Kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý năm 2024

Nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, ngày 15/02/2024 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-UBND ban hành kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý năm 2024.

Theo kịch bản tăng trưởng:Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2024 tăng trên 8% (3 tháng đầu năm đạt 6,5%, 6 tháng đầu năm đặt mục tiêu trên 7,2%, 9 tháng đặt mục tiêu trên 8,5% và cả năm 2024 đạt trên 8%).

Trong đó: Cả năm 2024 phấn đấu Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng trên 4,2%; Khu vực Công nghiệp – Xây dựng tăng trên 12% (Công nghiệp tăng trưởng trên 16%, Xây dựng tăng trưởng trên 9,5%) và Khu vực dịch vụ tăng trưởng trên 8,6%). Phấn đấu thu ngân sách đạt trên 1.010 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Đối với các chỉ tiêu phát triển công nghiệp – thương mại, dịch vụ:

* Khu vực Công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) năm 2024 ước đạt đạt 2.080 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch, tương ứng tăng trưởng trên 16%, cụ thể:

– Quý I: Từ đầu năm 2024, tiếp đà tăng trưởng cao trong Quý IV năm 2024 và các cơ sở sản xuất công nghiệp tập trung cho sản xuất chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 nên hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2024 duy trì mức tăng trưởng cao (đạt khoảng 195 tỷ đồng, tăng 35% so với tháng cùng kỳ năm trước); bắt đầu từ Quý I năm 2024, Nhà máy luyện chì 20.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất feromangan 60.000tấn/năm bắt đầu vận hành chạy thử, hiệu chỉnh dây chuyền sản xuất và bắt đầu có sản phẩm đã góp phần cho sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trong Quý I do trùng thời gian nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 nên đã tác động chung đến hoạt động sản xuất công nghiệp của toàn Quý. Vì vậy, ước giá trị sản xuất công nghiệp Quý I/2024 ước đạt 435,0 tỷ đồng, tăng 12,75% so với cùng kỳ năm 2023.

– Quý II và III: Hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm sản hoạt động ổn định và có sự tăng trưởng nhờ việc đáp ứng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy hoạt động và thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt cùng với sự phát triển của kinh tế của cả nước (đặc biệt các nhà máy sản xuất trong KCN Thanh Bình, sản xuất đũa gỗ, gỗ xẻ, gỗ bóc các loại,…); lĩnh vực công nghiệp thực phẩm duy trì hoạt động ổn định nhờ thị trường tiêu thụ thuận lợi thông qua các chương trình khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh về phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm như: Miến dong, tinh bột nghệ, curcumin, rượu,… Hoạt động ngành công nghiệp khai khoáng duy trì hoạt động sản xuất ổn định và hầu hết các nhà máy luyện chì hoạt động đảm bảo công suất thiết kế nhờ đa dạng nguồn nguyên liệu (khai thác trong tỉnh, mua trong nước và nhập khẩu). Cùng với việc đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có bước tăng trưởng tốt.

+ Ước giá trị sản xuất công nghiệp Quý II/2024 đạt 510,0 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng năm 2024 ước đạt 945,0 tỷ đồng, tăng 21,71% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 45,43% kế hoạch năm 2024.

+ Ước giá trị sản xuất công nghiệp Quý III/2024 đạt 530,0 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng 2024 ước đạt 1.475,0 tỷ đồng, tăng 20,87% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 70,91% kế hoạch năm 2024.

– Quý IV: Tiếp đà duy trì sản xuất ổn định và với việc thuận lợi từ thời tiết cho hoạt động sản xuất công nghiệp, tập trung sản xuất các sản phẩm công nghiệp thực phẩm, đồ uống phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Đặc biệt một số dự án công nghiệp lớn bắt đầu đi vào sản xuất có sản phẩm, như: Các Nhà máy luyện chì 20.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất feromangan 60.000tấn/năm bắt đầu đi vào hoạt động ổn định và dây chuyền sản xuất kẽm sunfát và xưởng tuyển nổi của Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn hoạt động trở lại,… Ước giá trị sản xuất công nghiệp Quý IV/2024 đạt 605 tỷ đồng, lũy kế giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 2.080 tỷ đồng, tăng 16,84% so với cùng kỳ năm 2023.

* Khu vực dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt 9.560 tỷ đồng, tăng 4,5% so với thực hiện năm 2023, đạt 114% kế hoạch năm 2024. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt 42,5 triệu USD, đạt 138% kế hoạch năm 2024 (trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,5 triệu USD).

