Vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn được cấp chỉ dẫn địa lý

Đây là một trong những kết quả của dự án khoa học “Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm và xây dựng chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn”, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì thực hiện.
Vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý

Giống vịt bầu cổ xanh đã có từ lâu trên địa bàn Bắc Kạn. Giống vịt này có đặc điểm thân bầu, chân ngắn, cổ ngắn. Con đực có đầu màu xanh, vòng cổ trắng và ngực màu xám nâu, toàn thân có màu hơi xám nhạt, có hai lông đuôi mọc ngược, vịt khi chéo cánh lông cánh có ô vuông màu xanh, khối lượng 1,8 – 2,2 kg/con; con cái có bộ lông màu xám nhạt, màu cánh sẻ đậm hoặc nhiều màu, cổ ngắn, thân bầu, bụng xệ, có khối lượng 1,6 – 1,8 kg/con. Vịt bầu chủ yếu được nuôi thả tự nhiên trên các sông suối, nguồn nước sạch nên thịt chắc, thơm ngon, giá bán khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện nay, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn là sản phẩm có sức cạnh tranh cao vì không có đối tượng cạnh tranh cùng phân khúc hàng hóa.

Tuy nhiên, giống vịt bầu cổ xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn rất ít, phân bố lẻ tẻ ở các huyện và chủ yếu là ở huyện Ngân Sơn, Chợ Đồn…, mỗi hộ dân chỉ nuôi từ vài con đến vài chục con, sản phẩm chủ yếu phục vụ gia đình và bán ở các chợ phiên, không có đủ để đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Với cách nuôi tự phát, nhỏ lẻ như vậy, cùng với các nguyên nhân khác, đàn vịt bầu cổ xanh trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần về số lượng, hiện nay, số lượng còn rất ít, thay vào đó là giống vịt lai. Mặt khác, do nuôi thả tự nhiên nên việc bảo tồn và phát triển nguồn giống gốc đang bị đe doạ, có nguy cơ không còn giữ được nguồn giống thuần chủng.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được UBND tỉnh giao chủ trì thực hiện dự án khoa học “Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm và xây dựng chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn” từ tháng 4/2020 – 2/2023. Mục tiêu chung của Dự án là ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm để nhân giống phát triển đàn vịt bầu cổ xanh theo hướng chăn thả tự nhiên, lưu giữ được nguồn giống quý, tạo ra sản phẩm chất lượng, xây dựng được chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn, từ đó tạo dựng được thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm vịt bầu cổ xanh.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã điều tra, khảo sát, lựa chọn vịt bầu cổ xanh ở 150 hộ chăn nuôi vịt bầu cổ xanh tại 4 huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới, Ngân Sơn. Xây dựng mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh bố, mẹ sinh sản với quy mô 350 con tại Trại giống Thủy sản tỉnh. Tập huấn kỹ thuật cho 12 lượt hộ dân trực tiếp tham gia mô hình, sau tập huấn, các học viên áp dụng được kỹ thuật nuôi vịt bầu cổ xanh vào thực tế chăn nuôi tại gia đình. Xây dựng mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh thương phẩm với quy mô 1.200 con với 12 hộ tham gia; sau 3 tháng nuôi tỷ lệ sống trung bình đạt 98,08%, khối lượng vịt thương phẩm đạt từ 1,7-2,3kg/con. Dự án đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn.

Để xây dựng chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ trì phối hợp thực hiện các nội dung: (1) Xác định chất đặc thù của “Vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn” và các điều kiện tự nhiên, con người ảnh hưởng tới chất đặc thù của vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn thông qua việc điều tra, khảo sát các hộ nuôi vịt bầu cổ xanh tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới để thu thập thông tin về đặc tính tự nhiên bản địa, đặc điểm hình thái. (2) Thiết kế 5 mẫu logo vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn phù hợp với đặc tính của vịt bầu cổ xanh, điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác và định hướng phát triển thể hiện nét đặc trưng, đặc thù về địa lý; tổ chức lấy ý kiến lựa chọn nhãn hiệu đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn. (3) Xây dựng bản đổ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý; Quy chế chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn. (4) Hoàn thiện hồ sơ đăng ký sử dụng địa danh “Bắc Kạn” cho chỉ dẫn địa lý “Vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn”.

Với sự nỗ lực của đơn vị chủ trì thực hiện cùng các đơn vị có liên quan, tháng 6/2023, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ sở quan trọng để duy trì và phát triển thương hiệu từ loại vật nuôi bản địa này.

Ông Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh, Chủ nhiệm dự án cho biết, trong thời gian thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm và xây dựng chỉ dẫn địa lý vịt bâu cổ xanh Bắc Kạn” thì vịt Cổ Lũng ở tỉnh Thanh Hóa cũng có một vài đặc điểm về ngoại hình tương đồng với vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn và đã được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, khi so sánh kết quả phân tích chất lượng thịt và đặc điểm ngoại hình đã cho thấy vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn có những nét đặc trưng riêng; các chỉ tiêu phân tích về chất lượng thịt như vật chất khô, hàm lượng axít amin tổng số, Protein, Lipid và Tro tổng có sự khác biệt với vịt Cổ Lũng ở tỉnh Thanh Hóa. Có được điều này là nhờ vào sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, vùng địa lý đã tạo nên tính chất đặc thù về ngoại hình, thể chất. Chính vì vậy, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm vịt bầu cổ xanh số 00130 theo Quyết định số 756/QĐ-SHTT ngày 5/6/2023 của Cục Sở hữu trí tuệ.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, các huyện Ngân Sơn, Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn là vùng được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vịt bầu cổ xanh của tỉnh Bắc Kạn./.

https://backan.gov.vn/Pages/vit-bau-co-xanh-bac-kan-duoc-cap-chi-dan-dia-ly-054d.aspx




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005171
Views Today : 32
Views This Month : 4446
Views This Year : 12354
Total views : 72894
Language
Skip to content