Chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa và các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Nhằm bảo đảm đủ lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, ổn định giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến; đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Phương án số 805/PA-UBND ngày 28/12/2021 Phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa và các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trong đó, nội dung chính của phương án như sau:

Tình hình thị trường hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn diễn ra khá ổn định, lượng hàng hóa dữ trữ trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mức dự trữ hàng hóa được căn cứ vào nhu cầu của thị trường cùng thời điểm năm trước, mặt hàng, chủng loại phù hợp nhu cầu tiêu dùng của người dân. Dự báo nhu cầu mua sắm dịp Tết Nhâm Dần 2022 của nhân dân trên địa bàn tỉnh tăng từ 10-15% so với dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Do đó, dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước khoảng 10-15% tùy nhóm mặt hàng (đặc biệt vào một số thời điểm nhất định như những ngày cuối năm, sát Tết Nguyên đán nhu cầu có thể tăng cao).

 

  1. Phương án chuẩn bị và cung ứng nguồn hàng dịp Tết Nguyên đán như sau:

Thứ nhất, Nhóm lương thực: Đối với nguồn cung lương thực như thóc, gạo trên địa bàn tỉnh ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện nay, người dân vừa sau vụ thu hoạch thóc vụ mùa, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thu hoạch thóc vụ mùa năm 2021 ước đạt khoảng 68.000 tấn. Do đó, lượng thóc trong nhân dân còn lớn. Ngoài ra, lượng thóc, gạo hiện dự trữ tại các cửa hàng xay sát, đại lý thóc, gạo khoảng 250-300 tấn gạo các loại. Các cơ sở cung ứng thóc gạo lớn, như: Cơ sở Nguyễn Thị Thủy (Chợ Bắc Kạn); Cơ sở Trung Dũng (TP Bắc Kạn); Đại lý Nguyễn Thị Tuyết Mai (Tp Bắc Kạn); Cơ sở xay sát Tươi Tỉnh (Chợ Đồn); Cơ sở xay sát Trọng Đại (Chợ Đồn); Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ huyện Ba Bể; Đại lý gạo Thanh Xuân (Ba Bể); Đại lý gạo Thúy Út (Ba Bể); Siêu thị Vinmart Bắc Kạn:; Hợp tác xã Hoàn Thành (Chợ Đồn). Các mặt hàng miến dong, phở khô, bún khô do các cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất, cung cấp ra thị trường: Sản lượng miến dong năm 2021 ước đạt 1.300 tấn, toàn tỉnh hiện có 37 cơ sở chế biến dong riềng; sản lượng bún, phở khô do các Hợp tác xã trên địa bàn tình cung ứng ra thị trường khoảng 170 tấn/năm.

Thứ hai, Nhóm thực phẩm:

* Thịt lợn: Trên địa bàn tỉnh, các đơn vị chăn nuôi, hộ gia đình đã tái đàn trở lại sau ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, thịt lợn tại địa phương chiếm khoảng 60-70% thị trường của tỉnh. Trong đó, có một số đơn vị chăn nuôi lớn có khả năng cung ứng ra thị trường trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán khoảng gần 600 tấn lợn. Trong đó, Công ty CP Sản xuất VLXD Bắc Kạn  400 tấn; Công ty TNHH Nam Huế (TP Bắc Kạn) 20 tấn; Hợp tác xã Hùng Tuyết (TP Bắc Kạn) 50 tấn; Hộ chăn nuôi lợn Hà Sỹ Thúc 10 tấn; Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Pác Nặm 30 tấn, hộ chăn nuôi Trương Thị Mai (huyện Pác Nặm) 20 tấn; Hợp tác xã Nhung Lũy (Huyện Ba Bể) 50 tấn; Hợp tác xã Trần Phú (Huyện Na Rì) 10 tấn; Thịt lợn bán lẻ tại Siêu thị Vinmart Bắc Kạn: 0,7 tấn/ngày.

* Gia cầm: Nguồn cung trên địa bàn khá lớn, ở hầu khắp tại các địa phương. Tổng đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) hiện nay trên địa bàn tỉnh ước khoảng 2.000.000 con; lượng hàng hóa tiêu thụ trên địa bàn trên 95% là sản phẩm địa phương, với tổng lượng dự trữ hiện tại khoảng 500 tấn thịt. Trong đó, có một số gia trại, hợp tác xã chăn nuôi với quy mô lớn như: Hợp tác xã Trần Phú (Na Rì): 1,5 tấn; Hợp tác xã Tân Lập (Bạch Thông): 2,4 tấn; Hợp tác xã Hà Tâm (Ba Bể): 1,6 tấn; Hợp tác xã Tuấn Cảnh (TP.Bắc Kạn); Hợp tác xã Hà Anh (Bạch Thông): 0,4 tấn; Hợp tác xã Thanh niên Như Cố (Chợ Mới): 6 tấn; Hợp tác xã An Thịnh (Chợ Mới): 5 tấn; Hợp tác xã Linh Ngọc (Chợ Mới):10 tấn. Ngoài ra, còn có thịt gà đông lạnh được bán tại Siêu thị VinMart Bắc Kạn với số lượng trung bình 0,5 tấn/ngày.

* Thủy hải sản: Một số cơ sở chăn nuôi thủy sản quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, chuyên cung ứng ra thị trường. Một số đơn vị như Hợp tác xã Thanh Mai (Chợ Mới) có khả cung ứng 10 tấn cá; Hộ kinh doanh Hà Minh Giang (Chợ Mới) khả năng cung ứng 1 tấn cá; Hợp tác xã Hà Anh (Bạch Thông) khả năng cung ứng 1 tấn cá. Trường hợp cần cung ứng hàng hóa có thể sử dụng các mặt hàng hải sản đông lạnh tại các nhà phân phối như: Đại lý hải sản Tiến Thu (5 tấn), Siêu thị VinMart Bắc Kạn (0,5 tấn), Siêu thị BK Mart (0,3 tấn). Ngoài ra, có thể nhập thêm từ các nguồn phân phối tại các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng…

* Mặt hàng rau, củ, quả: Trên địa bàn tỉnh, diện tích cây rau, củ, quả gieo trồng được 1.150ha, năng suất ước đạt 130,32 tạ/ha, sản lượng 14.987 tấn. Tại các khu vực nông thôn, lượng rau củ quả của người dân địa phương đủ đáp ứng trên 90% nhu cầu tiêu dùng, đối với khu vực trung tâm các thành phố, thị trấn lượng rau, củ, quả của địa phương chỉ chiếm khoảng 40-50% còn lại là rau nhập từ các tỉnh ngoài. Trên địa bàn hiện nay có các mặt hàng củ, quả như bí xanh, bí đỏ,.. với sản lượng cung ứng tại chỗ khoảng trên 1.000 tấn; Siêu thị Vinmart có khả năng cung cấp rau, củ khoảng 0,7 tấn/ngày. Còn lại, rau được bán nhỏ, lẻ tại các chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ…

* Các mặt hàng tiêu thụ nhiều vào dịp Tết Nguyên đán: Đối với các mặt hàng như: Lá dong, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, miến dong, hạt bí, hạt hướng dương, rau, củ, quả… là những mặt hàng tiêu thụ lớn vào dịp tết được dự trữ chủ yếu ở các cơ sở sản xuất, các hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh, các đại lý, cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng trong các chợ trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, sức mua trên thị trường đối với các mặt hàng này đã tăng từng ngày các đại lý, cửa hàng bán lẻ đang chuẩn bị dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân.

* Đối với các mặt hàng bao gói: Trên địa bàn tỉnh có một số nhà phân phối hàng lớn như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ngọc Huy; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ngọc Hùng BK; Các nhà phân phối: Ngọc Cường, Sinh Thành, Vương Huyền, Nguyễn Thị Nga, Thảo Nghi; Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Ba Bể, Chợ Đồn, Na Rì,… phân phối các mặt hàng như: Cá hộp, thịt hộp, trứng gia cầm, cá khô, dầu ăn, mì tôm, phở gói, muối, mì chính, bột canh, bột ngọt, bánh, kẹo, mứt, nước ngọt, rượu, bia, cafe các loại… cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường tỉnh. Tại các chợ truyền thống, các đại lý bán lẻ hàng tạp hoá, lương thực chế biến trên địa bàn toàn tỉnh dự trữ và cung ứng đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

* Nước uống đóng chai, đóng bình: Trên địa bàn tỉnh có các đơn vị sản xuất như: Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bắc Kạn; Cơ sở sản xuất nước Nặm Cắt (TP.Bắc Kạn); Cơ sở sản xuất nước uống Pò Nà (Chợ Đồn); cơ sở sản xuất nước uống Suối Tiên (Na Rì). Nước uống đóng chai cũng được bán tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ngọc Huy (1.000 thùng); Siêu thị Vinmart (1.000 thùng) và các cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Đối với mặt hàng này, khi có nhu cầu, các đơn vị sản xuất sẽ tăng công suất vận hành của máy móc để đảm bảo cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng thiếu nước uống đóng chai phục vụ người dân.

Thứ ba, Trang thiết bị y tế phòng chống dịch

* Khẩu trang: Nguồn cung ứng khẩu trang y tế dồi dào, giá cả ổn định, hiện được bán tại các hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa. Ngoài ra còn có khẩu trang vải thông thường, được bán tại các chợ trung tâm thành phố, thị trấn, tại một số cửa hàng bán quần áo, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi. Nhìn chung, mặt hàng khẩu trang trên địa bàn tỉnh hiện nay đáp ứng nhu cầu sử dụng.

* Dung dung dịch vệ sinh, nước sát khuẩn: Hiện nay, đối với mặt hàng dung dịch vệ sinh, nước sát khuẩn đã có nhiều đơn vị nhập hàng để bán, hàng hóa được bán tại các siêu thị, các chợ, các cửa hàng tạp hóa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân Trong trường hợp tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp mặt hàng nước sát khuẩn trên địa bàn tỉnh còn thiếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trường hợp có dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu khan hiếm khẩu tra và nước sát khuẩn, Sở Công Thương sẽ liên hệ với các đơn vị sản xuất trong nước và báo cáo Bộ Công Thương để có phương án đảm bảo cung ứng phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh của nhân dân.

* Giấy ăn, giấy vệ sinh: Trên địa bàn tỉnh hiện không có cơ sở sản xuất, giấy ăn, giấy vệ sinh. Tuy nhiên, nguồn cung ứng mặt hàng này tương đối dồi dào với giá cả ổn định. Giấy ăn, giấy vệ sinh được dự trữ kinh doanh tại siêu thị Vinmart Bắc Kạn, siêu thị BK Mart, các nhà phân phối và các cửa hàng tạp hóa, bán lẻ trên địa bàn. Lượng hàng thường xuyên cung ứng ra thị trường trên địa bàn tỉnh khoảng 100.000 cuộn, hộp.

Thứ tư, Nhóm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng

* Mặt hàng Xăng dầu: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 86 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, phân bố tại địa bàn các huyện, thành phố để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó, đa số nguồn hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân được 03 doanh nghiệp cung cấp xăng dầu lớn trên địa bàn tỉnh là: Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn, DNTN Huấn Hòa, Công ty TNHH Hoàng Tiến dự trữ khoảng 4.000m3 xăng dầu, cụ thể: Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn dự trữ và cung ứng tại hệ thống 25 cửa hàng bán lẻ; DNTN Huấn Hòa dự trữ và cung ứng tại hệ thống 7 cửa hàng bán lẻ; Công ty TNHH Hoàng Tiến dự trữ và cung ứng tại hệ thống 7 cửa hàng bán lẻ trên địa bàn.

* Mặt hàng LPG: Trên địa bàn tỉnh 01 trạm nạp LPG vào chai, 02 thương nhân kinh doanh mua bán LPG và 145 cửa hàng bán lẻ LPG, trong đó, dự trữ tại chỗ trên địa bàn tỉnh khoảng 400 tấn gas các loại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

* Nguồn điện: Công ty Điện lực Bắc Kạn xây dựng phương án duy trì và cung ứng bảo đảm đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

 

2.Phương án duy trì cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp

(1) Đối với nhóm lương thực: Huy động và sử dụng nguồn cung tại chỗ đối với thóc, gạo đảm bảo ổn định giá cả, kiểm soát mức tăng giá đối với mặt hàng lương thực không quá 15% so với giá trước thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. (2) Đối với nhóm thực phẩm: Ưu tiên khả năng cung ứng tại chỗ, linh hoạt trong việc cung ứng thực phẩm giữa các địa phương trong tỉnh. Trong trường hợp địa phương bị cách ly do dịch bệnh không có khả năng duy trì và cung cấp các dịch vụ thiết yếu, UBND cấp huyện có trách nhiệm thông tin, phối hợp với Sở Công Thương tham mưu phương án cung cấp các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân vùng dịch trên cơ sở khả năng cung cấp và phân phối của hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh. (3) Đối với nhóm trang bị y tế: Luôn duy trì nguồn cung ứng, các cơ sở bán  khẩu trang y tế và khẩu trang thường. Trong trường hợp thiếu nguồn cung, Sở Công Thương phối hợp với sở Y tế và UBND các huyện, thành phố tổng hợp nhu cầu của mặt hàng này gửi các đơn vị sản xuất khẩu trang theo công bố của Bộ Y tế như Tập đoàn Dệt may Việt Nam,… để đặt hàng. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng khẩu trang theo khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm giảm áp lực lên ngành sản xuất khẩu trang, tránh lãng phí. Nước sát khuẩn: được các cửa hàng bán lẻ, siêu thị như Vinmart, Siêu thị Bkmart, các cửa hàng tạp hóa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của nhân dân. Mặt hàng này trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất nên được nhập từ các nhà phân phối ngoài tỉnh. (4) Đối với nhóm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng: Đảm bảo duy trì thường xuyên, liên tục hoạt động kinh doanh xăng dầu, LPG và cung cấp điện trên địa bàn tỉnh. Trường hợp có dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến khan hiếm nguồn cung xăng dầu, LPG, Sở Công Thương chủ động báo cáo Bộ Công Thương để có phương án điều tiết, cung cấp xăng dầu, LPG đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của người dân.

  1. Các giải pháp thực hiện

Thứ nhất, Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh: Tập trung khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về đất đai, về giống, vốn, phương tiện, máy móc để nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.Tập trung huy động các nguồn lực, nguồn vốn để chủ động có kế hoạch dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã tiếp cận vay vốn với mức lãi ưu đãi để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dự trữ các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Thứ hai, Đảm bảo các điều kiện cho việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh: Xây dựng phương án đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn điện cho phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng số lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, gas chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn cung ứng xăng, dầu, gas để đảm bảo đủ phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Đặc biệt hiện nay, mặt hàng xăng dầu, khí đốt đang có những biến động lớn về tăng giá, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tiêu dùng của nhân dân. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh để vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; vận chuyển hàng hóa để dự trữ kịp thời phục vụ thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh; không lợi dụng tình hình để tăng cước phí vận tải, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ đẩy mạnh sản xuất; dự trữ hàng hóa.

Thứ ba, Thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

Thứ tư, Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân: Tăng cường công tác tuyên truyền chính xác và kịp thời về các giải pháp điều hành của Nhà nước, về tình hình cung, cầu, giá cả thị trường trong nước, trong tỉnh, trước, trong và sau Tết và và trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền chương trình bình ổn thị trường của tỉnh (mặt hàng, giá cả, địa điểm bán) gắn với tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.Các cơ quan truyền thông phối hợp với các cơ quan chức năng thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về nguồn cung, giá cả hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu để người dân hiểu đầy đủ, không để thương lái trục lợi tăng giá. Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ diễn biến phức tạp của dịch bệnh; dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sản xuất và kinh doanh của người dân… để từ đó có các giải pháp chủ động ứng phó và tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng các mặt hàng nông sản thiết yếu, đặc biệt việc ưu tiên cung ứng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

  1. Về tổ chức thực hiện: UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương, các sở ngành liên quan và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện những nhiệm cụ thể:

* Đối với Sở Công Thương: Thường xuyên theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu sử dụng cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn, trên cơ sở đó thông tin, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn có kế hoạch tăng cường dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp để đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh; Chủ động làm việc với các đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn để nắm khả năng cung ứng hàng hóa của các đơn vị để có phương án điều tiết hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, đặc biệt tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa. Huy động một số doanh nghiệp thương mại trong tỉnh tổ chức bán hàng lưu động, cung ứng sản phẩm hàng hóa đến vùng dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng (tập trung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu). Đối với các mặt hàng khan hiếm, thiếu so với nhu cầu:  Liên hệ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để được hỗ trợ, giới thiệu nguồn hàng và kết nối ngay với các đơn vị phân phối để nhập hàng về cung ứng đến các địa điểm đang thiếu hàng.

* Sở Tài chính: Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trước, trong và sau Tết và trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá khi giá cả có sự biến động bất thường.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đánh giá tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thịt lợn, thịt gà, cá trên địa bàn tỉnh trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất các loại vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và cung ứng ra thị trường các loại sản phẩm như rau, củ, quả…; các loại thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, cá, trứng gia cầm…; xuất bán lương thực như gạo tẻ, gạo nếp, … nhằm đảm bảo cung ứng theo nhu cầu của thị trường góp phần bình ổn giá của sản phẩm; Tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là đối với bệnh dịch lợn tả Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò để đảm bảo nguồn cung thực phẩm trên địa bàn tỉnh, hạn chế và kiểm soát nguy cơ tăng giá đột biến do thiếu hụt nguồn cung.

* Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, kiểm soát chất lượng, rà soát nguồn cung đối với các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Kiểm tra chặt chẽ chất lượng, xuất xứ các mặt hàng thuốc; trang thiết bị y tế (găng tay, khẩu trang, nước rửa tay, sát trùng…) phục vụ trực tiếp công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; kiểm tra các yếu tố đầu vào tránh tình trạng tự đẩy giá lên cao khi nhu cầu tăng.

* Sở Giao thông vận tải: Hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, nhất là việc vận tải của các đơn vị ở tỉnh ngoài vào tỉnh, khi qua các địa bàn liên tỉnh có dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhằm đảm bảo cho lưu thông hàng hóa thông suốt và kịp thời cho thị trường cuối năm, dịp Tết Nguyên đán và khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.

* Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, công tác quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước;

* Cục Quản lý thị trường: Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường địa bàn, tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thăm nắm tình hình thị trường, theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá, giá các sản phẩm chăn nuôi; triển khai có hiệu quả các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán và trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật và các hành vi gian lận trong thương mại, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán; thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương và mại hàng giả.

* Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Kạn: Chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn ưu tiên nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và hộ nông dân sản xuất, phân phối hàng thiết yếu để dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

* UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các lực lượng chức năng theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án (kế hoạch) dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn; bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng lượng hàng hóa lớn sau Tết; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ với các trạm điện đóng trên địa bàn huyện, thành phố xây dựng kế hoạch hoặc phương án về nguồn lực, vật tư, thiết bị để đảm bảo cấp điện cho nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn các chợ trên địa bàn thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 để duy trì hoạt động của các chợ nhằm đảm bảo cung ứng, trao đổi hàng hóa nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp xảy ra.

* Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất: Chủ động theo dõi dự báo, đánh giá cung cầu, bảo đảm tiến độ sản xuất, thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông hàng hóa để cung ứng, kịp thời nguồn hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân với các mặt hàng bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, nguồn gốc rõ ràng; có kế hoạch dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý ưu tiên sử dụng nguyên liệu của địa phương đã sản xuất được nhằm duy trì sản xuất ổn định để đảm bảo lượng cung ứng hàng hoá cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, điều kiện nguồn hàng hợp lý và kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường trong các dịp cao điểm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh diện biến phức tạp trên địa bàn; nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào nhằm tiết kiệm giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức, tham gia các điểm, khu vực bán hàng bình ổn thị trường để nhân dân nhận diện và tham gia mua sắm và báo cáo cung cấp thông tin đầy đủ gửi đến Sở Công Thương về tình hình nguồn hàng, số lượng hàng hóa sản xuất có thể cung ứng ra thị trường dịp trước, trong và sau Tết và trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại: Dự báo nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và trong trường hợp dịch bệnh diện biến phức tạp trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của nhân dân với các mặt hàng bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, nguồn gốc rõ ràng; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý găm hàng, nâng giá; tăng cường hợp tác, tiêu thụ hàng óa sản xuất trong nước, tích cực tham gia các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm, xúc tiến thương mại theo chương trình, kế hoạch của Sở Công Thương; đối với các đơn vị kinh doanh mặt hàng thực phẩm chủ động phối hợp với các cơ sở chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống cho thị trường và thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, chi phí trung gian để giảm giá thành cho người tiêu dùng; chủ động cung cấp thông tin tình hình biến động bất thường về các hiện tượng thiếu nguồn cung, sốt hàng, tang giá bất thường,.. Đồng thời báo cáo kết quả phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: Có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, nghiêm cấm hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm soát chất lượng, đo lường, giá bán xăng dầu lưu thông trên thị trường, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ của các cửa hàng trực thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chủ động cung cấp thông tin tình hình biến động bất thường về các hiện tượng thiếu nguồn cung, sốt hàng, tăng giá bất thường,… Đồng thời báo cáo kết quả phục vụ nhu cầu của nhân dân dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

* Đối với Công ty Điện lực Bắc Kạn: Thực hiện nghiêm túc kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; chỉ đạo Điện lực các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với các ngành chức năng liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán./.

                                                Hoàng Thị Yến (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 178
Views This Month : 2694
Views This Year : 10602
Total views : 71142
Language
Skip to content