Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc, ở bất cứ giai đoạn nào, công tác dân vận luôn là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tác phẩm “Dân vận” không chỉ phản ánh những nội dung cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ mà còn là cuốn cẩm nang hoàn chỉnh nhất về công tác dân vận với những chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với các tổ chức chính quyền, đoàn thể, mỗi cán bộ, đảng viên… trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Ảnh minh họa
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã bổ sung nhiều nội dung mới về lãnh đạo đối với công tác dân vận, tập trung đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy cao độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, trong đó xác định Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội làm nòng cốt. Nghị quyết cũng xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”.
Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay, để tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác dân vận.
Trong đó, trọng tâm là Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” được cụ thể hóa tại tỉnh ta bằng Quy chế số 22-QC/TU ngày 30/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bắc Kạn”. Quy chế đã quy định rõ trách nhiệm, cơ chế, phương thức công tác dân vận của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; bổ sung, cụ thể hóa quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đối với công tác dân vận; nêu rõ trách nhiệm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Ban Bí thư ban hành Kết luận số 54-KL/TW, ngày 9/5/2023 về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 08/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 03/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Khối Dân vận cơ sở trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025”…
Thấm nhuần quan điểm “Lực lượng của dân rất to – Việc dân vận rất quan trọng – Dân vận kém thì việc gì cũng kém – Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, công tác dân vận được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, có nhiều đổi mới, nhất là thông qua việc triển khai các mô hình “Dân vận khéo” gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các đơn vị, địa phương. Hiện nay toàn tỉnh Bắc Kạn có 2.717 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 1.972 mô hình tập thể, 745 mô hình cá nhân. Điển hình như ông Hoàng Văn Toàn, bí thư chi bộ, trưởng thôn Lũng Pảng, xã Côn Minh, huyện Na Rì bằng sự chân tình và hành động tự nguyện gương mẫu đi đầu hiến 300m2 đất, ông đã thuyết phục được 25 hộ tự nguyện hiến hơn 2500m² đất để làm đường. Điều đáng ghi nhận ở đây là trong số những hộ tình nguyện hiến đất có cả những hộ còn khó khăn, thu nhập thấp để hoàn thành con đường bê tông có chiều rộng 3m, đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Qua đó 6 tháng đầu năm 2024 đã có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã toàn tỉnh lên 28 xã đạt chuẩn; thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã của tỉnh lên 04 xã đạt chuẩn, có 70 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả tỉnh đạt 12,79 tiêu chí/xã, tăng 0,34 tiêu chí/xã so với cuối năm 2022. Phối hợp với các địa phương, đơn vị hướng dẫn triển khai chu trình OCOP thường niên; xây dựng kế hoạch hoàn thiện sản phẩm OCOP, đến nay tỉnh ta đã có 218 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 01 sản phẩm OCOP 5 sao; 18 sản phẩm OCOP 4 sao; 199 sản phẩm OCOP 3 sao). Công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được dân vận các cấp phối hợp triển khai tuyên truyền thực hiện theo kế hoạch.
Cán bộ làm công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân, tập trung cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 780KH/UBND ngày 20/12/2021 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.
Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục đổi mới, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn; hoạt động giám sát, phản biện xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có nhiều chuyển biến.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân tiếp tục được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đối ngoại được tăng cường, dân chủ được phát huy. Nhân dân đồng tình, ủng hộ những chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, của tỉnh trên các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phòng, chống và xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm cao “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trung với nước, hiếu với dân” thì vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương chưa cao; năng lực triển khai thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu năng động sáng, sáng tạo, dễ làm, khó bỏ; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, quy trách nhiệm; còn để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực được phân công phụ trách đã làm lãng phí các nguồn lực, làm chậm tiến trình phát triển, làm mất lòng tin của Nhân dân.
Để công tác dân vận tiếp tục phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, hệ thống dân vận các cấp cần tiếp tục tập trung thực hiện thắng lợi một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các địa phương, tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị với công tác dân vận, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo và vai trò làm chủ của Nhân dân để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng. Gắn công tác dân vận với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khắc sâu lời dạy của Người “Việc dân vận rất quan trọng”, “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện mình theo tấm gương của Bác, thực sự gương mẫu trước Nhân dân; chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động các mặt công tác dân vận, Mặt trận, các đoàn thể và các hội quần chúng, nhất là khối dân vận xã, phường, thị trấn, tổ dân vận, Ban công tác mặt trận ở thôn bản, khu phố; thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân. Thực hiện nghiêm Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội phát động. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được rà soát, bổ sung thêm những tiêu chí mới, cách làm mới, phải thật cụ thể, thiết thực, gắn với tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực; phát huy tinh thần yêu nước, thực hành dân chủ, tạo nên phong trào hành động cách mạng sâu rộng của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vững về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn, gần dân, sâu sát cơ sở, thực sự là những cán bộ “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác vận động quần chúng trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, triển khai hiệu quả cơ chế phối hợp hoạt động giữa chính quyền với Ban dân vận các cấp, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác dân vận của Đảng. Tăng cường cải cách hành chính, thực hiện nghiêm chế độ công khai theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát. Tất cả mọi công việc của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể đều vì Nhân dân.
Nguồn: https://backan.dcs.vn/