Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26 tháng 4 năm 2016 về xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, các cấp, các ngành đã tích cực, chủ động tham mưu ban hành các chính sách, văn bản để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017 – 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 – 2020; Đề án” Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đồng thời ban hành quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh và phê duyệt kế hoạch hỗ trợ về nguồn nhân lực cho các hợp tác xã…
Toàn tỉnh hiện có 157 hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với tổng vốn điều lệ 104,18 tỷ đồng (trong đó 118 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông- lâm nghiệp, 39 hợp tác xã phi nông nghiệp). Tổng số thành viên hợp tác 2 xã là 1.479, số lao động thường xuyên 1.527, trong đó lao động là thành viên hợp tác xã 1.222 người. Kết quả thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 09 cụ thể như sau: Có 46 xã, phường, thị trấn có ít nhất 2 hợp tác xã trở lên (đạt 37,7% mục tiêu nghị quyết); thu nhập bình quân của các thành viên đạt 3,5 triệu đồng/tháng (đạt 67,3%); 60% diện tích đất canh tác nông nghiệp của các thành viên đạt trên 100 triệu đồng/ha (mục tiêu 100%); 100% hợp tác xã tham gia các hoạt động cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Các hợp tác xã đã đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, cung cấp dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã chưa cao, hiện chỉ có 45 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, 73 hợp tác xã hoạt động khá, 34 hợp tác xã hoạt động trung bình và 5 hợp tác xã đang tạm ngừng hoạt động.
Sau khi tỉnh Bắc Kạn ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia đề án, qua đó có nhiều sản phẩm được lựa chọn để hoàn thiện, nâng cấp. Năm 2018, tổ chức đánh giá 1 năm thực hiện đề án đã có 30/37 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận 3-4 sao là sản phẩm của các hợp tác xã. Các hợp tác xã đã chủ động giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ “Không gian Ba Bể – Miền quê”; mở điểm bán hàng các sản phẩm OCOP tại thành phố Bắc Kạn và các huyện.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã. Về hỗ trợ nguồn nhân lực: tỉnh đã hỗ trợ cho 42 hợp tác xã, mỗi hợp tác xã 1 lao động có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc, tổng kinh phí đã thực hiện hơn 678 triệu đồng. Về chính sách đất đai: toàn tỉnh đã có 4 hợp tác xã được hỗ trợ về đất đai, cụ thể: Hợp tác xã nông nghiệp Bản Nghè, huyện Pác Nặm được miễn phí tiền thuê 15 ha đất trong 30 năm để trồng rừng; Hợp tác xã Bình Sơn, huyện Bạch Thông được giao đất với diện tích trên 1.000m2 để làm trụ sở làm việc và cơ sở chế biến sản phẩm; hợp tác xã Xuồng, huyện Ba Bể được giao đất và hỗ trợ xây dựng trụ sở (hợp tác xã này đã giải thể); hợp tác xã Đại Thành, thành phố Bắc Kạn được thuê 10 ha đất trong 50 năm. Chính sách tài chính, tín dụng: hiện nay có 10 hợp tác xã được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại với tổng dư nợ 4,479 tỷ đồng (ngoài ra, một số hợp tác xã không đủ điều kiện vay vốn theo hợp tác xã thì ngân hàng tạo điều kiện cho vay theo hộ thành viên); 04 hợp tác xã được hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh với kinh phí 2,5 tỷ đồng; Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng ưu tiên cho các hộ gia đình, cá nhân là thành viên của các hợp tác xã vay vốn với tổng số tiền 2,164 tỷ đồng; có 36 lượt hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ với số tiền trên 6,2 tỷ đồng; 32 hợp tác xã được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc với kinh phí trên 4 tỷ đồng… Đồng thời, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục quan tâm xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, năm 2018 có 4 hợp tác xã tham gia xây dựng mô hình gắn với sản phẩm cam quýt, tinh bột nghệ, chuối, chè với tổng kinh phí hỗ trợ 951,9 triệu đồng; năm 2019 có 2 hợp tác xã tham gia xây dựng mô hình gắn với sản phẩm xúc xích và gà thả đồi. Một số Hợp tác xã sau đã hoạt động có hiệu quả cao, đạt doanh thu lớn, bao tiêu vùng nguyên liệu trong tỉnh và giải quyết công ăn việc làm cho nông dân như HTX Nông nghiệp Tân Thành, HTX rượu chuối Tân Dân, HTX Sang Hà…
Công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với kinh tế tập thể Cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách về phát triển hợp tác xã cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của hợp tác xã kiểu mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu Luật Hợp tác xã năm 2012 và cuộc thi tìm hiểu các mô hình hợp tác xã kiểu mới; chỉ đạo các cơ quan báo chí đăng tải trên 100 tin, bài, phóng sự về tình hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tỉnh và cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền về Luật Hợp tác xã và một số văn bản liên quan được 60 lớp với hơn 2.000 học viên tham gia; hướng dẫn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch, truy suất nguồn gốc sản phẩm và tiêu chuẩn sản phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; biên tập và phát hành nhiều ấn phẩm tuyên truyền về kinh tế tập thể.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã chưa cao, thu nhập của thành viên chưa đạt mục tiêu đề ra; quy mô các hợp tác xã nông nghiệp còn nhỏ (bình quân 12 thành viên/hợp tác xã) dẫn đến quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn cho công tác huy động vốn; nhiều hợp tác xã chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào (giống, phân bón, dịch vụ cày đất, dịch vụ thu hoạch..) mà chưa bao tiêu sản phẩm cho các thành viên; chưa ký kết hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động với các thành viên, chưa phân phối thu nhập cho thành viên và chưa thực hiện chế độ báo cáo, lưu trữ theo quy định; giá thành sản phẩm còn cao, sức cạnh tranh thấp, thiếu đầu ra cho sản phẩm.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do trình độ của người lãnh đạo, quản lý hợp tác xã còn thấp; chưa tiếp cận và phát huy được hiệu quả của các chính sách hỗ trợ; thiếu vốn hoạt động, chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay, liên kết giữa các thành viên trong hợp tác xã nông nghiệp chưa được chặt chẽ; thiếu thông tin về thị trường, việc áp dụng công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh, doanh còn hạn chế.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 09, trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã; tập trung hỗ trợ có hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới điển hình tiên tiến để nhân rộng. Xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách kinh tế tập thể có năng lực theo hướng chuyên trách để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay; đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là các nghề mà địa phương có tiềm năng, lợi thế như chăn nuôi, trồng và chế biến hoa quả, trồng rừng, chế biến các sản phẩm từ rừng… Triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp về hỗ trợ nguồn nhân lực cho các hợp tác xã, thực hiện chính sách về đất đai, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, tiếp cận chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Tiếp tục triển khai 10 mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị theo Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Các hợp tác xã cần chủ động bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý của Hội đồng quản trị để điều hành, lãnh đạo hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; chú trọng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hằng năm và trung hạn, dài hạn cho phù hợp với điều kiện thực tế; đẩy mạnh việc học tập và áp dụng khoa học- kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; tăng cường nghiên cứu, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Các ngành chức năng tiếp tục tham mưu hoàn thiện, bổ sung các chủ trương, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển hợp tác xã; thực hiện tốt chức năng quản lý đối với các hợp tác xã nông nghiệp, tăng cường hỗ trợ về chuyên môn, ứng dụng khoa học và công nghệ, đưa cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, kinh doanh tại các hợp tác xã. Nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác xã nông nghiệp; triển khai thực hiện tốt công tác khuyến nông đối với các hợp tác xã nông nghiệp./.
Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)