Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử

Thương mại điện tử đã dần trở thành phương thức tiêu thụ sản phẩm hiệu quả của doanh nghiệp sản xuất và người dân, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp như hiện nay.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, thương mại điện tử đã giúp xóa bỏ hoàn toàn mọi rào cản về khoảng cách không gian và thời gian trong kinh doanh. Đặc biệt, trong hai năm qua, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối hàng hóa. Để thích ứng linh hoạt, hiệu quả và đảm bảo được các yếu tố phòng dịch, người dân đã tiếp cận nhiều hơn với cách thức mua sắm trực tuyến qua môi trường mạng. Thay vì đi mua sắm trực tiếp tại chợ, siêu thị, cửa hàng, nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến (online), lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bưu điện tỉnh là một trong những đơn vị nhanh nhạy trong kinh doanh. Những năm gần đây, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với các hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh, người dân tìm nguồn hàng đảm bảo chất lượng cung cấp cho người tiêu dùng thông qua kênh của các trang thương mại điện tử, trong đó chủ yếu là https://postmart.vn/ hoặc qua mạng xã hội. Việc tiêu thụ đạt hiệu quả khá cao. Nhiều sản phẩm nông sản như dưa lưới, dâu tây, cam, quýt… đã được tiêu thụ qua kênh của Bưu điện tỉnh thông qua trang thương mại điện tử. Qua đó đã giúp người dân tiêu thụ một sản lượng lớn nông sản trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.

Anh Trần Ngọc Trung, Giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân tại huyện Chợ Đồn cho biết, vụ dưa lưới vừa qua, HTX đã ký kết với Bưu điện tỉnh để tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Việc tiêu thụ này giúp cho HTX giảm bớt thời gian, nhân công, hơn nữa, sản phẩm thu hoạch đến đâu được tiêu thụ đến đó nên đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Hiện nay, HTX đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch dâu tây với khối lượng tương đối lớn. HTX tính toán ký kết với các nhà phân phối, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ ở thị trường ngoài Bắc Kạn.

Nhân viên Bưu điện tỉnh chuẩn bị đơn hàng sản phẩm dưa lưới giao tới người tiêu dùng

Chị Nguyễn Hoàng Phương tại thành phố Bắc Kạn chia sẻ, để đảm bảo yếu tố phòng dịch, ở nhà vẫn lựa chọn được sản phẩm mong muốn, chị lựa chọn các doanh nghiệp cung cấp uy tín, nhất là các sản phẩm nông sản. Từ khi chuyển sang mua hàng trực tuyến chị thấy rất tiện lợi. Các sản phẩm đều đảm bảo nguồn gốc, phong phú, nhiều sự lựa chọn và còn được miễn phí vận chuyển theo bán kính. Chị cho rằng đây là phương thức mua hàng và thanh toán hết sức hợp lý, phù hợp với xu thế và hơn nữa là tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Trong vụ sản xuất năm 2021, sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn đã được livestream tại lễ khởi động Chương trình “Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương vượt qua đại dịch” tại Hà Nội và được giới thiệu trên Website. Thông qua Chương trình này, sản phẩm bí xanh thơm của Bắc Kạn đã được đông đảo bà con Nhân dân trong cả nước và các trung tâm thương mại, siêu thị hỗ trợ tiêu thụ. Sản phẩm bí xanh thơm của Bắc Kạn đã được tiêu thụ ở tại rất nhiều tỉnh, thành phố và nhiều công ty, siêu thị, nhà phân phối trong cả nước.

Cùng với sản phẩm bí xanh, sản lượng quýt của Bắc Kạn năm 2021 ước đạt trên 24.500 tấn cũng đã được tiêu thụ một sản lượng lớn qua kênh thương mại điện tử. Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trước khi vào vụ thu hoạch quýt, Sở Công Thương đã tổ chức buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương và đại diện các Sàn thương mại điện tử như Bưu điện (Postmart), Viettel post (voso.vn) để thống nhất đề xuất các giải pháp, phương án tiêu thụ sản phẩm cam, quýt năm 2021. Đến thời điểm này, cùng với kênh tiêu thụ truyền thống, người dân đã tiêu thụ được một lượng lớn sản phẩm nhờ kết hợp với các doanh nghiệp bán hàng qua trang thương mại điện tử.

Sản phẩm quýt Bắc Kạn trên sàn thương mại điện tử Shopee

Thương mại điện tử đã không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội, nhất là trong thời đại công nghệ số 4.0 hiện nay. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải chủ động thay đổi, thích ứng nhanh chóng với xu hướng tiêu dùng. Nhiều đổi mới trong phương thức kinh doanh để phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người dân đã được các doanh nghiệp thực hiện, như thay đổi hình thức mua bán sang trực tuyến, giao hàng, nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm giá thành sản phẩm, đưa ra các ưu đãi vận chuyển, tặng quà…

Đặc biệt, song song với phương thức kinh doanh truyền thống, trực tiếp, các doanh nghiệp trong tỉnh đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, kết nối với các sàn thương mại điện tử để bán hàng. Trong đó, các doanh nghiệp, HTX đã tích cực đưa sản phẩm lên các kênh phân phối lớn trong nước như: Shopee, Voso, Tiki, Sendo, Postmart…

Bên cạnh việc duy trì hiệu quả hoạt động các website của đơn vị để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp cũng phát huy tối đa tiện ích của các trang mạng xã hội như zalo, facebook, … để đăng bài, quảng cáo hình ảnh sản phẩm, đăng video, livestream giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp để lấy tương tác, thông qua đó tiếp tục nhận đơn đặt hàng của khách hàng. Điều này cũng giúp người tiêu dùng tuy không trực tiếp đến cửa hàng nhưng vẫn nắm bắt và cập nhật đầy đủ thông tin, hình ảnh về số lượng và chất lượng của sản phẩm, từ đó kích cầu tiêu dùng.

Việc tiêu thụ sản phẩm qua giao dịch thương mại điện tử giúp nhiều loại nông sản đã tìm được đầu ra ổn định. Từ đó, người nông dân từng bước phục hồi kinh tế trong điều kiện dịch bệnh./.

Nguồn: backan.gov.vn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 69
Views This Month : 3732
Views This Year : 11640
Total views : 72180
Language
Skip to content