Chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Thị trường Bắc Kạn đã có sự phục hồi trở lại sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời điểm cuối năm 2022 tình hình thị trường có phần sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường rất thuận lợi. Do đó, dự báo nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của nhân dân trên địa bàn tỉnh tăng từ 10-12% so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tùy nhóm mặt hàng (đặc biệt vào một số thời điểm nhất định như những ngày cuối năm, sát Tết Nguyên đán nhu cầu có thể tăng cao).
Nhằm bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa, ổn định nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Phương án số 14/PA-UBND ngày 12/01/2023 Phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trong đó, nội dung chính của phương án như sau:
1. Phương án chuẩn bị và cung ứng nguồn hàng dịp Tết Nguyên đán
Nhóm lương thực: Nguồn cung lương thực như thóc, gạo trên địa bàn tỉnh ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Mặt hàng gạo tẻ được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị, bảo đảm lượng dự trữ và cung ứng cho thị trường như: Cơ sở Nguyễn Thị Thủy (Chợ Bắc Kạn); Đại lý Nguyễn Thị Tuyết Mai (phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn); Siêu thị Winmart Bắc Kạn; Cơ sở xay xát Tươi Tỉnh (huyện Chợ Đồn); Cơ sở xay xát Trọng Đại (thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn); HTX Hồng Luân (huyện Chợ Đồn); Cửa hàng Hải Hiến (huyện Chợ Mới); Cửa hàng Tâm Yến, Nguyễn Thị Hoa (huyện Chợ Mới). Cơ sở xay xát Trương Văn Khoa (huyện Pác Nặm)…; Đối với mặt hàng gạo nếp sản xuất trên địa bàn tỉnh như: Cơ sở sản xuất và thương mại Anfa (thành phố Bắc Kạn), HTX Khẩu nua Lếch Thượng Quan (huyện Ngân Sơn); HTX Yến Dương (huyện Ba Bể); Cơ sở Nguyễn Thị Thủy (Chợ Bắc Kạn).
Ngoài ra còn có mặt hàng miến dong và mặt hàng phở khô, bún khô tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh sản xuất, cung ứng ra thị trường với sản lượng ổn định, một số đơn vị cung cấp như: HTX Hồng Luân, Cơ sở Hoàng Hải (huyện Chợ Đồn), HTX bún phở Quỳnh Niên (huyện Ngân Sơn), HTX 20/10, HTX Thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới), HTX bún cẩm Huy Hùng, HTX Giáo Hiệu, Hộ kinh doanh Anh Huấn (huyện Pác Nặm)… sản xuất và bán ra ra thị trường với sản lượng sản xuất, tiêu thụ ổn định.
Nhóm thực phẩm:
*Thịt lợn: Nguồn cung ứng thịt lợn chủ yếu từ các trang trại và gia trại tại các địa phương trong tỉnh. Dự trữ tại một số địa phương phục vụ Tết Nguyên đán như sau: Tại Thành phố Bắc Kạn: Công ty CP Sản xuất VLXD Bắc Kạn; HTX Hùng Tuyết 50 tấn; Siêu thị Winmart Bắc Kạn; HTX Dương Quang. Tại huyện Chợ Đồn: HTX Rượu men lá Bằng Phúc; HTX Quỳnh Trang. Tại huyện Pác Nặm: HTX Nông nghiệp và dịch vụ Pác Nặm, HTX Vạn Lộc.
* Thịt gia súc, gia cầm: Nguồn cung gia súc, gia cầm lấy thịt trên địa bàn tỉnh khá lớn, ở hầu hết các địa phương. Một số gia trại, hợp tác xã chăn nuôi với quy mô lớn có khả năng cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán như: HTX Vạn Lộc (huyện Pác Nặm); HTX Nông nghiệp Ngọc Hải (huyện Chợ Đồn); HTX Rượu men lá Thanh Tâm (huyện Chợ Đồn), Siêu thị WinMart Bắc Kạn.
