Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Sau hơn 10 năm thực thi (2011-2022), các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần tạo nên khuôn khổ pháp lý, là nền tảng vững chắc để thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, có những nội dung chưa phù hợp với thực tế đời sống sản xuất, kinh doanh và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay. Do đó, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết.

Tại Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo Luật) được xây dựng nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn, phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, Dự thảo Luật có một số nội dung đáng chú ý như sau:

  1. 1. Đánh giá đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới tại Dự thảo Luật

Đối với nội dung ban hành mới: Sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Các hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội do đó, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các cấp, ngành về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian qua còn khá hạn chế. Do đó, tại Dự thảo Luật quy định bổ sung điều khoản về Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan là rất cần thiết, tạo sự đồng bộ trong quá trình thực hiện.  Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sản xuất, tiêu dùng bền vững: Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với xu thể phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Việc luật hóa nội dung trên tạo hành lang pháp lý quan trọng cho định hướng sản xuất, kinh doanh cũng như công tác quản lý. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương: Tại Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về đối tượng nào được là người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Song song với đó là quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Đây cũng là nội dung mới của Dự thảo Luật, thể hiện tính ưu việt, phù hợp của Luật đến tất cả các đối tượng người tiêu dùng hiện nay.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung: Thủ tục giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Khoản 2 Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:…” được sửa đổi như sau “Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:…”. Như vậy, Dự thảo Luật sửa đổi cụm từ “thủ tục đơn giản” thành “thủ tục rút gọn” nhằm thống nhất việc sử dụng cụm từ “thủ tục rút gọn” được quy định trong Dự thảo Luật với quy định về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nhằm tạo căn cứ pháp lý để áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Về lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp: Dự thảo Luật quy định Các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể được thực hiện theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan”. Việc quy định hình thức “trực tuyến” đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp trực tuyến đang được áp dụng mạnh mẽ trong thời kỳ phát triển của công nghệ thông tin và thương mại quốc tế. Đồng thời, tăng thêm quyền của các chủ thể liên quan trong việc áp dụng các phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp, đặc biệt trong bối cảnh các chủ thể có sự xa cách về mặt địa lý hoặc vì lý do dịch bệnh, sức khỏe…không cho phép tham gia trực tiếp tại các địa điểm xét xử. Quy định trên còn nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực răn đe, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

  1. Nội dung góp ý đối với Dự thảo Luật:

Quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng quy định trong Dự thảo Luật đã được quy định cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 10. Thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo rõ ràng, công khai, bằng hình thức phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng trước khi thực hiện và phải được người tiêu dùng đồng ý”. Hiện nay, các giao dịch thương mại trên nền tảng số ngày càng phổ biến và đang phát triển, do đó, việc thu thập thông tin của người tiêu dùng để thực hiện các giao dịch là yếu tố bắt buộc (các thông tin về: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại,…). Dự thảo Luật sửa đổi quy định như trên sẽ khó khăn trong thực hiện với các giao dịch trực tuyến. Để bảo đảm tính chính xác và chặt chẽ của văn bản, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét quy định phù hợp về việc thu thập và sử dụng thông tin của người tiêu dùng.

Quy định về quyền của người tiêu dùng (Tại Điều 15). Trong đó: Khoản 4 quy định: “Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá cả, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh”; Khoản 6 quy định: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật”.

Việc quy định như vậy gây khó khăn trong xác định trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng, trước khi phải đứng ra làm một bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự về giá cả, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, cần có sự quy định cụ thể trường hợp áp dụng hoặc nguyên tắc áp dụng đối với các trường hợp trên.

Quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng (Tại Điều 16): Đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật. Do thực tế hiện nay, trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá… gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Quy định về thực hiện hợp đồng theo mẫu (Tại Điều 26):Trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”. Tuy nhiên, việc quy định trên không rõ “thời gian hợp lý” sẽ được xác định như thế nào. Do đó, có thể gây ra những vi phạm không đáng có trong quá trình cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch với người tiêu dùng. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, cần thiết phải đưa ra thời gian cụ thể để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng theo mẫu.

Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét đưa các quy định tại Điều 37. Các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh lên Điều 3. Giải thích từ ngữ để bảo đảm tính thống nhất của Dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị bổ sung Điều 3. Giải thích từ ngữ về “hợp đồng theo mẫu”“điều kiện giao dịch chung” để thuận lợi cho quá trình áp dụng Luật.

Sở Công Thương


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 201
Views This Month : 3864
Views This Year : 11772
Total views : 72312
Language
Skip to content