Amazon Global Selling lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Thương mại điện tử trực tuyến tại Việt Nam

Trong hai ngày 8-9/12/2020, Amazon Global Selling lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Thương mại điện tử trực tuyến tại Việt Nam với chủ đề “Chắp cánh hàng Việt- Vương mình thế giới”. Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương (IDEA đã tham gia Hội nghị để chia sẻ quan điểm về chiến lược cũng như tương lai của sản phẩm “Made-in-Vietnam”.

Tăng cường hỗ trợ địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển của người bán hàng Việt Nam

Tại hội nghị, ông Gijae Seong – Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời sở hữu nền tảng sản xuất vững mạnh. Các sản phẩm Made-in-Vietnam như: Đồ gia dụng, phụ kiện thời trang, dụng cụ nhà bếp và tiện ích gia đình… trên Amazon, luôn được ưa chuộng bởi khách hàng trên toàn cầu. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm nay đã đưa đến cơ hội vàng cho người bán hàng chuyển đổi sang hình thức trực tuyến và phát triển kinh doanh toàn cầu.

“Hội nghị lần này là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Amazon, với sự mở rộng của đội ngũ chuyên trách, chúng tôi hy vọng sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp đạt tới tối đa tiềm năng phát triển, hướng tới mục tiêu quảng bá sản phẩm Made-in-Vietnam thông qua các cửa hàng trực tuyến của Amazon trên khắp thế giới.” – ông Gijae Seong nhấn mạnh.

Amazon cũng khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tại địa phương. Kể từ khi thành lập đội ngũ chuyên trách tại TP. Hồ Chí Minh năm 2019, Amazon đã tăng tốc phát triển các giải pháp chuyên biệt nhằm giúp đỡ người bán hàng tại từng địa phương có thể bắt đầu kinh doanh trên Amazon một cách dễ dàng. Một trong những sáng kiến quan trọng nhất là sự ra mắt Trung tâm Thông tin Bán hàng và bộ phận Hỗ trợ Người bán vận hành hoàn toàn bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

Trung tâm Thông tin bán hàng là một trang tổng quan đã được bản địa hóa, không chỉ giúp doanh nghiệp truy cập dễ dàng hơn, nâng tầm trải nghiệm xuyên suốt toàn bộ quy trình mà còn cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động kinh doanh. Amazon cũng đã công bố thành lập một đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội, sát cánh cùng đội ngũ của Amazon Global Selling tại TP. Hồ Chí Minh để mở rộng các khóa đào tạo và chương trình hướng dẫn cho người bán hàng trên nhiều khu vực khác nhau tại Việt Nam.

Trong năm 2020, Amazon Global Selling đã giữ vững mối quan hệ hợp tác với các cơ quan chính phủ, bộ ban ngành, và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2021, nhằm cung cấp kiến thức thức và khoá đào tạo, đồng thời mở rộng mạng lưới nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp địa phương.

“IDEA và Amazon Global Selling có chung tầm nhìn chiến lược trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thông qua thương mại điện tử. Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Amazon Global Selling trên nhiều hoạt động và chương trình huấn luyện đa dạng nhằm tối ưu hóa những lợi ích mà thương mại điện tử xuyên biên giới mang tới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.” – Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương (IDEA) chia sẻ.

Chắp cánh hàng Việt vươn mình thế giới

Trong bối cảnh COVID-19, Amazon thấu hiểu những tác động nặng nề của dịch bệnh đối với người bán hàng, và đã làm việc không ngừng nghỉ để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn. Các cửa hàng của Amazon đã hỗ trợ hàng trăm nghìn doanh nghiệp, bao gồm cả những người bán hàng Việt Nam, duy trì và thậm chí tăng trưởng doanh số bất chấp cuộc khủng hoảng COVID-19 và hơn thế nữa.

Sở hữu những lợi thế cạnh tranh về sản xuất cũng như thị trường nội địa triển vọng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó, các sản phẩm đa dạng của doanh nghiệp Việt được ưa chuộng trên toàn cầu nhờ chất lượng cao và giá thành cạnh tranh. Những lợi thế này đã tạo nền tảng vững chắc đưa các sản phẩm Việt vượt ra khỏi những giới hạn địa lý thông thường để tới tay khách hàng quốc tế. Đây là lý do vì sao có sự gia tăng nhanh chóng trong số lượng các doanh nghiệp tham gia bán hàng trên Amazon, bao gồm cả các thương hiệu quốc gia như Trung Nguyên, Biti’s…

“Tập đoàn Trung Nguyên mong muốn truyền tải được những giá trị của mình tới khách hàng tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Vì thế, chúng tôi quyết định đưa thương hiệu cà phê Trung Nguyên lên hệ thống cửa hàng của Amazon để tiếp cận nền tảng khách hàng toàn cầu rộng lớn một cách nhanh chóng và đồng bộ hơn. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược mở rộng quy mô kinh doanh của Trung Nguyên, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế ” – Ông Nguyễn Nguyên, đại diện của Tập đoàn Trung Nguyên cho biết.

“Một trạng thái “Bình thường mới” đang được hình thành cùng với sự chuyển đổi số và chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử. Điều này đã mang lại cho các chủ doanh nghiệp sở hữu thương hiệu và sản xuất hàng “Made-in-Vietnam” cơ hội mở rộng kinh doanh trên toàn cầu thông qua các trang thương mại điện tử như Amazon. Tôi đã nhận thấy những cơ hội dành cho doanh nghiệp Việt khi họ sở hữu thế mạnh về chất lượng sản phẩm và giá thành – những yếu tố giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.” – Doanh nhân, Nhà đầu tư Thái Vân Linh chia sẻ trong phiên tọa đàm thuộc buổi Hội nghị Thương mại Điện tử 2020.

Tại Hội nghị, Amazon Global Selling công bố sự ra mắt Trung tâm Thông Tin Bán hàng Amazon bằng ngôn ngữ tiếng Việt cũng như chính thức thành lập đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội, nhằm mục đích tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam trong việc triển khai và quản lý kinh doanh trên Amazon. Hội nghị trực tuyến này đã đánh dấu những bước tiến quan trọng của Amazon trên hành trình phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt ghi dấu ấn trên bản đồ thế giới.

Nguồn: “Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương” 




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005165
Views Today : 146
Views This Month : 3606
Views This Year : 11514
Total views : 72054
Language
Skip to content