Thực hiện Công văn số 4655/UBND-TH ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa X. Theo nội dung Báo cáo số 80/BC-HĐND ngày gày 05/7/2024 của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Kạn về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa X, Cử tri Cử tri Hoàng Văn Lực, thôn Tân Lập, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông; Cử tri Hoàng Văn Ưng, tổ 7, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn phản ánh:“Từ ngày 01/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ lo ngại về giá cả tiêu dùng đã tăng. Đề nghị có giải pháp hiệu quả kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, để việc tăng lương bảo đảm mục đích, ý nghĩa nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động”
Để giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri theo quy định, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thống kê tỉnh nghiên cứu, tổng hợp nội dung trả lời ý kiến của cử tri như sau:
- Tình hình giá cả thị trường trong nước và trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột quân sự Nga – U-crai-na và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ. Kinh tế thế giới tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn, tăng trưởng chậm, lãi suất ngân hàng của các nước vẫn ở mức khá cao. Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng cả nước bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Các yếu tố tác động làm tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 là: Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4% do giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương, giá rau, giá trứng, giá thịt gà tăng; chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51%; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 9,45% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023-2024 một số địa phương đã tăng mức học phí; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07% do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Tại tỉnh Bắc Kạn, theo Báo cáo của Cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tăng 3,95% so với cùng kỳ tăng năm trước (thấp hơn 0,13% so với mức tăng của cả nước). Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với mức tăng 14,16%; tiếp đó là nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 12,51% so cùng kỳ nên đã tác động mạnh đến chỉ số giá bình quân 6 tháng đầu năm 2024. Chỉ số giá vàng bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ tăng 25,44%, chỉ số giá đôla Mỹ tăng 5,6% do tình hình chung của thị trường.
Ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh, nhìn chung giá cả hàng hóa dịp tháng 6, đầu tháng 7 có tăng ở một số nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và một số dịch vụ khác, tuy nhiên mức tăng nhẹ, không gây đột biến, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.
- Một số giải pháp trong thời gian tới
Trong nước, Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như: Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Theo đó, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng…) để tham mưu các giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá.
Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường đối với các mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, của tỉnh, ổn định tâm lý người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Với nội dung trên, Sở Công Thương trả lời Cử tri Hoàng Văn Lực, cử tri Hoàng Văn Ưng được biết./.
Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)