Chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp

Để thúc đẩy kinh tế rừng phát triển, tỉnh Bắc Kạn triển khai kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre nứa với mục tiêu đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến tại địa phương, đưa ngành chế biến gỗ của tỉnh tham gia vào trục sản phẩm quốc gia.

Thực trạng sản xuất, chế biến lâm sản

Toàn tỉnh hiện có 417.538ha đất lâm nghiệp (chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên). Diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 372.715ha, rừng tự nhiên 273.376ha, rừng trồng 99.339ha, tỷ lệ che phủ rừng 73,4%. Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn chủ yếu là rừng phục hồi sau nương rẫy, sau khai thác kiệt, rừng nghèo, trữ lượng thấp; diện tích rừng tự nhiên đang có nguy cơ bị xâm hại cao do phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác rừng trái phép làm giảm chất lượng, trữ lượng rừng. Do vậy, cần có các biện pháp quyết liệt để bảo vệ rừng, đồng thời có các chương trình phục hồi, cải tạo, làm giàu rừng tự nhiên để sớm đạt các chỉ tiêu về quản lý rừng bền vững tiến tới khai thác, sử dụng bền vững rừng tự nhiên.

Hiện, cả tỉnh có 354 cơ sở (40 tổ chức, doanh nghiệp và 314 hộ kinh doanh cá thể) đăng ký kinh doanh chế biến gỗ và lâm sản với công suất 241.512m3 gỗ, 9.460 tấn lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 222 cơ sở đang hoạt động (gồm 22 tổ chức và 200 hộ kinh doanh cá thể – bao gồm cả các cơ sở hoạt động không thường xuyên). Trong đó, có Công ty cổ phần đầu tư GOVINA, Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, Công ty TNHH Trường Thành… đã xuất khẩu gỗ qua chế biến với tổng sản lượng gỗ xuất khẩu 23.805m3 gỗ, đạt giá trị đạt hơn 01 triệu USD. Các tổ chức, hộ kinh doanh cá thể còn lại sản xuất các sản phẩm đơn giản như gỗ xẻ, ván bóc, băm dăm, viên nén, đũa gỗ, than hoa… phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Nói chung, hiệu quả hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ của người dân trong tỉnh.

Lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp còn nhiều hạn chế như: Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư trồng rừng trung hạn theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 cho tỉnh Bắc Kạn chưa đủ và kịp thời; ngân sách của tỉnh và các huyện, thành phố hỗ trợ trồng cây phân tán còn hạn hẹp; hệ thống cơ sở hạ tầng lâm nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Việc đầu tư trồng rừng của các thành phần kinh tế vẫn còn manh mún, chưa thành vùng nguyên liệu tập trung theo vùng sinh thái của từng loài cây, chưa đầu tư thâm canh, năng suất cây trồng thấp, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa cao; tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp còn thấp trong cơ cấu kinh tế của ngành Nông nghiệp. Chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu gỗ còn ít, một số nhà máy chế biến hoạt động không hiệu quả, sản phẩm gỗ chủ yếu là xuất thô nên giá trị thấp. Công nghiệp chế biến chưa phát triển nên việc tiêu thụ sản phẩm từ rừng trồng gặp khó khăn, giá bán nguyên liệu thấp và không ổn định, hiệu quả trồng rừng chưa cao.

Mục tiêu và giải pháp 

Hiện nay, thị trường nội địa và xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến và nội thất đã đạt được nhiều kết quả, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, trở thành một trong số 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù, Bắc Kạn là tỉnh có diện rừng trồng lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao… nhưng đóng góp vào GDP ngành chế biến gỗ của cả nước rất thấp. Do vậy, việc phát triển hiệu quả vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre nứa là hết sức quan trọng và cần thiết. Mục tiêu xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre nứa bền vững, tạo ra đột phá trong công tác phát triển rừng sản xuất. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng; sản lượng vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với từng giai đoạn để nâng cao giá trị gia tăng bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sản xuất, kinh doanh rừng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến tại địa phương, hướng tới hoàn thành mục tiêu đưa ngành chế biến gỗ của tỉnh tham gia vào trục sản phẩm quốc gia.