*Thủy sản: Nguồn cung thủy hải sản trên địa bàn tỉnh khá lớn, ở hầu hết các địa phương. Một số đơn vị như Hợp tác xã Thanh Mai (huyện Chợ Mới); Hộ kinh doanh Hà Minh Giang (huyện Chợ Mới), đại lý hải sản Tiến Thu, Siêu thị WinMart Bắc Kạn, Siêu thị BK Mart. Ngoài ra, trong suốt thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán, các tiểu thương đã có phương án nhập hàng thủy hải sản từ các nguồn phân phối tại các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ninh,..
*Mặt hàng rau, củ, quả:
Tại các khu vực nông thôn, lượng rau củ quả của người dân địa phương đủ đáp ứng trên 90% nhu cầu tiêu dùng; đối với khu vực trung tâm các thành phố, thị trấn lượng rau, củ, quả của địa phương chiếm khoảng 40-50% còn lại là rau nhập từ các tỉnh ngoài. Rau, củ, quả được cung cấp tại siêu thị Winmart và bán nhỏ, lẻ tại các chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ…
Nhóm các mặt hàng tiêu thụ nhiều vào dịp Tết Nguyên đán
Trên địa bàn tỉnh có một số nhà phân phối hàng lớn đã sẵn sàng tập kết, dự trữ và phân phối các mặt hàng như: Bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, cá hộp, thịt, trứng gia cầm, cá khô, dầu ăn, nước ngọt, rượu, bia, cà phê các loại… cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường tỉnh. Tại các chợ truyền thống, các đại lý bán lẻ hàng tạp hoá trên địa bàn toàn tỉnh dự trữ và cung ứng đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 dự kiến tăng từ 10-15% tùy mặt hàng so với năm trước. Trong đó, được tập kết tại một số cơ sở, nhà phân phối lớn như: Nhà phân phối Thảo Nghi, nhà phân phối Ngọc Cường, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ngọc Hùng BK, siêu thị Winmart, cửa hàng bán lẻ Tiến Thu, Cửa hàng CP Fresh Shop Bắc Kạn, nhà phân phối Yến Thùy, siêu thị BK; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ngọc Huy và các cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
Các mặt hàng tiêu thụ nhiều dịp Tết như: Lá dong, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, miến dong, hạt bí, hạt hướng dương,… được dự trữ chủ yếu ở các cơ sở sản xuất, các đại lý, cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng trong các chợ trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhóm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng
– Mặt hàng xăng dầu: Một số doanh nghiệp có lượng dự trữ xăng dầu tương đối lớn như: Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn 25 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; DNTN Huấn Hòa dự trữ và cung ứng tại hệ thống 07 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thương mại PLI 03 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; Công ty TNHH Hoàng Tiến 03 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; Công ty TNHH Đức Giang Bắc Kạn 03 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Ba Bể 04 cửa hàng bán lẻ xăng dầu…
– Mặt hàng LPG: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 trạm nạp LPG vào chai (Công ty TNHH Gas Thanh Bình); 02 thương nhân kinh doanh mua bán LPG (Công ty TNHH Gas Thanh Bình, Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn), và 146 cửa hàng kinh doanh LPG chai, trong đó, lượng hàng dự trữ, cung ứng phục vụ sản xuất và tiêu dùng cho nhân dân trên địa bàn tỉnh tại trong 1 tháng khoảng 420 tấn gas các loại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
– Nguồn điện: Công ty Điện lực Bắc Kạn xây dựng phương án duy trì và cung ứng bảo đảm đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
2. Các giải pháp thực hiện
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh;
Thứ hai, đảm bảo các điều kiện cho việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh;
Thứ ba, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường;
Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân./.
Nông Thị Thùy (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005180
Views Today : 78
Views This Month : 1351
Views This Year : 13761
Total views : 74301
Language
Skip to content