Bắc Kạn thực hiện nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2020 – 2025

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có tổng số 65 chợ. Trong đó, phân theo hạng chợ bao gồm: 01 chợ hạng 1; 04 chợ hạng 2; 60 chợ hạng 3. Nhìn chung các chợ được đầu tư xây dựng trên địa bàn đã phát huy hiệu quả tốt trong việc thu hút, tập trung lực lượng hàng hoá lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hoá và tiêu dùng của nhân dân. Việc quản lý, phát triển chợ trên địa bàn tỉnh tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống mạng lưới chợ đã được hình thành và cơ bản được phân bố hợp lý, phù hợp với điều kiện địa hình, địa giới của địa phương. Tuy nhiên, ngoài một số chợ được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp có cơ sở vật chất cơ bản phù hợp quy mô hoạt động, còn phần lớn các chợ hoạt động lâu năm cơ sở vật chất đều xuống cấp, diện tích chật hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu về mua bán tại chợ nhất là chưa đảm bảo về điều kiện An toàn thực phẩm (ATTP). Tình hình mất ATTP xảy ra ở hầu hết các chợ trên địa bàn; đa số các thương nhân kinh doanh thực phẩm tại các chợ chưa được tập huấn kiến thức ATTP; chưa thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ theo quy định; sự hiểu biết các quy định về ATTP của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh hàng thực phẩm trong chợ còn rất hạn chế; việc kiểm soát cũng như ý thức của người bán và người mua còn chưa cao; việc kinh doanh hàng thực phẩm luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh, dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Đa phần các chợ chưa được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị cần thiết đảm bảo ATTP khi kinh doanh; khu giết mổ gia cầm, thủy sản và khu bán hàng thực phẩm bố trí chưa phù hợp, không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, văn minh thương mại,…

Một số hình ảnh chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh:

chợ cá chợ hđ kinh doanh tp

Trước thực trạng trên, năm 2017, Bộ Công Thương đã hỗ trợ kinh phí để Sở Công Thương Bắc Kạn đã tổ chức triển khai thực hiện mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2071/QĐ-BCT ngày 09/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc giao nhiệm vụ và chỉ định đơn vị thực hiện hoạt động năm 2016 Dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số. Qua đó, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm và tổ chức phối hợp Công ty cổ phần Chợ Bắc Kạn để xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm tại Chợ Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn). Ngày 11/12/2017, Giám đốc Sở Công Thương đã ban hành Quyết định số 249/QĐ-SCT về việc phê duyệt Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Thông qua Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Chợ Đức Xuân đã được đầu tư xây dựng theo quy mô chợ hạng 2, có vị trí thuận lợi, lượng hàng hóa đặc biệt là thực phẩm được trao đổi, mua bán tại đây diễn ra sôi động nhất trên địa bàn tỉnh. Chợ Đức Xuân được lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm bảo đảm ATTP tại chợ đảm bảo có số cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định chiếm từ 30% tổng số cơ sở kinh doanh cố định tại chợ trở lên, có diện tích quy chuẩn tối thiểu là 3m2/điểm. Với vị trí, địa điểm chợ đảm bảo không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác.Việc bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh thuận lợi cho việc kinh doanh và bảo đảm an toàn thực phẩm. Chợ được phân khu chức năng thành từng khu vực riêng biệt nhằm tránh lây nhiễm chéo. Tại chợ không thực hiện giết mổ gia cầm tại chợ, khu bán gia cầm sống có tách biệt với khu bán thực phẩm khác tuy nhiên, còn một số điểm kinh doanh chưa đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 2,4m. Chợ Đức Xuân cũng đáp ứng các yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định và đáp ứng các yêu cầu cơ bản theo quy định; có hoạt động dọn vệ sinh, thu gom rác thải hàng ngày; tần suất vệ sinh trong ngày bố trí phù hợp với chợ, bảo đảm giữ chợ sạch sẽ; Trang bị thùng chứa rác thải có nắp đậy kín tại các nơi công cộng trong chợ. Về thiết kế, hệ thống chiếu sáng, nguồn nước sử dụng trong chợ, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh tại chợ cơ bản đảm bảo theo quy định. Người trực tiếp kinh doanh thực phẩm có kiến thức an toàn thực phẩm đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và có khám sức khỏe định kỳ và đủ sức khỏe theo quy định. Ngoài ra, đơn vị quản lý chợ cũng đã chủ động xây dựng nội quy chợ, trong đó bao gồm quy định về công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại chợ; hướng dẫn các hộ kinh doanh thực phẩm thực hiện nội quy kinh doanh tại chợ; Kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ và cán bộ quản lý về an toàn thực phẩm tại chợ phải có kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm.

Năm 2018, khi TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm được ban hành, Sở Công Thương đã có văn bản triển khai thực hiện đến UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã, ban, tổ quản lý chợ trên địa bàn để khuyến khích các đơn vị chủ động nghiên cứu, áp dụng góp phần đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại chợ, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại chợ trên địa bàn tỉnh.

