Chương trình OCOP thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình “Mỗi xã/phường một sản phẩm” (OCOP) tại Bắc Kạn đã tác động tích cực đến kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và đặc biệt đã làm thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Hợp tác xã (HTX) Dương Quang là một trong những HTX đang hoạt động có hiệu quả tại thành phố Bắc Kạn. Hiện nay, HTX có sản phẩm lạp sườn gác bếp Dung Dinh, thịt lợn treo gác bếp Dung Dinh đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh tạo dựng được thương hiệu trên thị trường; năm 2023 đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao đối với thịt lợn khô Dung Dinh. Để có được kết quả đó, trong những năm qua, bên cạnh việc đầu tư công nghệ, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến các sản phẩm là sự thay đổi tư duy sản xuất của các thành viên HTX.

2 sản phẩm của HTX Dương Quang đã được công nhận sản phẩm OCOP

Anh Nông Thanh Nhã – Giám đốc HTX Dương Quang chia sẻ, trước đây, HTX phát triển chăn nuôi, trồng rau sạch, tuy nhiên, các sản phẩm chưa có mẫu mã, bao bì sản phẩm và chỉ tiêu thụ trong tỉnh. Năm 2018, HTX tổ chức lại và đúng thời điểm tỉnh bắt đầu triển khai Chương trình OCOP. Tham gia Chương trình OCOP, các thành viên HTX qua tuyên truyền, vận động đã nhận thức được rằng muốn sản phẩm có giá trị thì phải đảm bảo chất lượng, có đầy đủ nhãn mác và bao bì đẹp và biết quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường… Chính vì vậy, cùng với việc đầu tư máy móc hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã thiết kế nhãn mác cho từng sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm của HTX đều được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Thay đổi tư duy sản xuất trong trồng trọt, HTX cũng mạnh dạn đầu tư nhà màng để trồng dưa lưới, dâu tây, bí nụ, trồng hoa… Từ sản xuất thực tế cho thấy, sử dụng hệ thống nhà màng trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hiệu quả, giải quyết tốt bài toán năng suất, chất lượng cũng như tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản địa phương.

Cũng năm 2018, HTX Nhung Lũy được thành lập trên cơ sở tổ hợp tác sản xuất bí xanh thơm, chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa, trồng rừng. Hiện nay, sản phẩm của HTX là các đặc sản truyền thống như lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp, gạo nếp, bí thơm Ba Bể, chè giảo cổ lam, mướp đắng rừng, mác mật khô…. Các sản phẩm được sản xuất bằng 100% nguyên liệu địa phương; HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nên luôn có chất lượng tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm lại mang đậm bản sắc vùng miền.

Chị Đinh Thị Nhung – Giám đốc HTX Nhung Lũy chia sẻ, những ngày đầu đưa sản phẩm ra thị trường, HTX Nhung Lũy gặp không ít khó khăn như số lượng sản phẩm còn hạn chế, giá thành cao do sản xuất thủ công, đường xá xa xôi mà phương tiện vận chuyển chưa có, chưa biết cách quảng bá sản phẩm trên diện rộng…

Khi tham gia Chương trình OCOP, với sự giúp đỡ của các các cơ quan ban, ngành tỉnh, huyện và chính quyền địa phương, sự đoàn kết nỗ lực vươn lên của các thành viên, các sản phẩm đã hoàn toàn thay đổi so với trước khi thành lập mô hình kinh tế tập thể HTX về cả chất lượng và hình thức, đó là có bao bì, nhãn mác, các giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng … Hiện nay, HTX đã có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 2 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ và xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Liên kết để sản xuất bền vững

Theo chia sẻ của Giám đốc HTX Nhung Lũy, khi còn mô hình tổ hợp tác, các thành viên trong tổ còn lúng túng trong việc phát triển kinh tế, sản phẩm làm ra tiêu thụ còn nhiều khó khăn và giá trị chưa cao, thu nhập chưa ổn định. Tại địa phương, có nhiều sản phẩm truyền thống như lạp sườn, thịt lợn treo gác bếp, quả mác mật sấy khô, quả bí xanh thơm nhưng chưa được sản xuất thành hàng hóa và khi tiêu dùng không hết mới đem đi bán. Qua tuyên truyền về mô hình kinh tế tập thể và Chương trình OCOP, các thành viên tổ hợp tác thấy cần thiết liên kết các hộ dân sản xuất tập trung để làm ra sản phẩm có thương hiệu bán ra thị trường với số lượng lớn hơn và gia tăng giá trị cao hơn; những đặc sản, sản phầm truyền thống của địa phương đều có thể phát triển trở thành hàng hóa. Do vậy, từ giữa năm 2018, các thành viên đã thống nhất thành lập HTX và đăng ký các sản phẩm trên để tham gia Chương trình OCOP. Hiện nay, HTX có 20 thành viên chính thức với nhiều hoạt động, đem lại thu nhập khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

HTX Nhung Lũy chuẩn bị cây giống bí xanh thơm trồng vụ xuân năm 2024

Để sản xuất có hiệu quả cao hơn, HTX đã thành lập 36 tổ thành viên liên kết trồng nguyên liệu với 400 hộ. Qua đó, HTX có nguồn nguyên liệu sản xuất để duy trì sản xuất ổn định; 400 hộ gia đình có thu nhập ổn định, nhiều hộ nghèo được tạo việc làm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập…

HTX Nhung Lũy cũng đã chủ trì thực hiện các dự án liên kết sản xuất, tiêu biểu là Dự án liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ (2020 – 2022). Qua 3 năm triển khai thực hiện, Dự án tạo được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết được chuỗi giá trị sản phẩm, đa dạng hóa giá trị các sản phẩm từ thịt lợn; đảm bảo có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất ra các sản phẩm từ lợn như lạp sườn, thịt treo gác bếp, thịt lợn sấy khô… cung ứng cho đối tác tiêu thụ theo hợp đồng đã ký kết, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của HTX và các thành viên.

***

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã thu hút được nhiều chủ thể sản xuất tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn. Tư duy sản xuất của người dân tại địa phương có nhiều chuyển biến; các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy phát triển để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường theo chiều hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được hình thành… Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 184 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao, 165 sản phẩm 3 sao. Năm 2023, toàn tỉnh có 82 ý tưởng sản phẩm của 51 chủ thể đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP; hiện nay, các ý tưởng sản phẩm đang được các cơ quan chuyên môn thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận sản phẩm OCOP./.

Nguồn: https://backan.gov.vn/pages/chuong-trinh-ocop-thay-doi-tu-duy-san-xuat-cua-ngu-d8b4.aspx




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005192
Views Today : 224
Views This Month : 2740
Views This Year : 15150
Total views : 75690
Language
Skip to content