Cây dong riềng đã có từ lâu tại vùng đất Côn Minh và sản phẩm miến dong đã được hình thành từ thế kỷ trước. Đến nay, miến dong Côn Minh đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng được nhiều người trong, ngoài tỉnh và cả khách ở nước ngoài biết đến. Việc trồng, sản xuất, chế biến cây dong riềng đã trở thành thế mạnh của địa phương, bởi giá trị kinh tế từ cây trồng này đã giúp người dân nâng cao thu nhập, mang lại đời sống ngày càng ấm no.
Chị Lộc Thị Quế, thôn Bản Cào đang thực hiện khâu tráng miến |
Chia sẻ với chúng tôi, chị Lộc Thị Quế ở thôn Bản Cào, xã Côn Minh cho biết: “Từ ngày làm miến, tôi không phải đi làm thuê nữa, giờ chỉ cần ở nhà làm cũng có công việc ổn định. Nhà tôi tự trồng cây dong riềng và làm miến bán, nhờ vậy cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn so với khi chưa làm miến.”
Chị Quế cho biết thêm: “Muốn sản xuất được những sợi miến ngon thì khâu làm bột là vô cùng quan trọng, gia đình tôi lựa chọn những củ dong riềng được trồng tại địa phương để làm bột. Sau đó, lọc bột cẩn thận, khi nào bột sạch và không còn sạn thì bắt đầu tráng miến. Khâu tráng, phơi cũng rất quan trọng. Quá trình đó đòi hỏi người làm phải có tâm, các khâu được thực hiện hài hòa mới có sản phẩm miến ngon”.
Năm 2020, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan thuộc xã Côn Minh đã vinh dự đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển mạnh mẽ của sản phẩm miến dong tại Côn Minh. Hơn nữa, việc đưa dây chuyền sản xuất miến khép kín vào vận hành, năng suất miến hằng năm đã được tăng lên đáng kể. Trung bình mỗi vụ, toàn xã Côn Minh sản xuất được gần 1.000 tấn miến, thu về khoảng 50 tỷ đồng – đây là tiền đề quan trọng để xã xây dựng làng nghề.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì Lương Thanh Lộc, cho biết: “Từ năm 2022, huyện đã ban hành kế hoạch về việc phát triển ngành nghề nông thôn, đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn của huyện và xã Côn Minh tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân cùng phối hợp trong xây dựng làng nghề. Làng nghề Miến dong Côn Minh được hình thành, địa phương sẽ đạt được các mục tiêu về bảo tồn được những đặc trưng cơ bản của kinh tế truyền thống; thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, hướng tới mục tiêu xây dựng làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng”.
Quá trình triển khai xây dựng Làng nghề Miến dong, huyện Na Rì luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành liên quan; sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền xã; sự đồng thuận của Nhân dân, đặc biệt có sự đoàn kết, tinh thần tự nguyện tham gia vào làng nghề của chính người sản xuất miến. Cuối năm 2023, huyện Na Rì đã hoàn thành các tiêu chí làng nghề. Qua thẩm định, xã Côn Minh đã đạt được cả 3 tiêu chí: Có tối thiểu 20% số hộ tham gia các hoạt động sản xuất miến dong;hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ dân ổn định 2 năm liên tục, tính đến thời điểm đề nghị công nhận; đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định. Trên cơ sở đó, huyện Na Rì và xã Côn Minh tiến hành rà soát, lựa chọn 4 thôn, gồm Chợ B, Nà Làng, Bản Cuôn, Bản Cào, đáp ứng được các tiêu chí theo quy định. Ngày 18/1/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận Làng nghề Miến dong xã Côn Minh của huyện Na Rì.
Khi được công nhận, Làng nghề miến dong Côn Minh mang lại nhiều lợi ích cho các hộ sản xuất, kinh doanh cũng như người dân địa phương. Tuy nhiên, được công nhận làng nghề đã khó, việc giữ gìn và phát huy thương hiệu làng nghề chắc chắn có nhiều khó khăn hơn, vì vậy đòi hỏi sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương để cùng gìn giữ và phát huy thương hiệu “Làng nghề miến dong Côn Minh”./.
Nguồn: backan.gov.vn