Qua đó cho thấy việc nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là thực sự cần thiết. Việc nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chợ, giúp nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên ban, tổ, HTX, doanh nghiệp quản lý, khai thác và kinh doanh chợ; môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, hàng hóa ngày càng được đảm bảo về vệ sinh ATTP, ý thức của người bán lẫn người mua ngày càng được nâng cao trong lựa chọn hàng hóa tiêu dùng. Mô hình chợ bảo đảm ATTP được nhân rộng sẽ giúp cho hạ tầng thương mại được phát triển, khang trang, nâng cấp cơ sở vật chất tại các chợ theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu về vệ sinh ATTP theo quy định, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thực phẩm không đảm bảo ATTP gây ra cho người tiêu dùng. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng chợ theo hướng văn minh, hiện đại từ nguồn xã hội hóa gắn với thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 419/KH-UBND ngày 16/7/2019 kế hoạch nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP giai đoạn 2020 – 2025 đối với 18 chợ trên địa bàn tỉnh, Khảo sát, đánh giá tình hình chợ lựa chọn nhân rộng mô hình thí điểm ATTP trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

Năm 2020, thực hiện tại chợ Bắc Kạn (tổ 5, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn), Chợ Bằng Lũng (thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn), Chợ Minh Khai (phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn).

Năm 2021, thực hiện tại chợ Đầu mối nông lân sản (thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì), chợ Đông Viên (Xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn), chợ Quân Bình (Xã Quân Bình, huyện Bạch Thông).

Năm 2022, thực hiện tại chợ Thị trấn Phủ Thông          (Thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông), chợ Thị trấn (chợ Mới Thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới), chợ Bộc Bố (xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm).

Năm 2023, thực hiện tại chợ Trung tâm thị trấn Chợ Rã        (Thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể), chợ Nam Cường (xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn), chợ Tinh (xã Yên Hân, huyện Chợ Mới).

Năm 2024, thực hiện tại chợ Côn Minh (Xã Côn Minh, huyện Na Rì), chợ Hà Hiệu (Xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể), chợ Vân Tùng (xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn).

Năm 2025, thực hiện tại chợ Lạng San (Xã Lạng San, huyện Na Rỳ), chợ Phương Viên (xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn), chợ Sáu Hai (Xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới).

Việc lựa chọn các chợ thực hiện nhân rộng sẽ được khảo sát đánh giá tình hình và báo cáo UBND tỉnh trước khi triển khai thực hiện. Đảm bảo, đến năm 2025, tối thiểu 20% chợ trên địa bàn tỉnh được xây dựng đảm bảo tiêu chí chợ ATTP theo quy định.

Xây dựng chợ thí điểm được thực hiện thông qua các hoạt động như: Khảo sát, đánh giá tình hình chợ lựa chọn nhân rộng mô hình thí điểm ATTP trên địa bàn tỉnh; Tổ chức tập huấn và xác nhận kiến thức ATTP cho các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ; Hỗ trợ cho các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ thí điểm ATTP như: Hỗ trợ tủ kính đựng thực phẩm chế biến; hỗ trợ biển hiệu cơ sở bày bán thực phẩm; mặt bàn bày bán thực phẩm tươi sống; chi phí khám sức khỏe cho người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ… Hỗ trợ trang bị cho chợ thí điểm ATTP như: Biển hiệu chợ; dụng cụ chứa đựng rác thải; biển hiệu ngành hàng tại chợ; biển hiệu chỉ dẫn vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng hoặc nâng cấp hệ thống cống rãnh thoát nước; trang thiết bị PCCC tại chợ (nội quy, tiêu lệnh, bình chữa cháy)…. Xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện nhân rộng “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm” trong năm và Tổ chức Hội nghị tổng kết nhân rộng “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP trước hết góp phần bố trí, sắp xếp được các ngành hàng kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định ATTP, nâng cao chất lượng phục vụ, thuận lợi cho hoạt động mua bán; huy động được các nguồn lực của xã hội (nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh…) để đầu tư, cải tạo nâng cấp, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh thực phẩm trong các chợ đảm bảo thống nhất, khoa học, vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; tạo cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn tiêu dùng những hàng hóa thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, không gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, không ảnh hưởng đến môi trường. Nhân rộng mô hình chợ thí điểm ATTP cũng là là điều kiện thuận lợi để phát triển chợ theo xu hướng văn minh, hiện đại vì trên thực tế các chợ truyền thống còn nhiều bất cập về vệ sinh an toàn thực phẩm; góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ ngộ độc thực phẩm, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội và thể hiện nếp sống văn minh; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp quản lý chợ và các thương nhân kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thay đổi dần thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực.

Triệu Thanh Hoa (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005557
Views Today : 71
Views This Month : 1468
Views This Year : 13612
Total views : 115910
Language
Skip to content