Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Triển vọng phát triển và cơ hội đầu tư

Ngày 3/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1288/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch có ý nghĩa chiến lược, là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững. Đồng thời sẽ mở ra triển vọng hợp tác và cơ hội đầu tư cho tỉnh Bắc Kạn với các đối tác trong nước và quốc tế.

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Kạn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, bước đầu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. So với thời điểm năm 1997 thì đó là một bước “Đại nhảy vọt”. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của Bắc Kạn vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, tỉnh vẫn nằm trong “vùng trũng” phát triển của khu vực và cả nước. Trong bối cảnh đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch thời kỳ từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoạch định chiến lược, tạo không gian phát triển mới cho Bắc Kạn theo hướng bền vững, phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương có sự gắn kết, liên kết với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Với mục tiêu đưa tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng với hệ thống không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa; kinh tế phát triển theo hướng xanh và năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định, bền vững; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Quy hoạch tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, 6 đột phát phát triển, 3 hàng lang kinh tế và 5 vùng kinh tế xã hội. Trong đó hình thành các trục động lực phát triển với hàng lang kinh tế Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng và hàng lang kinh tế Tuyên Quang – Bắc Kạn – Lạng Sơn. Đây sẽ là những đột phá quan trọng, tạo tiền đề, định hướng cho tỉnh Bắc Kạn phát triển mạnh trong thời gian tới. Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng chính là lời giải tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư của tỉnh.

Phát triển du lịch

Một trong 6 đột phá được xác định trong Quy hoạch tỉnh đó là thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm, trong đó chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đưa thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có vai trò động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác với hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu.

Bắc Kạn là tỉnh có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch, đặc biệt là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng điển hình của miền Bắc như tỷ lệ che phủ rừng lớn với hơn 73%, chất lượng không khí và các chỉ số môi trường thuộc diện tốt nhất của cả nước; nhiều thác, hồ nước, hang động được thiên nhiên ban tặng với cảnh quan đẹp, kỹ vỹ. Các nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa được quan tâm giữ gìn, bảo tồn, nhất là các nền văn hóa truyền thống dân tộc. Hiện tại, tỉnh Bắc Kạn có 8 di tích cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 36 di tích cấp tỉnh, với điểm nhấn là Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể. Trong Quy hoạch, Khu du lịch hồ Ba Bể sẽ được đầu tư, phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia với các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng và liên kết chặt chẽ với các khu du lịch trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Với tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc, Bắc Kạn sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư trọng điểm vào một số dự án, tổ hợp du lịch với phạm vi, quy mô lớn, theo hướng du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân gôn, du lịch sinh thái kết hợp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, tập trung đầu tư 10 khu tổ hợp sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân gôn trên địa bàn của 6 huyện, thành phố. Các vị trí quy hoạch đều gắn với các khu, điểm du lịch tiềm năng của tỉnh.

Phát triển nông, lâm nghiệp

Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao cũng là một trong những đột phá quan trọng của Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây. Lợi thế của Bắc Kạn đó là diện tích đất lâm nghiệp có hơn 413 nghìn ha, chiếm 85% tổng diện tích đất tự nhiên; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp có rừng là hơn 372 nghìn ha, rừng tự nhiên khoảng 272 nghìn ha và rừng trồng hơn 100 nghìn ha, sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 305 nghìn m3. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn cũng đã và đang đổi mới mạnh mẽ tư duy, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo định hướng kinh tế nông nghiệp với việc hình thành, phát triển các chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết nội tỉnh, nội vùng, giữa các vùng, quốc gia và quốc tế, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chí và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Trên cơ sở về tiềm năng, thế mạnh, Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn đã xác định rõ mục tiêu “xây dựng Bắc Kạn trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ và dược liệu của của vùng trung du miền núi Bắc Bộ”. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn sẽ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế rừng với 3 trọng tâm gồm phát triển thị trường tín chỉ các-bon, phát triển điện sinh khối, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác. Xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với rừng sản xuất; xây dựng các tuyến đường lâm nghiệp và chú trọng trồng cây lâm nghiệp có thế mạnh của tỉnh; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phát triển, trồng cây dược liệu dưới tán rừng và sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ; chú trọng phát triển dịch vụ môi trường rừng.

