Ngành Công Thương Bắc Kạn tích cực triển khai các hoạt động phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới

Với mục tiêu phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý. Thời gian qua, Sở Công Thương Bắc Kạn đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn liên quan tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông lâm nghiệp và thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại của tỉnh, từ đó giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến của tỉnh tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở mục tiêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, kế hoạch giao tại Đề án và các kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ giao thuộc lĩnh vực Công Thương và đạt được nhiều kết quả.

Tính đến tháng 6 năm 2023, tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh 100.291,22 ha, trong đó: Keo 27.316,41 ha; Mỡ 47.666,18 ha; Thông 8.571,11 ha; Hồi 3.345,49 ha; Quế 3.792,07 ha; Xoan 1.322,7 ha; Lát 632,23 ha; Bạch đàn 78,08 ha; Trúc, Dẻ, Muồng, Tông dù, bời lời, Giổi,…7.425,9 ha. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, nhất là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cụ thể: Năm 2021 sản lượng gỗ bóc đạt 31.759 m3 tăng 250,6% so với thực hiện năm 2020, sản lượng ván dán đạt 64.420 m3 tăng 60,7% so với thực hiện năm 2020; năm 2022 sản lượng gỗ bóc đạt 39.150 m3, tăng 23,3% so với thực hiện năm 2021, sản lượng ván dán đạt 113.444 m3 tăng 76,1% so với thực hiện năm 2021; 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng gỗ bóc đạt 2.434m³, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022, sản lượng ván dán đạt 33.600m³, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Các dự án chế biến gỗ được định hướng cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu, hạn chế chấp thuận đầu tư các dự án sơ chế gỗ nhằm xuất bán nguyên liệu gỗ, sản phẩm thô ra ngoài tỉnh. Các dự án chế biến sâu gỗ rừng trồng đã tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, xuất khẩu, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương và nộp ngân sách nhà nước, qua đó phát triển sản phẩm gỗ theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn nhằm thăm nắm tình hình hoạt động sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở, góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh ổn định, bền vững. Hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến triển khai các đề án khuyến công quốc gia và đề án khuyến công địa phương.

Bên cạnh việc định hướng vùng nguyên liệu thì công tác Xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản cũng đã được tích cực triển khai và đạt được nhiều thành tựu nhất định. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản như:

Thông tin, tuyên truyền: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua kênh phương tiện thông tin truyền thông, Cổng thông tin điện tử, xây dựng banner, video clip giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa và tiềm năng phát triển của tỉnh.

Tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia nhiều hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Ninh Bình, thành phố Hà Nội, Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên…

– Tổ chức hội nghị kết nối giao thương và tham gia hội nghị kết nối giao thương trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022, năm 2023; Tổ chức và tham gia hội nghị kết nối tại các tỉnh như: Hải Phòng, Phú Thọ, thành phố Hà Nội.

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về xúc tiến thương mại: Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về xây dựng và đăng ký thương hiệu sản; kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ; kỹ năng về đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản; thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế.

Tổ chức các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài: Bên cạnh các sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ ổn định như: miến dong, gỗ,… Sở Công Thương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, qua đó, những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn đã được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến quan khách, doanh nghiệp quốc tế.

Hỗ trợ, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm qua môi trường số: Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp/hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế và các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước.

Đến nay một số sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã trở thành hàng hóa, có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại của một số thành phố lớn góp phân nâng cao sức cạnh tranh, phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp của tỉnh theo chuỗi giá trị bền vững, từng bước hướng đến thị trường xuất khẩu. Việc hỗ trợ, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm qua môi trường số đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử, tăng cường đầu tư, thực hành ứng dụng nhằm nâng cao năng lực,hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh kết quả đã đạt được thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế:

Sản phẩm ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Bắc Kạn chưa đa dạng, ngoài một số sản phẩm tinh chế (ván dán, đũa gỗ), còn lại chủ yếu là sơ chế (gỗ xẻ, gỗ bóc, dăm mảnh) chủ yếu xuất bán ra ngoài tỉnh, chỉ một phần được các cơ sở sản xuất ván dán trên địa bàn tỉnh tiêu thụ nên sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nguyên liệu phục vụ của các cơ sở ván dán trên địa bàn tỉnh trong những năm tới, tác động đến tính hiệu quả của các dự án đầu tư, chưa kể đến việc khai thác gỗ chưa đủ tuổi khai thác là hoạt động lãng phí nguồn lực (đất đai, nhân lực, tài nguyên rừng,…). Công tác liên kết giữa người dân trồng rừng với các cơ sở chế biến gỗ tinh chế (ván dán, đũa gỗ, đồ mộc gia dụng, …) còn rất hạn chế, chưa được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Khu vực đất rừng sản xuất địa hình chia cắt phức tạp, giao thông không thuận lợi, khó khăn trong việc hình thành vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản tập trung nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến gỗ, lâm sản có quy mô lớn.

Chất lượng một số sản phẩm hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; nhiều sản phẩm chưa đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nên gặp nhiều khó khăn cho công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Sản phẩm nông, lâm sản chủ yếu của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường phân phối hiện đại và xuất khẩu.

Trong thời gian tới, để triển khai các hoạt động phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý cần tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động rà soát, định hướng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh và hạn chế tối đa xuất bán nguyên liệu gỗ, sản phẩm thô ra ngoài tỉnh; tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh; kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng công nghệ số và trên môi trường mạng bên cạnh các phương thức truyền thống; tuyên truyền các đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý; thường xuyên cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm theo hướng tiện dụng, phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện đại, quan tâm chất lượng sản phẩm; chú trọng nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh; chủ động tham gia các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại để tiếp cận các cơ hội hợp tác; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước./.

(Nông Thị Thùy – Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005173
Views Today : 149
Views This Month : 255
Views This Year : 12665
Total views : 73205
Language
Skip to content