Hạ tầng đang dần hoàn thiện, góp phần rút ngắn khoảng cách từ Thủ đô Hà Nội đến Bắc Kạn (Ảnh: Tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên – Chợ Mới) |
Bắc Kạn có vị trí nằm ở cạnh vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tình hình chính trị ổn định, môi trường xã hội an toàn, cơ sở hạ tầng khá tốt và đang dần được hoàn thiện. Hiện nay, UBND tỉnh đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục khởi công các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn như: Quốc lộ 3 mới đoạn Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn; tuyến đường Khang Ninh – Quảng Khê; cải tạo, nâng cấp đường giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể… đặc biệt phấn đấu hoàn thành tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể trong năm 2023 để tạo động lực phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn có diện tích đất nông lâm nghiệp lớn, với 457.482 ha, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Hằng năm, diện tích rừng được trồng mới của tỉnh bình quân đạt trên 6.000 ha. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Vùng trồng nguyên liệu dong riềng của HTX Tài Hoan tại xã Côn Minh, huyện Na Rì |
Về lĩnh vực công nghiệp, Bắc Kạn có Khu Công nghiệp Thanh Bình với nhiều dự án hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn có 6 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 186,4 ha, sẵn sàng thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Quy mô ngành công nghiệp của tỉnh năm 2021 đạt gần 950 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng những năm gần đây đạt gần 10,5%/năm. Cơ cấu ngành công nghiệp được chuyển dịch mạnh mẽ, năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh có nhiều tiến bộ. Nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp được đầu tư và đi vào hoạt động ổn định.
Bắc Kạn cũng là tỉnh có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Trong đó, trọng điểm là Di tích Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể. Ngoài ra còn nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử và các lễ hội, phong tục đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Khi tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể và hạ tầng giao thông vùng hồ Ba Bể hoàn thành sẽ thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Ngoài những lợi thế về điều kiện tự nhiên, về chính sách, Bắc Kạn có 100% đơn vị hành chính thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên được hưởng ưu đãi cao nhất theo Luật đầu tư. Đồng thời, để khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư đến với Bắc Kạn, tỉnh cũng đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư vào một số lĩnh vực như nông, lâm nghiệp và hạ tầng khu, cụm công nghiệp,… đặc biệt là vấn đề phát triển công nghiệp, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Với nhiều lợi thế so sánh, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để quảng bá, kêu gọi đầu tư, chủ động hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư nên công tác thu hút đầu tư vào tỉnh có nhiều khởi sắc. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, đã có 64 dự án với tổng số vốn trên 9.700 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào tỉnh, chiếm 37% số lượng dự án và 53% tổng vốn đăng ký từ trước đến nay. Bên cạnh đó, đã có 20 nhà đầu tư được chấp thuận tài trợ kinh phí quy hoạch với khoảng 40 dự án, đây là cơ sở để các nhà đầu tư đề xuất các dự án đầu tư trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong thời gian qua, có một số nhà đầu tư lớn có năng lực, kinh nghiệm, uy tín nghiên cứu đầu tư vào tỉnh như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Tập đoàn APEC, Tập đoàn Osen Fuji…. UBND tỉnh đang hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn và các quy hoạch liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh định hướng và mong muốn các nhà đầu tư quan tâm đến một số lĩnh vực. Đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp, ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư tham gia liên kết mở rộng sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đầu tư dây chuyền công nghệ để chế biến sâu các sản phẩm nông lâm sản, xúc tiến thương mại và dịch vụ hậu cần nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị và tạo được thương hiệu riêng cho nông sản Bắc Kạn.
Trong lĩnh vực dịch vụ – du lịch, Bắc Kạn ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các tuyến, điểm du lịch mới có tính liên vùng. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch như điện, nước, bưu chính viễn thông, ngân hàng, cơ sở y tế, bãi đỗ xe, bến thuyền, khu vực vệ sinh công cộng, thu gom rác thải… tại các khu, điểm du lịch.
Về công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh khuyến khích mời gọi đầu tư phát triển ngành công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, trong đó ưu tiên cơ khí lắp ráp, máy móc thiết bị chế biến nông lâm sản thực phẩm và hàng tiêu dùng. Kêu gọi đầu tư sản xuất máy phát điện cỡ nhỏ, sản xuất tấm lợp kim loại, kết cấu thép và sản xuất các thiết bị điện, điện tử khác.
Về công nghiệp sản xuất và phân phối điện, Bắc Kạn thu hút, mời gọi đầu tư phát triển nguồn điện thuỷ điện nhỏ, điện sinh khối, điện gió…
Phát biểu tại Hội nghị “Giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư tỉnh Bắc Kạn” năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, cấp ủy chính quyền cam kết sẽ tiến hành các giải pháp đồng bộ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phát huy vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp của các sở, ngành, đơn vị chuyên môn để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trên cơ sở các quy định của pháp luật./.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn