Để các doanh nghiệp khai thác tốt tiềm năng của thị trường, đảm bảo duy trì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường CPTPP tăng đều qua các năm thì việc thực hiện các tiêu chí về phát triển bền vững là nhiệm vụ không thể bỏ qua.
Cần đảm bảo các tiêu chí bền vững
Sau gần 5 năm thực thi, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường CPTPP đã có sự tăng trưởng rất đáng khích lệ, nhất là các thị trường Canada, Mexico, Chi lê. Kể cả trong giai đoạn Covid-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang hai thị trường này luôn tăng trưởng hai chữ số. Tuy nhiên, trong giai đoạn sắp tới, xuất khẩu hàng hoá vào thị trường CPTPP sẽ có những khó khăn hơn khi các yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng khắt khe hơn. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Phát triển bền vững xuất khẩu hàng hoá sang thị trường CPTPP” được tổ chức mới đây, bà Tạ Thu Hà – Phó Trưởng Phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương chia sẻ: Có thể nói sau gần 5 năm thực thi, Hiệp định CPTPP đã tạo động lực cho xuất khẩu hàng hoá Việt thời gian qua cũng như mang lại uy tín và hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, giống như nhiều thị trường khác, thị trường các nước CPTPP cũng có những tiêu chuẩn phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Bà Tạ Thu Hà cho hay, bên cạnh thuận lợi mà hiệp định mang lại, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cũng đang phải đối diện với những rào cản phi thuế quan ngặt nghèo, trong đó có việc siết chặt tiêu chuẩn về môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Cụ thể, trong Hiệp định CPTPP có một chương riêng quy định về môi trường và phát triển bền vững là Chương 20 về môi trường, quy định rõ từ điều 20.1 đến điều 20.23. Trong các quy định này, các nước CPTPP nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi 3 điều ước quốc tế về môi trường lớn của thế giới cũng như cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp.
Các nước CPTPP cũng xác định những mục tiêu chung của hiệp định là nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường ở cấp độ cao. Thông qua việc thực thi các quy định cũng sẽ có mục tiêu đẩy mạnh pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua những chính sách đồng thời cả về thương mại và môi trường. Trên thực tế, nhiều quy định liên quan đến môi trường đã được các nước luật hoá một cách chặt chẽ. Ví dụ như dự Luật chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ, các ngành thủ công mỹ nghệ, cà phê, chè, tiêu điều, cao su… Hoặc các chính sách, quy định mới của Canada về ghi nhãn hàm lượng tái chế có những quy định cấm nhập khẩu các sản phẩm có ống hút, sản phẩm nhựa dùng 1 lần…
Hiện nay, xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và nó trở thành xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi. Một mặt nó thể hiện nỗ lực của các nước trong góp phần chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Mặt khác, những quy định chặt chẽ sẽ tạo ra trở ngại lớn đối với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này.
Cùng quan điểm về vấn đề này, Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang trở thành sự lựa chọn bắt buộc và trở thành yêu cầu mang tầm vóc, quy mô toàn cầu. Việt nam cũng đã sớm nhận thức, đi theo xu hướng này và đã có những cam kết với quốc tế về chiến lược phát triển bền vững, xây dựng các yêu cầu về phát triển bền vững. chúng ta cũng đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Gia tăng cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp
CPTPP là một trong những Hiệp định có những yêu cầu cao nhất về bảo vệ môi trường và các quy định này ngày càng trở thành chuẩn mực chung cho các hiệp định khác, trở thành sân chơi cho quy mô toàn cầu. Những yêu cầu về sản xuất bền vững là tất yếu để bảo vệ con người, đồng thời cũng là dạng công cụ phi thuế quan mà mỗi nước được phép dựng lên với tiêu chuẩn ngày càng cao hơn. Ông Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ môi trường sống mà còn bảo vệ môi trường ngay trong doanh nghiệp. Người lao động phải được làm việc trong môi trường đảm bảo yêu cầu ngày càng lớn. Song điều này sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp không đáp ứng được thì có thể bị thu hẹp sản xuất. Đây là nguy cơ có thật, lớn hơn cả áp lực chi phí. Theo đó, áp lực này đang tạo nên sự sàng lọc để loại bỏ các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh ở những nước phát triển không bền vững. Còn về lâu dài, doanh nghiệp vượt qua được trở ngại đó có thể thành chủ thể của chuỗi cung ứng, sẽ tạo ra những cơ hội mới, tương lai hàng Việt Nam sẽ lấy chất lượng, giá trị bù cho số lượng và sản lượng.
Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng thư ký Hiệp Hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cũng cho rằng, các yêu cầu về phát triển bền vững đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp ngành da giày nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Nhưng khi tham gia các FTA thế hệ mới, có nghĩa chúng ta đang đi trên “cao tốc”, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định. Bài toán tuân thủ của doanh nghiệp được đặt ra rõ ràng. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Theo đó, để giải quyết được bài toán này, việc đầu tiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Từ đó giải quyết được bài toán chi phí quản lý, nâng cao năng lực nội tại, minh bạch chuỗi cung ứng để doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước về chính sách như khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là R&D. Bên cạnh đó là tập trung đầu tư vào con người. Bởi nếu có máy móc tốt mà không có con người chất lượng cao thì không thể thực hiện được, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.
Phát triển bền vững là vấn đề không thể thay đổi, song cũng không thể quá vội vàng, bởi chi phí cho hoạt động này không nhỏ. Các doanh nghiệp không chỉ của ngành dệt may hay ngành gỗ, trong quá trình sản xuất luôn tuân thủ các quy định, yêu cầu phía khách hàng. Việc chúng ta thực hiện nghiêm túc các quy định là cách để doanh nghiệp cải tổ nội lực vì khi thực hiện, doanh nghiệp sẽ rà soát lại năng lực của mình. Đây cũng là động lực lớn để doanh nghiệp cải tổ, nước đi để doanh nghiệp chinh phục được thị trường.
Còn theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, các doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi cung ứng thì phải tuân thủ các quy định của các đối tác và cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Doanh nghiệp Việt Nam gặp thách thức lớn với quy trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp hiện chú trọng nhiều vào phát triển bề rộng. Thứ hai là tuân thủ quy định liên quan để đảm bảo thích ứng, tránh vi phạm quy định nước ngoài và cả trong nước. Thứ ba là xây dựng những chiến lược dài hạn để từng bước chủ động tiến tới đáp ứng yêu cầu của đối tác với những tiêu chí mới. Tùy theo các đơn hàng, yêu cầu cam kết để có giải pháp trên tinh thần chung là tìm hiểu thị trường, công nghệ, người tư vấn phù hợp với khả năng kinh tế tài chính. Và điều quan trọng nữa, theo ông Phong, doanh nghiệp cần cấu trúc lại về quản lý công nghệ, kế hoạch sản xuất để đáp ứng lộ trình đặt ra. Nếu không tái cấu trúc sẽ phải chạy theo các cam kết dẫn đến việc không đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, doanh nghiệp phải tham gia các hiệp hội để cập nhật thông tin, nhanh chóng thích ứng và chia sẻ kinh nghiệp để giảm thiểu các chi phí bỏ ra.
Về phía Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Đồng thời hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng các quy định mới thông qua các hội nghị, hội thảo, bản tin, website…
Đại diện Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, cho biết, Bộ Công Thương sẽ đề xuất với các nước Anh, Canada để cung cấp thông tin kỹ thuật, tài chính nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, xây dựng mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đáp ứng quy định và tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính ban hành Quyết định 493 về phê duyệt Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030, trong đó quy định rõ phát triển bền vững gắn với gia tăng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận rằng tiêu chuẩn xanh và bền vững là xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược. Trong tương lai, xu hướng này sẽ ngày càng bắt buộc và việc bắt kịp xu thế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường để điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu bài bản hơn, thích ứng yêu cầu, quy định mới, tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương