Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc được đề cao trong các FTA

Trong tiến trình hội nhập kinh tế, sự hình thành các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Cho tới nay, Việt Nam có 17 FTA, bao gồm 15 Hiệp định đã và đang thực hiện, tức là doanh nghiệp, người dân đã và đang được hưởng lợi từ ưu đãi của 15 Hiệp định này. Ngoài ra, chúng ta còn 2 Hiệp định nữa chưa hoàn tất đàm phán, chưa ký, chưa thực hiện.

Chúng ta nhìn thấy sức mạnh của FTA thông qua các mốc thời gian. Trước đây, Việt Nam liên tục nhập siêu nhưng kể từ năm 2012, lần đầu tiên chúng ta xuất siêu, và đến năm nay 2022, 10 năm liên tiếp chúng ta đã liên tục xuất siêu. Vì vậy, không thể phủ nhận đó là những tác dụng, ưu điểm to lớn của FTA mang lại. Còn ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu chính ngạch đã rẻ một cách tương đối, với nguồn cung dồi dào chất lượng cao, đa dạng chủng loại chính là nhờ việc giảm thuế trong FTA đã giúp lưu chuyển hàng hóa giữa các thành viên thuận lợi hơn xét cả về tốc độ và thuế suất.

Truy xuất nguồn gốc dần trở thành rào cản phi thuế quan đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Nhìn vào “bản đồ” các FTA mà Việt Nam đã tham gia, có thể thấy bên cạnh các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật thì yêu cầu quy tắc xuất xứ, trong đó có vấn đề về truy xuất nguồn gốc đang rất được đề cao. Đánh giá về tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc, theo ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (NBC), vấn đề truy xuất nguồn gốc đang dần trở thành rào cản phi thuế quan, nội dung về truy xuất nguồn gốc trong các FTA gần như là những nội dung bắt buộc trong tương lai. Khi hàng rào thuế quan ngày càng được giảm thiểu bởi các FTA thì các hàng rào phi thuế quan sẽ có xu thế phát triển và tăng cường. Truy xuất nguồn gốc cũng dần trở thành một hàng rào như vậy.

“Để các sản phẩm hàng hóa của chúng ta giữ vững được vị thế và phát triển thêm các thị trường mới, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc có vai trò rất quan trọng. Ví dụ, ngay thị trường chính ngạch Trung Quốc, với các sản phẩm nông sản, công nghiệp nhẹ… thì yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong Nghị định thư giữa hai nước”, ông Bùi Bá Chính nhấn mạnh.

Hay đối với ngành dệt may, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc tham gia các FTA, cơ hội đang mở ra rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Trong đó, các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều này là khó khăn, nhưng cũng chính là cơ hội cho ngành dệt may phát triển bền vững và hình thành nên chuỗi giá trị trong nước. Vì vậy, ngành cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường, kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị, giải pháp về khoa học – công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may… nhằm hướng tới phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới.

Nguồn: https://vietq.vn/yeu-cau-ve-truy-xuat-nguon-goc-duoc-de-cao-trong-cac-fta-d206860.html


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005156
Views Today : 62
Views This Month : 2474
Views This Year : 10382
Total views : 70922
Language
Skip to content