Các hình thức kinh doanh dễ bị nhầm là kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP

Bán hàng đa cấp hay kinh doanh theo phương thức đa cấp là một phương thức bán lẻ hàng hóa. Trong đó, thay vì bán tại các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng, siêu thị…, doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bán trực tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng thông qua một mạng lưới những người bán hàng, hay còn gọi là “nhà phân phối”. Người bán hàng sẽ được công ty trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác dựa trên doanh số bán hàng của mình và của mạng lưới bán hàng do mình xây dựng.

Về mặt kinh tế, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên với đặc thù của mô hình bán hàng đa cấp là việc tiếp thị hàng hóa được thực hiện trực tiếp qua phương thức truyền miệng, do đó khó kiểm soát được quá trình thông tin từ người này sang người khác. Chính vì vậy, hoạt động bán hàng đa cấp đã bị một số đối tượng lợi dụng để biến thành công cụ lừa đảo, và dẫn tới việc sử dụng cụm từ “đa cấp” và “kinh doanh đa cấp” đã được sử dụng theo quan điểm cá nhân và cảm tính của người sử dụng để ám chỉ “lừa đảo” hay những ý nghĩa tương tự không đúng về bản chất pháp lý của “kinh doanh theo phương thức đa cấp”.

Trong thời gian vừa qua, rất nhiều hoạt động thương mại hợp pháp hay hoạt động kinh doanh, tiếp thị hàng hóa có dấu hiệu không minh bạch rõ ràng, thậm chí là lừa đảo nhưng lại được nhắc đến kèm với cụm từ “đa cấp” hay “kinh doanh đa cấp” không đúng với bản chất của hoạt động và không phản ánh hoạt động “kinh doanh theo phương thức đa cấp” theo quy định của pháp luật hiện hành. Có thể kế đến một số loại hình như sau:

(1) Kinh doanh bảo hiểm

Một số loại hình kinh doanh bảo hiểm ví dụ kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là loại hình kinh doanh hợp pháp với đối tượng kinh doanh là dịch vụ bảo hiểm, tài chính có sử dụng mô hình tương tự đa cấp được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động và tuân thủ theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm.

Trong khi đó, đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp của Nghị đinh 40/2018/NĐ-CP 40/2018/NĐ-CP chỉ là hàng hóa (các đối tượng được phép kinh doanh theo Nghị đinh 40/2018/NĐ-CP được quy định tại Điều 4).

(2) Tiếp thị liên kết – Affiliate marketing

Tiếp thị liên kết (thuật ngữ này chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật) đây là một hình thức tiếp thị hàng hóa dịch vụ sử dụng hình thức thương mại điện tử và cần phải đăng ký và tuân theo pháp luật về thương mại điện tử.

Trong mô hình tiếp thị này, cộng tác viên sẽ quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ và nhận hoa hồng được theo dõi thông qua các liên kết trên môi trường Internet (ví dụ sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử…) được cấp riêng cho từng nhà tiếp thị liên kết. Hoa hồng khi cộng tác viên làm Affiliate Marketing hoa hồng có thể được tính theo giá trị đơn hàng hoặc theo con số cố định tuỳ nhà cung cấp. Tuy nhiên chỉ dừng lại ở 01 cấp duy nhất tức bán hàng trực tiếp giữa Người bán – Cộng tác viên – Người tiêu dùng, không có đơn vị trung gian khác và không hình thành nhiều cấp, nhiều nhánh như kinh doanh theo phương thức đa cấp được quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Tuy nhiên hình thức tiếp thị liên kết này rất dễ bị biến tướng khi mạng lưới cộng tác viên đã được kết nối với hệ thống, các chủ hệ thống sẽ sắp xếp mạng lưới công tác viên, người tham gia hơn 01 cấp tức đa cấp (nhiều cấp, nhiều nhánh) và dễ trở thành kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép vi phạm pháp luật.

(3) Bán hàng theo hình thức hội chợ, hội thảo tại các vùng nông thôn

Đây là hình thức bán hàng của một số doanh nghiệp, nhóm kinh doanh về các thôn, tổ dân phố tại nhiều địa phương để mời, dụ dỗ theo hình thức hội chợ, hội thảo giới thiệu sản phẩm 1-2 ngày cho người dân nông thôn các mặt hàng đồ gia dụng, thực phẩm chức năng, thuốc, máy mát-xa… Trong một số trường hợp, các đối tượng này đã sử dụng hình thức này để lừa đảo người dân mua hàng hóa với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường nhưng chất lượng sản phẩm không kiểm soát được.

Với nhiều chiêu trò và thủ thuật dụ dỗ như: chào hàng rồi sau đó tặng miễn phí (trả lại tiền), giảm giá, khuyến mãi… cho người mua, sau nhiều lần vậy khi người dân tin tưởng thì những kẻ này đã bán hàng mà không trả lại tiền, không giảm giá cho người mua nữa, trong khi hàng hóa thì chất lượng rất kém không tương xứng với khoản tiền của bà con đã bỏ ra (thực chất là bà con nghĩ rằng những kẻ này sẽ tiếp tục trả lại như những lần trước).

(4) Hoạt động “thổi giá”, “làm giá ảo” với các sản phẩm

Ví dụ như “lan đột biến” được phản ánh trong thời gian gần đây. Hoạt động này được mô tả theo cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo của một số đối tượng, được hiểu là các bên tự mua đi bán lại cây lan đột biến với giá chênh lệch rất cao, để kích thích người sau mua (thường để đầu tư) với giá cao hơn nữa, đến khi không có người mua tiếp theo thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ phải chịu thiệt hại vì sản phẩm không tương xứng với giá trị thực tế.

Ngoài ra, còn có một số các thông tin đã phản ánh thì đây có thể chỉ là các “chiêu trò đánh bóng tên tuổi” của các đối tượng nhưng thực tế không có giao dịch mua bán nào cả.

Các hoạt động được mô tả trên đây là một số hoạt động thương mại thông thường, có thể kèm theo một số thủ đoạn lừa đảo người dân nhưng đều không phải là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đã được quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Nguồn: Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh – Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005154
Views Today : 56
Views This Month : 2092
Views This Year : 10000
Total views : 70540
Language
Skip to content