Hiệu quả đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”

Việc triển khai đợt sinh hoạt “tự soi tự sửa” những năm qua đã tạo chuyển biến tích cực trong đông đảo cán bộ, đảng viên, tập thể, đơn vị của toàn Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn.
Tự kiểm điểm nội dung đạt được và hạn chế giúp đánh giá toàn diện hơn việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
(Ảnh: Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW về xây dựng chỉnh đốn Đảng)

Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 109-KH/TU ngày 04/7/2018 về tổ chức đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Đồng thời tổ chức quán triệt, triển khai kế hoạch đến các đối tượng “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Nội dung của kế hoạch xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, cách thức quy trình tổ chức kiểm điểm tự soi, tự sửa.

Triển khai thực hiện, tỉnh Bắc Kạn đã có những cách làm hay, sáng tạo để Nghị quyết Trung ương 4 đi vào đời sống. Gắn với tổ chức đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nêu trong Nghị quyết thành 135 biểu hiện suy thoái và phổ biến, triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ, giúp các tập thể, cá nhân dễ nhận biết để tự rà soát, đối chiếu, từ đó nhắc nhở, phê bình và điều chỉnh, sửa chữa khi có các biểu hiện suy thoái. Cách làm trên đã đem lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện có hiệu quả và đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đi vào nền nếp.

Hằng năm, các tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị của tỉnh đã tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng. Nội dung kiểm điểm gắn đánh giá thực hiện các nhiệm vụ công tác chuyên môn với kiểm điểm, đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân tự soi lại mình, từ đó đề ra giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Việc đánh giá cán bộ, đảng viên được thực hiện đa chiều, theo tiêu chí, lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân, lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả kiểm điểm, đánh giá, gắn đánh giá, xếp loại chất lượng của cá nhân với tập thể và với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm. Cấp ủy cấp trên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm khách quan, toàn diện, thiết thực.

Qua kết quả công tác kiểm điểm, đánh giá cán bộ, đảng viên hằng năm cho thấy, công tác kiểm điểm đánh giá cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; nhận diện được những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để sửa chữa, khắc phục.

Theo đánh giá, qua tiến hành “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”, hầu hết các đồng chí đã báo cáo tự giác, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế yếu kém, khuyết điểm vi phạm của mình trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, cơ quan, đơn vị gắn với những hạn chế yếu kém của tập thể, nhất là đối với người đứng đầu.

Công tác tiến hành “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” của các đối tượng thuộc diện kiểm điểm tại các đơn vị, địa phương được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Nội dung, quy trình tổ chức kiểm điểm thực hiện đúng theo kế hoạch. Thông qua đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”, nhận thức của cấp ủy và cán bộ, đảng viên được nâng lên, nhận biết rõ hơn, đầy đủ hơn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời giúp cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tự rà soát lại quá trình công tác, xem xét lại những hạn chế, khuyết điểm có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến trách nhiệm của bản thân, từ đó xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục những sai phạm, hạn chế, khuyết điểm, phát huy những ưu điểm, kết quả tốt, góp phần xây dựng tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị đoàn kết, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” còn một số hạn chế như: Một số cá nhân xây dựng báo cáo “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” chưa theo hướng dẫn, chưa mạnh dạn tự nhận những hạn chế, khuyết điểm của bản thân, hoặc chỉ ra hạn chế, khuyết điểm chung chung, đề ra giải pháp, lộ trình sửa chữa, khắc phục chưa rõ, chưa cụ thể…

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm sâu đối với một số cơ quan, đơn vị có những vấn đề phức tạp, nổi cộm trong quản lý, điều hành, chậm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ. Việc kiểm điểm được thực hiện nghiêm túc, thẳng thắn và cầu thị. Sau kiểm điểm các tập thể, cá nhân đã xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm và báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, một số báo cáo kiểm điểm của các đơn vị, địa phương chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc những vấn đề cơ bản xoay quanh nội dung được gợi ý kiểm điểm; chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đối với những nội dung được Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý. Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị kiểm điểm chưa phân tích thấu đáo nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, chưa tập trung làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu được giao phụ trách đối với những hạn chế, khuyết điểm; nhiều đơn vị đề ra giải pháp khắc phục các hạn chế, khuyết điểm còn chung chung, chưa cụ thể, chưa đủ mạnh để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế đã tồn tại…

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đợt sinh hoạt, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc mục đích, yêu cầu, nội dung, ý nghĩa của đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” tới các cấp ủy, chính quyền, toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân để tạo ra sự thống nhất cao và nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”. Qua đó cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác, chủ động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là đối tượng thuộc diện “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” để đánh giá đúng thực chất, khắc phục tư tưởng ngại va chạm, ngại nói, ngại phê bình khi kiểm điểm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp, thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội để góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

Hương Lan

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 13
Views This Month : 3676
Views This Year : 11584
Total views : 72124
Language
Skip to content