Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế – xã hội ngành Công Thương năm 2022

Năm 2022, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thách thức và thuận lợi đan xen; tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong tỉnh, kinh tế – xã hội nhìn chung ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường; nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội trên nhiều lĩnh vực của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 đã được HĐND tỉnh thông qua và ban hành bắt đầu đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên nhiều khó khăn, thách thức vẫn còn tiềm ẩn phía trước như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp; năng lực cạnh tranh và năng lực sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế… đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2021 và chủ động trước những khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cho ngành Công Thương trong năm 2022, ngày 18/01/2022 Sở Công Thương đã ban hành Quyết định số 05/QĐ-SCT ban hành Kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế – xã hội ngành Công Thương năm 2022.

Năm 2022, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tập trung xây dựng kế hoạch triển khai nội dung các Chương trình hành động của Bộ Công Thương, của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 thuộc lĩnh vực Công Thương đã được giao. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) năm 2022 đạt 1.620,143 tỷ đồng, tăng 12,4% so với ước thực hiện năm 2021; Tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 97,8%; Hoàn thành 100% các nhiệm vụ, đề án khuyến công. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 6.300 tỷ, tăng 5,66% so với ước thực hiện năm 2021; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 25 triệu USD trong đó kim ngạch xuất khẩu 17,5 triệu USD, nhập khẩu 7,5 triệu USD; Hoàn thành 100% các nhiệm vụ, đề án xúc tiến thương mại năm 2022. Sở Công Thương sẽ triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

– Đối với phát triển công nghiệp:

Tiếp tục rà soát, phối hợp xây dựng Phương án phát triển ngành công nghiệp, khu và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch chung tỉnh Bắc Kạn;

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với tiềm năng, lợi thế địa phương. Trong đó tập trung phát triển các ngành chế biến gỗ, chế biến dược liệu, chế biến nông sản, thực phẩm. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả dự án, tối ưu hóa sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện các giải pháp về sản xuất, chế biến nông, lâm sản và dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo các kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành;

Tiếp tục phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng gắn với công tác bảo vệ môi trường; phát huy hiệu quả các dự án khai khoáng, sản xuất kim loại đã đầu tư trên địa bàn tỉnh; tập trung nguồn quặng chì, kẽm khai thác tại các mỏ khoáng sản để cung cấp cho các nhà máy sản xuất kim loại trên địa bàn tỉnh;

Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án công nghiệp, các dự án đang thực hiện tái cơ cấu (của các Nhà máy đang dừng hoạt động), dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 61/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đảm bảo tiến độ, thời gian và đúng quy định hiện hành. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, kịp thời tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thu hút vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có tiềm năng trên địa bàn tỉnh để có mặt bằng sạch phục vụ mời gọi các nhà đầu tư;

Thực hiện tốt công tác tham mưu thẩm định, cho ý kiến về các dự án, công trình  đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh; định hướng, mời gọi đầu tư các dự án côngnghiệp theo đinh hướng của Tỉnh; Tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ các cơ sở sản xuất các sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh sản xuất, đối mới công nghệ, duy trì chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, thương hiệu; phát triển sản phẩm gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm;

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Kạn đã được phê duyệt; theo dõi quản lý, đầu tư phát triển và kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ; Đôn đốc các nhà máy thuỷ điện đang vận hành trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện công tác đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện đảm bảo đúng tiến độ như đã cam kết với tỉnh;

Tổ chức thực hiện tốt các đề án khuyến công, tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nhằm xây dựng những đề án có tính khả thi cao, có hiệu quả rõ rệt; lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã đủ năng lực tham gia sản xuất, chế biến nông- lâm sản trên địa bàn tỉnh;

Đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã trong hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, việc triển khai các tiểu dự án hỗ trợ từ quỹ APIF.

– Đối với phát triển thương mại, dịch vụ:

Thực hiện tốt mục tiêu phát triển thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá; phát triển sản xuất hàng hoá theo hướng tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và địa phương trong việc phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ; xây dựng hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa, cung ứng theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh;

Hỗ trợ xây dựng một số sản phẩm nông sản chủ yếu của tỉnh đảm bảo đạt yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác để tham gia vào mạng lưới bán lẻ hiện đại và phục vụ xuất khẩu;

Đổi mới và tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông-lâm sản; tổ chức 01 sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn ngoài tỉnh;

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng công nghệ số và trên môi trường mạng; từng bước xây dựng số hóa và cập nhập thường xuyên dữ liệu cung và cầu hàng hóa; tiếp tục quản lý, vận hành có hiệu quả Website giao dịch điện từ ngành Công Thương;

Chú trọng, đồng thời vận động doanh nghiệp tăng cường liên kết, liên doanh đầu tư, chuyển giao công nghệ, đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, công bố chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm;

Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về định hướng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu; phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Thực hiện tốt công tác bình ổn giá và công tác dự báo tình hình thị trường kịp thời, sát thực tế thị trường; theo dõi diễn biến tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu nhằm làm cho thị trường phát triển lành mạnh; thực hiện nhanh chóng, kịp thời đúng quy định các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thương mại trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng sẽ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt và tránh chồng chéo. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tiếp nhận, phân loại và xử lý kịp thời đơn thư kiến nghị, phản ánh hoặc khiếu nại, tố cáo phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, duy trì việc tự kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện kịp thời và ngăn chặn có hiệu quả không để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Với vai trò là cơ quan thường trực của UBND tỉnh về công tác Hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2022 tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai tốt các hoạt động về công tác Hội nhập kinh tế quốc tế. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách khi được UBND tỉnh giao, Chủ tịch UBND tỉnh giao; thực hiện tốt công tác phối hợp với các sở, ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt quy chế một cửa; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các thủ tục hành chính theo quy định; nâng cao hệ thống quản lý chất lượng ISO theo tiêu chuẩn 9001:2015 trong hoạt động của cơ quan. Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch; công tác tài chính-kế toán; tổ chức cán bộ; công tác thống kê, tổng hợp, hành chính quản trị; thực hiện các chế độ, chính sách đối với CC, VC và NLĐ; công tác thi đua khen thưởng, đánh giá CC, VC và NLĐ.

Hoàng Huyền




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 230
Views This Month : 3893
Views This Year : 11801
Total views : 72341
Language
Skip to content