Quý I: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I ước đạt 2.180 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện cùng kỳ năm 2023, do trùng thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nên nhu cầu mua sắm của nhân dân tăng cao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I năm 2024 ước đạt 7,5 triệu USD ước đạt 17,2% kế hoạch năm 2024. Trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,5 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu là: Chì thỏi, bột kẽm ô xít, ván dán, đũa gỗ, hoa quả sơ chế; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu là: Ván mỏng, túi giấy, vener, máy móc).

Quý II: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Quý II ước đạt 2.250 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023, ước tăng 3,2% so với thực hiện Quý I năm 2024. Trong đó: Nhóm lương thực, thực phẩm có khả năng giảm, nhóm nhiên liệu có khả năng tăng giá; 2 nhóm này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ và là mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân, dự báo tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ có xu hướng tăng do kỳ vọng các hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành tăng (nghỉ hè, dịp nghỉ Lễ 30/4, 1/5 và các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch trên địa bàn tỉnh).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý II ước đạt 9 triệu USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8 triệu USD), tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 20% so với quý II năm 2024.

Quý III: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý III/2024 ước đạt 2.450 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tăng 8,9% so với dự ước thực hiện Quý II. Dự báo đây là thời điểm có thể tăng giá một số mặt hàng thiết yếu do chịu tác động từ việc thay đổi chính sách tiền lương, tăng giá một số dịch vụ sử dụng điện, dịch vụ y tế, giáo dục…). Các hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động và bước vào giai đoạn tăng trưởng, đặc biệt là các hàng hóa phục vụ năm học mới. Đồng thời, từ ngày 01/7 Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách cải cách tiền lương; dự kiến tiền lương của công chức, viên chức sẽ tăng thêm khoảng 10 – 15% trong năm 2024.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý III ước đạt 11 triệu USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10 triệu USD), giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 22% so với quý II năm 2024.

Quý IV: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý IV ước đạt 2.680 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, tăng 9% so với dự ước thực hiện Quý III. Quý IV là thời gian hoạt động thương mại phát triển, trong năm thời điểm Tết Nguyên đán năm 2025 sát với quý IV hơn nên sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại dịch vụ vào dịp cuối năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm 2024 ước đạt 9.560 tỷ đồng, tăng 4,5% so với ước thực hiện năm 2023, đạt 114% kế hoạch năm 2024.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý IV năm 2024 ước đạt 15 triệu USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14 triệu USD). Lũy kế cả năm 2024 ước đạt 42,5 triệu USD, đạt 138% kế hoạch năm 2024 (trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,5 triệu USD).

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội đã được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 22/12/2023 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2024; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở công nghiệp để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp;  Bám sát và triển khai Kết luận số 270-KL/TU ngày 28/12 năm 2023 Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 (Khóa XII) về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức triển khai các phương án phát triển ngành công nghiệp ban hành kèm theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03/11/2023; Triển khai các dự án năng lượng tái tạo góp phần đưa điện lưới quốc gia về các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện trên địa bàn tỉnh để nâng tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên toàn tỉnh theo kế hoạch; Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sàn xuất công nghiệp của doanh nghiệp/hợp tác xã; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất theo quy định cho hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Theo dõi, đôn đốc, tham mưu thúc đẩy phát triển các ngành: Bán buôn, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; hoạt động xuất, nhập khẩu; quảng cáo và nghiên cứu thị trường. Thực hiện tốt mục tiêu phát triển thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá; phát triển sản xuất hàng hoá theo hướng tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và địa phương trong việc phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ; xây dựng hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa, cung ứng theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh. Thực hiện tốt công tác bình ổn giá và công tác dự báo tình hình thị trường kịp thời, sát thực tế thị trường; theo dõi diễn biến tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu nhằm làm cho thị trường phát triển lành mạnh; thực hiện nhanh chóng, kịp thời đúng quy định các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thương mại trên địa bàn. Chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP của tỉnh đồng thời vận động doanh nghiệp tăng cường liên kết, liên doanh đầu tư, chuyển giao công nghệ, đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, công bố chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về định hướng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu; phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Đổi mới và tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm nông, lâm nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh,… nhất là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Ngày hội nông sản – OCOP và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn năm 2024, tổ chức gian hàng giới thiệu các sản phẩm hàng hóa Bắc Kạn năm 2024 ngoài tỉnh, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp khu vực do Bộ Công Thương tổ chức. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại có chiều sâu, phạm vi ngoài khu vực và tổ chức đoàn khảo sát thị trường nước ngoài. Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng giữ gìn và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu đã được cấp;…/.

Hoàng Huyền

 


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005175
Views Today : 181
Views This Month : 672
Views This Year : 13082
Total views : 73622
Language
Skip to content