Năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương và lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, chủ động của Ủy ban nhân dân tỉnh và chính quyền các cấp cùng sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế – xã hội năm 2022 tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt kế hoạch đề ra, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển; thu ngân sách nhà nước dự kiến đạt kế hoạch; công tác phòng, chống dịch Covid- 19, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được chú trọng thực hiện. Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường; hoạt động chuyển đổi số trên các ngành, lĩnh vực được triển khai tích cực; công tác quốc phòng – an ninh được giữ vững. Song, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số chỉ tiêu về kinh tế – xã hội không đạt kế hoạch đề ra, giá nguyên vật liệu, vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng cao, tình hình thiên tai dịch bệnh đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng có xu hướng tăng; hoạt động du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; số doanh nghiệp, hợp tác xã ngừng hoạt động có chiều hướng tăng.
Bước sang năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu hoàn thành Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Tình hình kinh tế dự báo sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, còn nhiều rào cản phát triển kinh tế – xã hội như: Kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, áp lực lạm phát làm tăng giá cả nguyên vật liệu đầu vào, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn yếu; tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới chưa có nhiều chuyển biến.
Theo đó, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2022, khắc phục những tồn tại, hạn chế,vượt qua những khó khăn, thách thức nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2023, tạo tiền đề phát triển thuận lợi trong những năm tiếp theo, tại Quyết định số 2519/QĐ-UBND ngày 23/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, cũng đã đề ra 25 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 trên 7%, cụ thể: Nông lâm nghiệp, thủy sản tăng trên 3,8%; Công nghiệp – xây dựng tăng trên 9,8% (công nghiệp tăng trên 13%, xây dựng tăng trên 8%); Dịch vụ tăng trên 8%.
Để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, Tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tập trung thực hiện 04 chương trình trọng tâm của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19.
Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tiếp tục rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; xây dựng chuỗi liên kết trong trồng rừng để nâng cao giá trị; tạo các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến gỗ. Phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Đôn đốc phân bổ và giao kế hoạch vốn 03 chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm để các đơn vị, địa phương chủ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Việc xây dựng kế hoạch phải đồng bộ với việc giao dự toán ngân sách, ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ các xã về đích nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trường đạt chuẩn quốc gia năm 2023.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản các cụm công nghiệp. Tập trung thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai hiệu quả các dự án. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công của tỉnh.
Tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn xây dựng cơ bản; thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách để kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công, kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư ngoài ngân sách thực hiện chậm tiến độ theo quy định, không để thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước.
Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ thông tin, kết nối thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh; tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại, tăng giá bất hợp lý, nhất là các nguyên, nhiên liệu, mặt hàng thiết yếu.
Đổi mới các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch tỉnh Bắc Kạn. Tiếp tục đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nghiên cứu ban hành chính sách phát triển du lịch phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi, phát triển sản xuất. Tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ củng cố hoạt động của các hợp tác xã, phát triển thành viên, mở rộng quy mô, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tham gia vào các dự án liên kết sản xuất. Chỉ đạo triển khai Chương trình OCOP theo kế hoạch và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước; tăng cường khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách, nhất là quản lý tốt nguồn thu từ hoạt động khoáng sản. Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, chủ động, tiết kiệm, đúng quy định và trong phạm vi dự toán được giao. Thực hiện tốt chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về công tác tín dụng; tích cực huy động vốn, mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi về tín dụng của Chính phủ, hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách, pháp luật đất đai, tài nguyên và môi trường. Thực hiện tốt công tác đấu giá, đấu thầu dự án sử dụng đất, cấp phép hoạt động khoáng sản đảm bảo theo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khoáng sản, lâm sản nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kịp thời, ứng phó, khắc phục hiệu quả các sự cố, thiên tai và cứu nạn, cứu hộ.
HB