Tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập

Ngày 30/12/2019, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 449/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.

​Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được của 10 năm qua, cùng với thành quả của 33 năm đổi mới có những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, nhất là cuộc cách mạng công nghệ thời đại 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế; tận dụng tối đa cơ hội phát triển và hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố bất lợi do biến đổi khí hậu tác động đến các vùng miền.

Tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập, mạnh dạn, quyết tâm đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một vùng nông thôn xanh – sạch – đẹp và bản sắc. Quan tâm hơn nữa đến ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn, chú trọng đầu tư khoa học công nghệ, chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là các cơ hội, thành tựu mà cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Đặc biệt cần quan tâm xây dựng nông thôn mới không chỉ ở đồng bằng mà cả ở miền núi, làng bản, xã đảo với 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số để người dân tộc thiểu số cũng được hưởng lợi.

Triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; tập trung chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện đảm bảo thống nhất các cấp để có được hệ thống đội ngũ cán bộ tập trung cho tham mưu, chỉ đạo, ưu tiên bố trí đủ người có tâm huyết, đủ năng lực cho bộ máy tham mưu về nông thôn mới, nhưng không làm tăng biên chế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, miền và theo các mức độ để các địa phương phát huy tính sáng tạo và đạt kết quả tốt nhất. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, tăng cường phân cấp cho cơ sở và phát huy vai trò chủ thể của người dân, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các vùng có điều kiện kinh tế đặc thù, vùng đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới, nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng; nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để thực hiện trong giai đoạn mới.

Các địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động và mục tiêu, đưa ra giải pháp cụ thể về xây dựng nông thôn mới, thông qua đại hội Đảng các cấp và chính quyền các cấp, nhất là cấp tỉnh, cấp huyện, các địa phương còn nhiều xã, huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới; tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động.

Hoàng Huyền (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005548
Views Today : 40
Views This Month : 201
Views This Year : 12345
Total views : 114643
Language
Skip to content