Thương mại – dịch vụ góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh

Thời điểm tái lập tỉnh, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh không phát triển. Sau 25 năm, với những chủ trương đúng đắn, lĩnh vực thương mại – dịch vụ của tỉnh đã có những bước đột phá với mức tăng trưởng hằng năm cao, cùng với hạ tầng cơ sở được đầu tư, mở rộng đã tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.
Công ty Thương nghiệp tổng hợp Bắc Kạn năm 1998 (Ảnh tư liệu)

Thời điểm tái lập, tỉnh Bắc Kạn có 3 doanh nghiệp thương nghiệp quốc doanh với 227 cán bộ, công nhân viên, mậu dịch viên; có 15 cụm xã thương nghiệp vùng cao với tổng số 33 điểm, cửa hàng và 18 đại lý bán hàng thương nghiệp quốc doanh ở các xã, thôn, bản. Các doanh nghiệp thương nghiệp quốc doanh lúc bấy giờ hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn do cạnh tranh, sức ép của thị trường, do thiếu vốn, một số doanh nghiệp kinh doanh đang trong tình trạng thua lỗ. Toàn tỉnh lúc đó có gần 2.500 hộ kinh doanh dịch vụ, bán buôn, bán lẻ thương nghiệp song phần lớn quy mô còn nhỏ; thương nghiệp quốc doanh chưa giữ vai trò chủ đạo trên thị trường xã hội, chủ yếu là phục vụ các mặt hàng chính sách xã hội như: Muối iốt, dầu hỏa, giấy viết và một số mặt hàng thiết yếu khác như vải mặc, đồ dùng gia đình, vật liệu xây dựng… Hoạt động thương mại, dịch vụ thời kỳ đó chủ yếu tập trung ở thị trường trung tâm tỉnh lỵ, huyện lỵ, còn những nơi vùng sâu, vùng xa cơ bản là vẫn tự cung, tự cấp.

Sau 25 năm, với quyết tâm vượt khó đi lên, lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh không ngừng phát triển. Mạng lưới phân phối ngày càng được mở rộng, tạo kênh lưu thông hàng hóa đến tận vùng sâu, vùng xa; hàng hoá tiêu dùng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của mọi tầng lớp nhân dân được cung ứng đầy đủ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 65 chợ các loại, 1 Trung tâm thương mại Vincom Plaza với quy mô hạng ba; 2 siêu thị hạng ba (Siêu thị BKMart và Siêu thị VinMart) được đầu tư, xây dựng, tạo nên diện mạo mới cho thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao văn minh thương mại và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 5.961 tỷ đồng, tăng hơn 31 lần so với năm 1997.

Trung tâm thương mại Vincom Plaza, thành phố Bắc Kạn

Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được quan tâm chỉ đạo. Tỉnh đã tích hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Đến nay, nhiều sản phẩm của tỉnh đã được kết nối với các cửa hàng, siêu thị, đơn vị phân phối tại các trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…

Đũa gỗ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ 

Hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu, 8 doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu. Năm 2020, mặt hàng Miến dong của tỉnh Bắc Kạn đã được xuất khẩu vào thị trường EU (Cộng hòa Séc), điều này đã mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn. Đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh ước đạt 28 triệu USD, trong đó, xuất khẩu ước đạt 20,5 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 7,5 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là bột kẽm sun phát, ván dán, đũa gỗ, hoa quả qua sơ chế; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là ván mỏng, túi giấy, vener, máy móc… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc.

So với các khu vực nông, lâm, thuỷ sản và công nghiệp – xây dựng, khu vực thương mại, dịch vụ của tỉnh trong thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực dịch vụ bình quân đạt 12,13%/năm và đóng góp tỷ trọng cao nhất vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh (đến nay chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế của tỉnh) và tiếp tục có xu hướng tăng.

Có thể khẳng định, với việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã phát triển với tốc độ cao, khối lượng hàng hóa lưu thông liên tục tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân. Thương mại – dịch vụ đang từng bước giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh./.

Nguồn: backan.gov.vn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005165
Views Today : 192
Views This Month : 3652
Views This Year : 11560
Total views : 72100
Language
Skip to content