Tỉnh Bắc Kạn công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiều 30/11, tại Hội trường tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương đã dự Hội nghị.

Về phía tỉnh Bắc Kạn, dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phương Thị Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại diện các sở, ban ngành, địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 3/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo mục tiêu quy hoạch, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng với hệ thống không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa. Kinh tế phát triển theo hướng xanh và năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định, bền vững; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt trên 7,5%; trong đó dịch vụ tăng trên 8%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trên 3,5%/năm; công nghiệp – xây dựng tăng trên 11%/năm. Phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 2.000 tỷ đồng. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 105 nghìn tỷ đồng. Tổng lượng khách du lịch đạt khoảng 3 triệu lượt người.

Về xã hội, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,8%; phấn đấu 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 98%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; tỷ lệ thất nghiệp hằng năm dưới 3%. Phấn đấu chỉ số HDI đạt 0,699. Toàn tỉnh có trên 80% trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn.

Về tài nguyên và môi trường, duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 70%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 60%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó 80% được sử dụng nước sạch…

Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Kạn có nền kinh tế năng động, kinh tế phát triển khá so với các địa phương trong cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, trở thành điểm đến về du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, là một trong những địa phương có môi trường đáng sống của cả nước.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chúc mừng tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành cơ bản công tác quy hoạch. Việc công bố quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn trên hành trình thực hiện khát vọng trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động, phát triển khá so với các địa phương trên cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Bắc Kạn – vùng an toàn khu kháng chiến, một trong những nơi khởi nguồn phong trào cách mạng, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh của đất nước. Bắc Kạn cũng là vùng đất cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, với những danh lam thắng cảnh đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú, với hồ Ba Bể – một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, có tỷ lệ che phủ rừng tự nhiên trên 73% lớn nhất cả nước, thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế xanh như du lịch, sản xuất nông nghiệp sinh thái, phát triển kinh tế lâm nghiệp và sản xuất tín chỉ các-bon. Đặc biệt, tài sản quý báu nhất của Bắc Kạn chính là truyền thống anh hùng cách mạng, yêu quê hương, đất nước, yêu Đảng, đoàn kết, thống nhất, tương thân tương ái; sự cần cù, chân thành, thân thiện và giàu lòng hiếu khách của Nhân dân 35 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: “Bắc Kạn không có nhiều lợi thế so sánh như các địa phương khác về giao thông kết nối, về địa hình với quỹ đất lớn cho phát triển các đô thị, khu công nghiệp quy mô lớn. Vì vậy, Bắc Kạn cần triết lý phát triển riêng, phù hợp với xu thế của thế giới “phát triển kinh tế – xã hội bền vững dựa vào hệ sinh thái, bản sắc văn hóa”. Bản quy hoạch tỉnh Bắc Kạn được công bố hôm nay được xây dựng trên triết lý đó và các tiềm năng khác biệt hướng tới mục tiêu phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn; giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa và cao nhất là mang tới cuộc sống hạnh phúc cho Nhân dân”.

Để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh hiệu quả, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bắc Kạn phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tỉnh tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ du lịch mà trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe, phấn đấu tiệm cận, dần đạt các tiêu chuẩn cũng như sự công nhận của quốc tế; tăng cường quảng bá thương hiệu và kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng.

Cùng với đó phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp hiệu quả, bền vững và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Làm tốt phát triển thương hiệu; mở rộng thị trường; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; huy động vốn và thực hiện tốt quy hoạch các vùng sản xuất, chế biến nông sản tập trung để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP.

Tập trung nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế rừng với 3 trọng tâm gồm phát triển dịch vụ sản xuất tín chỉ các-bon, phát triển điện sinh khối và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác; qua đó góp phần đa dạng hóa và cơ cấu lại các ngành sản xuất theo hướng tăng tỷ lệ các ngành có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Chú trọng thực hiện đồng bộ công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng bao trùm, toàn diện; tập trung nghiên cứu phát triển trường cao đẳng đa ngành, đa nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ; chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Bắc Kạn cần có đột phá thì mới có thể thu hút được các nhà đầu tư; đồng thời cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh vùng miền núi phía Bắc và tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho đồng bằng sông Hồng…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và khát khao vươn lên của Nhân dân, Bắc Kạn sẽ trở thành một tỉnh có nền kinh tế năng động, phát triển khá so với các địa phương trên cả nước, “ốc đảo” xanh của du lịch và phát triển nông, lâm nghiệp bền vững của miền Bắc, môi trường đáng sống và điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.


Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh đã tiếp thu đầy đủ tinh thần chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương.

Để chủ động, nhanh chóng đưa Quy hoạch vào thực hiện, ngay sau Hội nghị này, Bắc Kạn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân; tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện Quy hoạch. Trên cơ sở nội dung Quy hoạch, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; cụ thể hóa trong chương trình công tác hằng năm, phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể đảm bảo hiệu quả. Tập trung rà soát, điều chỉnh các kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án có liên quan đảm bảo phù hợp, khớp với Quy hoạch tỉnh; nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho từng giai đoạn, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch…


Các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhận quyết định chủ trương đầu tư, bản ghi nhớ đầu tư của UBND tỉnh

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đã trao 18 quyết định chủ trương đầu tư, bản ghi nhớ đầu tư của cho đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án về hợp tác đầu tư các lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao và sân golf, năng lượng tái tạo, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, chế biến khoáng sản, lâm sản… tại tỉnh Bắc Kạn./.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005382
Views Today : 7
Views This Month : 3486
Views This Year : 37214
Total views : 97754
Language
Skip to content