Phát triển công nghiệp

Quy hoạch tỉnh xác định, phát triển công nghiệp theo hướng cơ cấu lại các ngành sản xuất gắn với đẩy mạnh chuyển dịch tăng tỷ trọng các ngành có kỹ thuật, công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách và ít gây ô nhiễm môi trường. Lợi thế của tỉnh là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vì vậy, đây sẽ là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gắn với nguồn nguyên liệu địa phương. Mục tiêu là đưa tỉnh Bắc Kạn trở thành một trong những trung tâm chế biến nông lâm sản tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Đối với công nghiệp khoáng sản, Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn đã khoanh định 128 khu vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; trong đó tập trung khai thác, chế biến sâu các khoáng sản có giá trị kinh tế là lợi thế của tỉnh như quặng chì, kẽm. Đây là lợi thế lớn để Bắc Kạn thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động.

Đối với năng lượng tái tạo, Bắc Kạn được đánh giá có lợi thế về năng lượng tái tạo với tốc độ gió cao; nguồn lâm nghiệp sẵn có và nhiều sông, suối có độ dốc lớn. Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh, tiềm năng điện gió của Bắc Kạn là 2.680 MW, điện sinh khối là 220 MW và thủy điện là hơn 39 MW. Đây sẽ là cơ hội để tỉnh Bắc Kạn thu hút đầu tư phát triển điện gió, điện sinh khối, thuỷ điện tích năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên về địa hình, khí hậu của tỉnh. Khác với nhiều địa phương khác, lợi thế của Bắc Kạn là vị trí địa lý do gần với các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn như Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, vì vậy, đầu ra cho năng lượng tái tạo sẽ thuận lợi và hiệu suất cao. Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp khác như may mặc, giày da, linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ cho các trung tâm công nghiệp lớn.

Bắc Kạn đã quy hoạch 27 cụm công nghiệp với diện tích hơn 676 ha, 3 khu công nghiệp với diện tích 204 ha và sẽ mở rộng, thành lập thêm 4 khu công nghiệp với diện tích 2.157 ha. Các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch đều có vị trí thuận lợi, kết nối thuận tiện với hạ tầng kỹ thuật hiện có, gần vùng nguyên liệu, đáp ứng các điều kiện quy hoạch ngành, lĩnh vực rất thuận lợi cho thu hút triển khai các dự án đầu tư.

Phát triển hạ tầng giao thông, đô thị

Một trong những đột phá phát triển quan trọng trong Quy hoạch tỉnh từ năm 2021 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đó là tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; ưu tiên triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch, phát triện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại thành phố Bắc Kạn, các thị trấn, đô thị trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng đầu tư hệ thống giao thông kết nối đồng bộ đến các vùng kinh tế trọng điểm và các khu du lịch tiềm năng của tỉnh, trọng tâm là tuyến đường cao tốc Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn quy mô 4 làn xe và tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, qua đó đã rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội đến hồ Ba Bể chỉ còn 2 giờ 30 phút. Đồng thời, hiện nay, hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc kết nối Bắc Kạn – Cao Bằng và phấn đấu hoàn thành trước năm 2030. Khi đó, cùng với các tuyến đường kết nối trục ngang là Tuyên Quang – Bắc Kạn – Lạng Sơn, hệ thống giao đường bộ của tỉnh sẽ cơ bản đồng bộ và là động lực phát triển kinh tế. Để hoàn thiện mạng lưới giao thông, trong Quy hoạch tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng sân bay chuyên dùng Quân Bình, huyện Bạch Thông phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả chuỗi cung ứng sản phẩm, trong Quy hoạch tỉnh, Bắc Kạn cũng sẽ xây dựng 3 trung tâm logistics tại huyện Chợ Mới, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn.

Đối với quy hoạch hạ tầng đô thị, Quy hoạch tỉnh cũng xác định đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn sẽ có thành phố Bắc Kạn là đô thị loại II; 4 đô thị gồm thị trấn Đồng Tâm, Chợ Rã, Bằng Lũng, Yến Lạc là đô thị loại IV; 6 đô thị loại 5.

Với quan điểm phát triển hệ thống đô thị nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư phát triển hạ tầng đô thị theo hướng đô thị hiện đại, đô thị thông minh…; đồng thời đảm bảo khả năng tăng trưởng xanh, phát huy được đặc điểm về địa hình, thiên nhiên của địa phương, truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt khó để phát triển, với 5 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá phát triển, Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực mới, triển vọng và cơ hội hợp tác, đầu tư, đưa tỉnh Bắc Kạn vượt qua khó khăn, thử thách, cất cánh phát triển trong thời gian tới, hiện thực hóa mục tiêu Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, sẽ không thể thiếu sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Với phương châm “doanh nghiệp phát triển, tỉnh Bắc Kạn phát triển và thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Bắc Kạn”, tỉnh Bắc Kạn mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại tỉnh. Tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư, quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra./.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005173
Views Today : 172
Views This Month : 278
Views This Year : 12688
Total views : 73228
Language
Skip to content