Bắc Kạn tăng cường quản lý, nâng cao thương hiệu miến dong

Miến dong Bắc Kạn là sản phẩm nông nghiệp mang tính bản địa, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận Nhãn hiệu tập thể từ năm 2012. