván sợi, ván gỗ composite tổng hợp, tre ép khối, viên nén gỗ,… gắn với vùng nguyên liệu. Tiếp tục duy trì hoạt động ổn định và tập trung chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất, chế biến gỗ hiện có tại Khu công nghiệp Thanh Bình, đảm bảo vận hành đủ công suất thiết kế 215.000 m3 ván dán/năm với nhu cầu nguyên liệu khoảng 360.000mgỗ tròn/năm (tương đương 258.000 m3 ván bóc/năm) và 170 triệu sản phẩm thìa, dao, dĩa gỗ/năm. Khuyến khích mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nội thất từ ván công nghiệp, đồ mộc cao cấp phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó là tập trung chỉ đạo chuyển đổi mô hình hộ cá thể chế biến gỗ, lâm sản sang mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về quy hoạch, quản lý quy hoạch, về cơ chế chính sách, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời triển khai các giải pháp về huy động nguồn lực, phát triển và thu hút nguồn nhân lực và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp.

Hiện nay, hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, chưa đa dạng về sản phẩm, bên cạnh một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như ván dán, đũa xuất khẩu, đồ mộc dân dụng thì các sản phẩm còn lại đều là dạng sơ chế như: Ván mỏng (ván bóc), dăm mảnh, thanh gỗ xẻ,… Sản phẩm ván bóc chủ yếu xuất bán ra ngoài tỉnh, một phần được các cơ sở sản xuất ván dán trên địa bàn tỉnh tiêu thụ. Khu vực đất rừng sản xuất địa hình chia cắt phức tạp, giao thông không thuận lợi, khó khăn trong việc hình thành vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản tập trung nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến gỗ, lâm sản có quy mô lớn.

Vì vậy, trong thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục tăng cường hướng dẫn, phối hợp với UBND các huyện thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, xây dựng, môi trường đối với các cơ sở chế biến gỗ. UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác thăm nắm địa bàn, rà soát cụ thể tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn để kịp thời cập nhật, tính toán tăng trưởng của địa phương phù hợp thực tế…/.

Nguồn: https://backan.gov.vn/pages/tiem-nang-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-go-11ce.aspx




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005154
Views Today : 116
Views This Month : 2152
Views This Year : 10060
Total views : 70600
Language
Skip to content