Bắc Kạn: Nhiều cây ăn quả mang tính đặc trưng vùng đang được phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, diện tích một số cây ăn quả mang tính đặc trưng vùng như: Cam, quýt, hồng không hạt, mơ… đang được tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
              Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện trồng được 744 ha hồng không hạt

Nói đến cây ăn quả của Bắc Kạn, đầu tiên phải kể đến là hồng không hạt. Sản phẩm hồng không hạt của Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý từ năm 2010, trở thành cây ăn quả đặc sản có thương hiệu. Sau khi được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn tiếp tục khẳng định giá trị và ngày càng được người tiêu dùng biết đến, ưa chuộng. Năm 2013, quả hồng không hạt của Bắc Kạn được công nhận là sản phẩm nằm trong bảng xếp hạng 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bình chọn. Hiện cây hồng được phát triển trồng chủ yếu tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn và Ngân Sơn, với tổng diện tích hiện có là 744 ha, diện tích đã cho thu hoạch 419 ha, năng suất trung bình 56 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2.346 tấn/năm.

                         Tổng diện tích cam toàn tỉnh hiện có là 938 ha

Tiếp đến là 2 loại cây cam, quýt có tổng diện tích là 2.378 ha, diện tích đã cho thu hoạch 2.100 ha, năng suất ước đạt 100,8 tạ/ha, được trồng tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Na Rì, trong đó diện tích trồng tập trung và lớn nhất tại huyện Bạch Thông và Chợ Đồn.

         Hiện tỉnh Bắc Kạn có 20,8 ha quýt được chứng nhận an toàn thực phẩm

Riêng sản phẩm quýt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý vào năm 2021. Năm 2015, sản phẩm quýt Bắc Kạn tiếp tục đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Sau khi có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quýt Bắc Kạn từng bước khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường. Người dân cũng chủ động hơn trong việc tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc cây quýt, mở rộng diện tích, đem lại nguồn thu nhập cao.

            Mơ được phơi trong nhà kính tại Công ty TNHH Việt Nam Misaki

Đối với cây mơ, tổng diện tích toàn tỉnh hiện có là 638 ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch là 248 ha, năng suất trung bình 50 tạ/ha, sản lượng 1.240 tấn/năm. Hiện nay, thị trường sản phẩm mơ khá ổn định, do trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhà máy chế biến mơ của Công ty TNHH Việt Nam Misaki đầu tư và đi vào sản xuất với công suất trên 2.500 tấn quả tươi/năm. Hằng năm, tổng sản lượng mơ của cả tỉnh mới chỉ cung ứng được khoảng 50% nguyên liệu cho nhà máy.

            Người dân xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn thu hoạch chuối tây

Đối với cây chuối, tổng diện tích Bắc Kạn hiện có là 1.345 ha, năng suất trung bình 120 tạ/ha. Diện tích đã được đầu tư thâm canh là 60 ha, diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm là 10 ha, diện tích được chứng nhận VietGAP là 20 ha. Cây chuối đang được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Ba Bể, Chợ Mới, Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn, hiện nay có khoảng 30 – 40% sản lượng quả đã được đưa vào chế biến thành các sản phẩm chuối sấy dẻo, rượu chuối… được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

                          Một mô hình trồng cây dẻ tại huyện Ngân Sơn

Ngoài ra, Bắc Kạn còn có một số cây ăn quả đặc trưng của vùng núi cao như: Lê, dẻ, đào, mận… Các loại cây trồng này trước đây chủ yếu được trồng để phục vụ nhu cầu gia đình nhưng những năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế của loại cây ăn quả này, bà con đã mở rộng diện tích theo hướng hàng hóa, đặc biệt là cây lê và cây dẻ. Diện tích cây lê hiện có là 26,6 ha và diện tích cây dẻ hiện có là 57,7 ha, 2 loại cây này được trồng chủ yếu ở một số xã vùng cao của huyện Ngân Sơn và huyện Pác Nặm.

                                 Toàn tỉnh hiện có 2.047 ha chè

Bên cạnh các cây ăn quả kể trên, hiện Bắc Kạn cũng đang tích cực quan tâm, phát triển cây chè và cây dong riềng trở thành cây hàng hóa chủ lực của địa phương. Toàn tỉnh có 2.047 ha chè, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 1.882 ha, sản lượng đạt 9.092 tấn chè búp tươi; diện tích chè Shan tuyết 528 ha. Đối với cây dong riềng, diện tích trồng dao động xung quanh 500 ha, năng suất đạt 74 tấn/ha, sản lượng đạt 34.916 tấn củ. Sản phẩm Miến dong Bắc Kạn cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể và hiện đang được thị trường trong nước tiêu thụ mạnh, trong đó sản phẩm Miến dong Tài Hoan (Na Rì) đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.

Miến dong Tài Hoan (Na Rì) được đóng gói trước khi được bán ra thị trường

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, đáp ứng nhu cầu hàng hóa thị trường, mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Trong Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2035 thì mục tiêu giai đoạn 2020 -2025 phấn đấu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (cam, quýt, hồng không hạt, chè…) có truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGAP. Với những mục tiêu này, có thể thấy rằng, tỉnh Bắc Kạn đang quyết tâm phát triển các loại cây trồng lợi thế, sản xuất thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 58
Views This Month : 2574
Views This Year : 10482
Total views : 71022
Language
Skip to content