Việt Nam – Nhật Bản: Nhiều cơ hội hợp tác phát triển, chuyển dịch năng lượng

Phát biểu tại hội thảo kinh tế cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản diễn ra sáng 7/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng phù hợp, khả thi, bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước là nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Định hướng phát triển năng lượng và Chương trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam thời gian tới mang đến cơ hội hợp tác rất lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hội thảo kinh tế cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản, Ban Tổ chức kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản” đồng tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu khai mạc tại hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngài Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Ủy ban Kinh tế Nhật Bản – Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo,  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị, ngoại giao; hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, đi vào chiều sâu, thực chất. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước. Đặc biệt, hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện.

Về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Riêng đối với khu vực này, Việt Nam đã xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã ban hành Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, đã xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tài chính, phát triển thị trường vốn và tín dụng để thu hút các dự án đầu tư sử dụng hiệu quả năng lượng, trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, khuyến khích dự án sử dụng và ứng dụng công nghệ sạch, hiện đại, thúc đẩy phát triển nhanh các ngành kinh tế xanh.

 

Quyết tâm thực hiện các mục tiêu chuyển dịch năng lượng

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong 50 năm qua, đồng thời cho biết Việt Nam đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ đến năm 2050.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hoá thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Với nền kinh tế đang phát triển nhanh, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững. Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và phân công các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực. Trong đó, quá trình chuyển đổi năng lượng đang được chỉ đạo đẩy nhanh trên tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương.

 

Chuyển dịch năng lượng từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính là quá trình căn bản nhằm hướng tới tăng trưởng xanh ở các quốc gia và thực hiện các mục tiêu toàn cầu trong chống biến đổi khí hậu. Nhưng theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng mà chính là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Có thể nói, chuyển dịch năng lượng một cách bền vững cho Việt Nam là định hướng xuyên suốt của Chín phủ trong thời gian tới.

Thực tế, 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió với hơn 16,5 GW công suất điện mặt trời được kết nối vào lưới điện quốc gia (24,3% công suất lắp đặt, 44% công suất tiêu thụ tối đa năm 2020), gần 4 GW điện gió trên bờ và gần bờ đã vào vận hành. Nếu tính cả 20,6 GW thuỷ điện, công suất lắp đặt nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay chiếm đến 54,2% công suất lắp đặt toàn quốc.

Bộ Công Thương đang rà soát và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch năng lượng quốc gia), và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8). Kế thừa sự phát triển mạnh gần đây về phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo sẽ tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thuỷ điệ, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.

Theo đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, các định hướng chủ yếu của quá trình chuyển đổi năng lượng Việt Nam bao gồm: (1) Không phát triển các nguồn nhiệt điện than mới sau năm 2030, thực hiện chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện than hiện có sang biomass hoặc amoniac trước năm 2050; (2) Phát triển các nguồn điện chạy khí (trong đó có LNG) ở quy mô phù hợp nhằm tránh rủi ro vền guồn cung và giá cả trên thị trường thế giới, đồng thời chuyển dịch dần từ việc sử dụng khí thiên nhiên phát điện sang hydro trước 2050;(3) Tập trung phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, tăng mạnh tỷ trọng điện sinh khối, thủy điện tích năng và pin lưu trữ… Đặc biệt khuyến khích các nguồn tự sản xuất, tự tiêu thụ; (4) Ứng dụng các loại hình công nghệ phát điện sử dụng hydro xanh, amoniac xanh; tự sản xuất hydro và amoniac bằng các nguồn điện gió, điện mặt trời nội địa. Đồng thời Chín phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế thông qua chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Được đánh giá là một trong 10 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng đang hướng tới xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nội địa, nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để vừa tận dụng tài nguyên về năng lượng tái tạo, vừa giảm giá thành sản xuất điện.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, theo đó vấn đề phát triển năng lượng theo hướng bền vững, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguồn điện năng với giá thành hợp lý luôn là thách thức với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đã 20 năm nay, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điên của Việt Nam hàng năm ở Việt Nam đều ở mức 2 con số, thường từ 1,5-1,8 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trong đó giai đoạn 2000-2010 là 13%; 2011-2019 là 10,5% (trừ năm 2020 tăng trưởng thấp do đại dịch Covid-19).

Các tính toán của Bộ Công Thương cũng cho thấy, nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới.

Vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng phù hợp, khả thi, bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước là nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất của Việt Nam, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định. Đặc biệt quan trọng là mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương, người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách đều phải được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ các chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý.

Thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng lưu ý tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ năng lượng trên phạm vi toàn cầu (đặc biệt là công nghệ sản xuất điện năng quy mô lớn từ các nguồn năng lượng sơ cấp mới như hydro, amoniac, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ hấp thụ và lưu trữ CO2…, đồng thời phải nâng cao nhận thức về tính cấp bách của việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, bắt đầu trước hết từ các ngành sử dụng nhiều năng lượng.

 

“Theo đó, định hướng phát triển năng lượng và Chương trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trong những năm tới mang đến cơ hội hợp tác rất lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản” – Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh. Đồng thời nhận định, Nhật Bản là quốc gia có tiềm lực mạnh về khoa học – công nghệ và công nghệ năng lượng, có ngành cơ khí chế tạo phát triển ở trình độ cao, trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu điện/nhu cầu năng lượng tăng nhanh và đang có kế hoạch chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ.

Khẳng định Nhật Bản đã giúp đỡ Việt Nam một cách có hiệu quả trong phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng từ nhiều năm nay, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, giai đoạn sắp tới, trong quá trình chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, tiềm năng hợp tác về năng lượng của hai bên sẽ có rất nhiều không gian để phát triển, đặc biệt là trong khuôn khổ cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á (AZEC) mà Nhật Bản là quốc gia khởi xướng.

Cũng đánh giá cao về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, phía Nhật Bản cho biết, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nên có nhu cầu rất lớn về năng lượng. Trong khi đó, Việt Nam cũng có nhu cầu dich chuyển sang nguồn năng lượng sạch, đây lại là những lĩnh vực phía Nhật Bản có nhiều ưu thế, do vậy cơ hội hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng là rất lớn.

Ông Ichikawa Hideo, đồng Chủ tịch KEIDANREN cho rằng, mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, trở thành mối quan hệ hữu hảo, mật thiết; đồng thời đánh giá cao những kết quả đạt được của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội với những thành tựu vững chắc; có nền chính trị ổn định, dân số đông.

Trải qua 20 năm thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã mang lại những thành tựu quan trọng; thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực …Ông Ichikawa Hideo khẳng định, KEIDANREN sẽ tiếp tục tham gia tích cực trong việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, nỗ lực hướng tới sự phát triển sâu sắc giữa hai nước trong thời gian tới.

Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/viet-nam-nhat-ban-nhieu-co-hoi-hop-tac-phat-trien-chuyen-dich-nang-luong.html




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 234
Views This Month : 3897
Views This Year : 11805
Total views : 72345
Language
Skip to content