Cụ thể, đến năm 2025 toàn tỉnh có 11.000ha cây keo trở lên được trồng lại sau khai thác và chuyển từ trồng mỡ sang trồng keo bằng các giống tiến bộ (như keo hạt Úc, keo mô) và kinh doanh theo phương thức trồng cây gỗ lớn (khai thác trên 10 năm tuổi); chuyển đổi 2.000ha cây mỡ cho năng suất thấp sang trồng keo bằng các loại giống tiến bộ; áp dụng các biện pháp kỹ thuật chặt tỉa thưa 5.000ha cây mỡ để nâng tỷ lệ gỗ xẻ lên 80% sản lượng khai thác; trồng lại sau khai thác bằng giống đảm bảo chất lượng 7.000ha cây mỡ; 20.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC; 15.000ha rừng trồng được sản xuất theo chuỗi giá trị (trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến). Phấn đấu tổng sản lượng khai thác giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 2.434.900m3, trung bình khai thác 486.980m3/năm. Đến năm 2025, 100% sản lượng gỗ khai thác được chế biến tại địa phương, trong đó có 30% được chế biến sâu; 100% diện tích rừng trồng có phương án quản lý rừng bền vững. Thành lập ít nhất 02 cụm công nghiệp tại huyện Na Rì và Ba Bể. Thu hút đầu tư xây dựng ít nhất 01 nhà máy chế biến sản phẩm đồ gỗ nội thất và 01 nhà máy chế biến sản xuất đồ gỗ công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ địa phương…

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh ta đã xây dựng Kế hoạch với các giải pháp cụ thể phát triển loài cây chính gồm: Keo, mỡ, thông và các loài cây phù trợ như lát, trám, xoan, quế, hồi, sao. Đối với vùng nguyên liệu tre nứa, duy trì diện tích theo hiện trạng. Hằng năm căn cứ vào diện tích, tuổi cây, tiến hành chặt khai thác tỉa thưa theo hướng dẫn kỹ thuật. Việc tổ chức trồng lại rừng sau khai thác thực hiện theo quy trình thâm canh, tuân thủ quy định về mật độ trồng, thời vụ trồng, đặc biệt là bắt buộc phải có bón phân và trồng xen một số loài cây gỗ lớn chiếm tầng cao như lát, trám, sấu. Lựa chọn những diện tích keo, mỡ từ 3-8 tuổi, tiến hành tỉa thưa kết hợp cấp chứng chỉ FSC nhằm tạo ra vùng nguyên liệu rừng trồng ổn định và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các chính sách hiện đang có hiệu lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp liên doanh liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ gỗ rừng trồng. Tăng cường quản lý giống cây lâm nghiệp, hỗ trợ kinh phí mua cây giống chất lượng cao với những loài cây gỗ lớn, cây bản địa. Chủ động phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hệ sinh thái rừng như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng và các dịch vụ mới khác để tạo nguồn thu tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư địa phương đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng rừng theo phương án quản lý rừng bền vững, được cấp chứng chỉ rừng FSC. Chuyển đổi Khu Công nghiệp Thanh Bình thành khu chế biến gỗ tập trung; mở thêm cụm công nghiệp chế biến tại xã Quảng Chu (Chợ Mới), thu hút được các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có công nghệ, thiết bị đồng bộ để sản xuất ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Với các giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp được thực hiện hiệu quả trong giai đoạn 2021-2025 sẽ giúp cho khoảng 10.000 hộ gia đình tiếp tục canh tác ổn định và tăng thu nhập trên diện tích khoảng 18.000 ha rừng trồng. Hoạt động liên doanh liên kết và sản xuất theo chuỗi giá trị, đặc biệt là chế biến 100% nguồn nguyên liệu tại địa phương tạo việc làm ổn định, thu nhập khá cho hàng nghìn lao động địa phương. Đồng thời, kéo dài chu kỳ kinh doanh theo cây gỗ lớn góp phần đáng kể bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, giảm thoái hoá đất và giảm thiểu phát thải khí các-bon ra môi trường./.

Nguồn: http://www.baobackan.com.vn/




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005154
Views Today : 183
Views This Month : 2219
Views This Year : 10127
Total views : 70667
Language
Skip to content