Kết quả hoạt động Công nghiệp – Thương mại tháng 5 năm 2020

Sau thời gian thực hiện giãn cách toàn xã hội (tháng 4/2020), đến nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về các giải phảp nới lỏng để khôi phục phát triển kinh tế – xã hội, do đó tình hình phát triển công nghiệp – thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều khởi sắc:

  1. Về Công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá so sánh 2010) tháng 5/2020 ước đạt 97.315 triệu đồng, tăng 5,08% so với thực hiên tháng trước và giảm 1,02% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 496.993 triệu đồng, tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 35,91% kế hoạch năm 2020.

– Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019 ước tính như sau: Tinh quặng kẽm 7.935 tấn, bằng 94,46%; Quặng ôxít kẽm 7.102 tấn, tăng 3,08 %; Đá xây dựng 146.525 m3 , tăng 9,82%; Quần áo may sẵn 371 nghìn cái, tăng 6,92%; Gỗ xẻ các loại 3.718 m3, bằng 47,82%; Giấy bìa các loại 910 tấn, bằng 88,01%; Gạch các loại 17.735 nghìn viên, tăng 17,50%; Bê tông tươi 6.881 m3, tăng 22,13%; Đũa sơ chế 134.300 nghìn cái, tăng 20,46%; Điện thương phẩm phát ra 102,76 triệu kwh, tăng 8,40%; Nước máy sản xuất 1.263 nghìn m3, tăng 5,51%.

– Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành lũy kế đến tháng 5/2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,02%. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng  giảm 4,24%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,88%; Ngành sản xuất phân phối điện  và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,37% và nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý  và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,32%.

  1. Về Thương mại

Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định tiếp tục tạm đình chỉ một số loại hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến thời điểm báo cáo, cơ bản các cửa hàng kinh doanh thương mại, dịch vụ đã được phép mở cửa hoạt động bình thường trở lại nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh (trừ dịch vụ karaoke); sức mua trong nửa đầu tháng 5 đã tăng trở lại so với tháng trước nhưng dự báo xu hướng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhìn chung ổn định, không có biến động lớn, riêng giá mặt hàng thịt lợn vẫn ở mức cao, giá xăng dầu sau 8 lần liên tiếp điều chỉnh giảm đã tăng trở lại vào ngày 13/5/2020, tuy nhiên vẫn ở mức thấp; không phát hiện hiện tượng găm hàng, lợi dụng tăng giá. Việc sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo tẻ, nước uống, rau củ quả, gia cầm; Dịch Tả lợn Châu Phi đã bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh nên có ảnh hưởng đến tình hình thị trường thịt lợn.

– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 5 đã tăng mạnh so với tháng 4/2020 và ước đạt 415,35 tỷ đồng, tăng 60% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 5 tháng ước đạt 1.895,2 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước và đạt 29,08% kế hoạch năm 2020.

– Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu từ đầu năm đến tháng 5/2020 đạt 3,26 triệu USD, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,79 triệu USD, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ dán ép, hoa quả qua chế biến, đũa gỗ); Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,47 triệu USD, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, nguyên liệu dùng làm lớp mặt gỗ dán, tinh quặng kẽm dạng bột.

Trong thơi gian tới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội thuộc lĩnh vực ngành công thương và thực hiện tháo gỡ khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19, Sở Công Thương sẽ tiếp tục chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành trung ương, của Bộ Công Thương và của Tỉnh; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thuộc lĩnh vực ngành công thương theo kế hoạch đã đề ra, đồng thời tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và tình hình thực hiện các dự án công nghiệp để kịp thời xử lý, báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường để kịp thời tham mưu các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, góp phần ổn định, bình ổn thị trường trước bối cảnh diễn ra dịch bệnh Covid-19.

Hoàng Huyền (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005171
Views Today : 8
Views This Month : 4422
Views This Year : 12330
Total views : 72870
Language
Skip to content