Để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định có liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2021 ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bao gồm 3 Chương 18 Điều. Gồm: Chương I. Những quy định chung; Chương II. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chương III. Điều khoản thi hành. Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Nội dung phối hợp tập trung vào công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các quy định, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận yêu cầu và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông qua các hình thức theo quy định; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Theo Quy chế, mỗi địa bàn, lĩnh vực do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, các cơ quan khác có trách nhiệm tham gia phối hợp theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thuộc địa bàn, lĩnh vực do đơn vị mình chủ trì thì cơ quan phát hiện phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tại địa bàn, lĩnh vực đó để phối hợp tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, nội dung công việc cần phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan chủ trì quyết định áp dụng một trong các phương thức phối hợp như: Phát hành văn bản hoặc gửi hồ sơ đề nghị cơ quan phối hợp tham gia ý kiến; tổ chức họp lấy ý kiến của các bên tham gia phối hợp. Trong trường hợp khẩn cấp hoặc trao đổi, cung cấp các nội dung thông tin đơn giản, các đơn vị có liên quan trong các nội dung phối hợp có thể trao đổi, cung cấp bằng điện thoại để đảm bảo hiệu quả công việc.
Quy chế này cũng quy định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc phối hợp quản lý dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã, đơn vị liên quan và các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sự thống nhất trong triển khai các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Đặc biệt, UBND tỉnh giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan, địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp trên; thường xuyên rà soát Luật, Nghị định và các văn bản có liên quan, các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện các nội dung liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam – Ngày 15 tháng 3 hàng năm. Trao đổi, cung cấp thông tin, cảnh báo về hàng hóa, dịch vụ không an toàn hoặc có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng; thông tin về kiểm soát hợp đồng theo mẫu/điều kiện giao dịch chung với các cơ quan, đơn vị liên quan; tổng hợp, công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở Công Thương và Cổng thông tin bảo vệ người tiêu dùng Quốc gia và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, vận động, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Việc ban hành Quy chế phối hợp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Triệu Thanh Hoa (Sở Công Thương)