Kết quả kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm, quản lý của ngành Công Thương năm 2023

Tổng số cơ sở được kiểm tra, hậu kiểm là 17 cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương trên địa bàn các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì và Thành phố Bắc Kạn. Trong đó, số cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (tổ chức) là 07 cơ sở; số cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ (hộ kinh doanh cá thể) là 10 cơ sở.

– Đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (bao gồm cơ sản xuất các sản phẩm từ bột, tinh bột nghệ 01 cơ sở, sản phẩm từ rượu là 04 cơ sở, từ sản phẩm từ bún khô, phở khô, miến dong 02 cơ sở): Nhìn chung các cơ sở được kiểm tra cơ bản thực hiện tốt việc lưu giữ hồ sơ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cung cấp được các hồ sơ pháp lý như: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy phép sản xuất rượu công nghiệp/rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh; hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm; phiếu kiểm nghiệm nguồn nước sản xuất định kỳ; giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và giấy xác nhận sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hồ sơ về nguồn gốc nguyên liệu sản xuất; thực hiện ghi nhãn đầy đủ các thông tin theo quy định và kiểm tra hiện trạng thực tế sản xuất tại cơ sở cơ bản đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định, các cơ sở đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra có một số tồn tại hạn chế như:

+ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, một số cơ sở hết hạn, khu vực sản xuất có hiện tượng đọng nước;

+ 06/07  cơ sở chưa gửi hồ sơ tự công bố sản phẩm về cơ quan quản lý có thẩm quyền (Sở Công Thương) theo quy định;

+ Chưa thực hiện lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc nguyên liệu sản xuất.

– Đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ: Quá trình kiểm tra, hậu kiểm tại 10 cơ sở nhỏ lẻ (hộ kinh doanh cá thể) bao gồm: 05 cơ sở sản xuất bánh ngọt, bánh nướng; 03 cơ sở sản xuất rượu; 02 cơ sở sản xuất miến dong cho thấy:

+ Có 06/10 cơ sở cơ bản thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP, cung cấp được các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất thực phẩm, đã thực hiện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn với cơ quan quản lý tại địa phương, thực hiện tự công bố sản phẩm nhưng chưa gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

+ 04/10 cơ sở chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP như: Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh hết hiệu lực; chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh chưa được xác nhận kiến thức về ATTP và xác nhận đủ sức khỏe; chưa thực hiện kiểm nghiệm chất lượng nguồn nước sản xuất định kỳ; chưa lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc nguyên liệu sản xuất; chưa thực hiện tự công bố sản phẩm hoặc đã công bố nhưng chưa gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

+ Kiểm tra hiện trạng thực tế cho thấy hầu hết đều là cơ sở sản xuất rất nhỏ lẻ, gắn liền với nhà riêng của hộ gia đình nên còn hạn chế trong việc bố trí các khu vực sản xuất, bổ sung trang, thiết bị, dụng cụ; một số ít cơ sở chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ sản xuất.

* Về công tác lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm

Đoàn kiểm tra, hậu kiểm đã tiến hành lấy 12 mẫu thực phẩm, trong đó có 04 mẫu rượu, 04 mẫu bánh nướng và 04 mẫu miến dong, phở gửi đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định của Bộ Công Thương để phân tích các chỉ tiêu chất lượng ATTP trong sản phẩm, cụ thể:

– Đối với 04 mẫu rượu, kiểm nghiệm các chỉ tiêu Etanol, Aldehyd, Metanol, Furfural. Kết quả phân tích mẫu phù hợp yêu cầu quy định theo TCVN 7043:2013.

– Đối với 04 mẫu bánh nướng và 04 mẫu miến, phở, kiểm nghiệm các chỉ tiêu định lượng E.Coli; định lượng nấm, men, mốc; Chì, Cadimi, Borat, Aflatoxin tổng số; Salmonella. Kết quả phân tích mẫu phù hợp yêu cầu quy định vi sinh vật theo Quyết định 46/2006/QĐ-BYT; phù hợp quy định kim loại nặng theo QCVN 8-2:2011/BYT; phù hợp quy định phụ gia thực phẩm theo Thông tư số 24/2019/TT-BYT; phù hợp quy định độc tố vi nấm theo QCVN 8-1:2011/BYT.

* Về xử lý vi phạm

– Với các nội dung tồn tại đã nêu trên, Đoàn kiểm đã nhắc nhở, hướng dẫn trực tiếp và yêu cầu các cơ sở phải khắc phục, báo cáo kết quả khắc phục về cơ quan quản lý tại địa phương và Sở Công Thương để theo dõi, giám sát; không lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính. Trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý, hậu kiểm; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP và xử lý các hành vi vi phạm đối với các cơ sở không chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

– Kết quả kiểm tra, xử lý của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh trong dịp Tết Trung thu: Tổng số vụ kiểm tra được 10 lượt vụ, xử lý 06 lượt vụ; tổng số tiền phạt vi phạm hành chính thu nộp NSNN hơn 19 triệu đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm gồm: 20 chiếc bánh trung thu, 286 gói bánh kẹo các loại, 65 gói bim bim, 197 gói xúc xích, các mặt hàng thực phẩm khác như thịt gà, chân gà, cổ gà, bò nướng, thịt xé, tôm chiên, nước trái cây…; 11 chiếc xe ô tô đồ chơi; 11 con Kỳ Lân đồ chơi; 12 cái Trống đồ chơi với tổng trị giá hàng tiêu hủy hơn 14 triệu đồng.

Qua kiểm tra cho thấy đa số các cơ sở sản xuất có ý thức chấp hành tốt về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật mới ban hành để triển khai thực hiện; định kỳ kiểm nghiệm mẫu nước để phục vụ sản xuất; kịp thời thực hiện các thủ tục cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP và duy trì các điều kiệm đảm bảo an toàn vệ sịnh thực phẩm…

Tuy nhiên còn một số tồn tại, hạn chế sau: Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực Công Thương quản lý phần lớn quy mô nhỏ lẻ, cá nhân/hộ gia đình là chủ yếu; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mang tính thời vụ nên việc kiểm soát và chấp hành các điều kiện bảo đảm ATTP gặp nhiều khó khăn. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho lực lượng làm công tác quản lý nhà nước về ATTP thuộc lĩnh vực Công Thương quản lý ở địa phương còn thiếu.

Trong thời gian tới các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, phối hợp trong công tác kiểm tra, hậu kiểm và chia sẻ thông tin, chuyên môn nghiệp vụ về công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh, cũng như lĩnh vực ngành quản lý./.

Sở Công Thương

 


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005171
Views Today : 17
Views This Month : 4431
Views This Year : 12339
Total views : 72879
Language
Skip to content