Bản chất hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Multi-level marketing hay kinh doanh đa cấp (có nhiều cách gọi khác nhau về phương thức kinh doanh này, tại Việt Nam, thuật ngữ pháp lý được sử dụng là: “kinh doanh theo phương thức đa cấp” hay “bán hàng đa cấp”) là một phương thức bán lẻ hàng hóa xuất hiện đầu tiên tại Mỹ và do Ông Carl Rehnborg một nhà Nhà Nghiên cứu dinh dưỡng xây dựng và phát triển từ những thập niên đầu Thế kỷ 20.

Trong phương thức này, thay vì hàng hóa được bán tại các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng, siêu thị…, doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bán trực tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng thông qua một mạng lưới những người tham gia, hay còn gọi là “nhà phân phối”. Người tham gia bán hàng đa cấp sẽ được công ty trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác dựa trên doanh số bán hàng của mình và của mạng lưới bán hàng do mình xây dựng.

Phương thức kinh doanh này có nhiều nét đặc thù bao gồm cả ưu điểm và nhược điểm

Đối với doanh nghiệp, hình thức bán hàng theo phương thức đa cấp giúp doanh nghiệp tiết kiệm các khoản chi phí: cho quảng cáo, quảng bá sản phẩm và thương hiệu tới người tiêu dùng như: chi phí thuê, mua mặt bằng để làm đại lý, cửa hàng. Ngoài ra, với người tham gia bán hàng đa cấp, doanh nghiệp không phải trả lương cho các nhà phân phối mà những nhà phân phối này sẽ được trích hoa hồng từ lợi nhuận chính họ tạo ra, do đó, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí tổ chức bộ máy nhân sự.

Theo hình thức bán hàng đa cấp, doanh nghiệp có thể phát triển quy mô mạng lưới bán hàng nhanh hơn so với phương thức bán hàng truyền thống. Bằng kinh nghiệm sử dụng sản phẩm, người tham gia giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng khác và cơ hội tham gia hoạt động bán hàng đa cấp. Với phương thức này, doanh nghiệp có thể mở rộng mạng lưới phân phối một cách nhanh chóng và có được một thị trường lớn mạnh. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thể có doanh thu lớn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế và nguồn ngân sách nhà nước.

Đối với người tham gia, bán hàng đa cấp giúp giải quyết được nhu cầu việc làm cho những người tham gia, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Với điều kiện không quá khắt khe đối với người tham gia bán hàng đa cấp (không yêu cầu về vốn, không yêu cầu chuyên môn, bằng cấp, thời gian làm việc…), hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp đã thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Ngoài ra, người tham gia còn có thu nhập từ việc bán sản phẩm và từ hệ thống.

Đối với người tiêu dùng, mua hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp giúp người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí khi mua sản phẩm: vì doanh nghiệp không phải chịu các chi phí về vận chuyển, phân phối hay quảng cáo nên giá thành các sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng thường có xu hướng rẻ hơn so với hình thức bán hàng truyền thống. Sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng có sự đầu tư nghiên cứu để sản xuất nhất định và mang tính đặc trựng (thậm chí độc quyền đối với mỗi một nhà sản xuất) rất cao.

Bên cạnh đó, từ cách thức triển khai hoạt động, mô hình bán hàng theo phương thức đa cấp cũng có những nhược điểm như sau:

Việc tiếp thị, quảng cáo hàng hóa được thực hiện trực tiếp qua phương thức truyền miệng và dựa vào tâm lý con người, do đó khó kiểm soát được quá trình thông tin từ người này sang người khác và khó phù hợp với mọi đối tượng người tiêu dùng.

Doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp thường có số lượng người tham gia rất lớn và có thể diễn ra trên phạm vi địa lý rộng của một quốc gia nên việc kiểm soát và quản lý hoạt động kinh doanh và các hành vi của người tham gia bán hàng đa cấp rất khó khăn.

Về mặt xã hội, cũng xuất phát từ chính những đặc thù trong phương thức kinh doanh mà bán hàng đa cấp cũng dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để huy động tài chính, huy động đầu tư, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội nói chung và những doanh nghiệp, người tham gia chân chính trong lĩnh vực kinh doanh này nói riêng.

Thực tế trong lịch sử, khi phương thức kinh doanh này du nhập vào bất kỳ quốc gia nào cũng đều có những đối tượng xấu bóp méo đi ngược với bản chất của loại hình kinh doanh này để thực hiện các hành vi phi pháp và gây những hệ lụy rất lớn cho xã hội. Như Chính phủ Albania bị sụp đổ năm 1997 vì liên quan đến Mô hình Ponzi, hay là vụ scandal gây chấn động trên thị trường tài chính Mỹ là vụ án của “siêu lừa 58 tỷ Đô la” Bernard Madoff năm 2008.

Khái niệm pháp lý của Việt Nam về kinh doanh theo phương thức đa cấp phản ánh đúng bản chất của hình thức kinh doanh này. Vì lý do mô hình đa cấp đã bị một số đối tượng lợi dụng để biến thành công cụ lừa đảo, và dẫn tới việc các cụm từ “bán hàng đa cấp” và “kinh doanh đa cấp” đã được sử dụng theo quan điểm cá nhân và cảm tính của người sử dụng để ám chỉ “lửa đảo” hay những ý nghĩa tương tự không đúng về bản chất pháp lý về “kinh doanh theo phương thức đa cấp”.

Tại Việt Nam, thuật ngữ pháp lý đầu tiên về kinh doanh theo phương thức đa cấp là khái niệm “bán hàng đa cấp” được quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004. Hiện nay, khái niệm “kinh doanh theo phương thức đa cấp” được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định số 40/2018/NĐ-CP), kinh doanh theo phương thức đa cấp là: “hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”.

Cũng theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP: Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định và chỉ được thực hiện với đối tượng là hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, ví dụ như kinh doanh bảo hiểm).

Kinh doanh theo phương thức đa cấp chính là một hình thức phân phối, bán hàng, cũng như các hình thức bán hàng khác, bán hàng đa cấp tìm cách đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, không phải là một hình thức đầu tư để thu lại lợi nhuận cao và làm giàu nhanh chóng.

Tất cả những doanh nghiệp áp dụng phương thức kinh doanh này mà có biểu hiện như: không nhằm mục đích chính để bán hàng hóa (hoặc hàng hóa chỉ mang tính chất tượng trưng, không có ý nghĩa sử dụng), khuyến khích người tham gia đây là một cách làm giàu từ việc đầu tư tài chính, hàng hóa đều là những doanh nghiệp có xu hướng hoạt động bất chính đi ngược với bản chất của bán hàng đa cấp.

Nguồn: Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh – Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005172
Views Today : 100
Views This Month : 100
Views This Year : 12510
Total views : 73050
Language
Skip to content