Sở Công Thương cho biết, để đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, thực hiện các chương trình khuyến mại để quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, có thế mạnh của tỉnh cũng như các sản phẩm sản xuất trong nước.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm do Việt Nam sản xuất
(Ảnh: Người dân tham quan mua sắm tại Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc – Bắc Kạn)
Tháng 11/2023, Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc – Bắc Kạn và chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại tổ chức tại thành phố Bắc Kạn đã tạo được sức hút lớn và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân trên địa bàn tỉnh. Hội chợ không chỉ nhằm giới thiệu, quảng bá về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn, các tỉnh vùng Đông Bắc và các địa phương trong cả nước, thúc đẩy hoạt động trao đổi, giao thương, chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng hợp tác đầu tư, liên kết trong sản xuất, mở rộng thị trường nội địa mà còn tạo điều kiện để người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đạt hạng sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản của các tỉnh trong khu vực.
Cũng trong năm 2023, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Thương hiệu quốc gia chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4; tuyên truyền về phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực liên kết bền vững giữa sản xuất – phân phối – tiêu dùng; tuyên truyền Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Để phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình “Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng” tại huyện Pác Nặm. Cùng với đó, tổ chức cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia 13 hội chợ, triển lãm, gian hàng trưng bày sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trong nước. Hỗ trợ Hội doanh nhân OCOP tỉnh tổ chức gian hàng tại Hội chợ Công Thương vùng Đồng Bằng sông Hồng – Hà Nam năm 2023; tham gia Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” tại Hà Nội; tham gia Chương trình kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành tại Thành phố Hồ Chí Minh…
Thông qua việc tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; từng bước hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thâm nhập và phát triển thị trường.
Trong quá trình tham gia các hội chợ, triển lãm lớn với quy mô toàn quốc và quốc tế, Sở Công Thương đã khảo sát, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của các thị trường mới, tìm kiếm đối tác và khai thác thông tin để xây dựng các kế hoạch phát triển hàng nông sản chủ lực, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người tiêu dùng. Cùng với xúc tiến thị trường trong nước, Sở đã tham mưu tổ chức, tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài; đáng chú ý là tổ chức đoàn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại Nhật Bản, qua đó đã quảng bá, giới thiệu về thành tựu, tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, có thế mạnh của tỉnh, trong đó có các sản phẩm OCOP.
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong tỉnh và trong nước, việc phát triển hạ tầng xúc tiến thương mại được đặc biệt quan tâm. Riêng trong năm 2023, Sở Công Thương đã hỗ trợ xây dựng 3 điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm hàng hóa lồng ghép với điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thôn Nà Lẹng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm; tại Tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn và thôn Thôm Mò, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông.
Đến nay, đã có 18 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nông sản địa phương tại hầu hết các huyện, thành phố. Các điểm bán hàng nông sản, sản phẩm OCOP đã chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh trong phân phối, tiếp thị quảng bá, hình thành hệ thống xúc tiến thương mại, tăng doanh thu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm OCOP và nông sản, đặc sản của tỉnh tại các điểm bán được quản lý theo Quy chế của tỉnh ban hành, có nhãn hàng hóa, mã vạch truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể tham quan, mua sắm trực tiếp hoặc đặt hàng qua các ứng dụng trực tuyến.
Lực lượng chức năng kiểm tra tem nhãn, chất lượng sản phẩm tại
Điểm bán sản phẩm OCOP (thành phố Bắc Kạn)
Theo đánh giá của Sở Công Thương, nhờ chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng Việt nên hàng hóa do Việt Nam sản xuất đã chiếm lĩnh được thị trường về thị hiếu, mẫu mã, người dân ngày càng tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và triển khai giám sát các hoạt động về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai tương đối tốt đã góp phần hạn chế đáng kể các hoạt động buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả; qua đó góp phần nâng hình ảnh, khả năng cạnh tranh của hàng Việt, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt của người Việt Nam.
Trong năm 2024, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Nghiên cứu mở rộng mạng lưới phân phối, thiết lập các điểm bán hàng, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng các hàng hóa sản xuất trong nước theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; đồng thời khuyến khích, vận động, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, thương mại tăng cường sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và các hành vi gian lận thương mại khác nhằm kích cầu tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”./.
Nguồn: backan.gov.vn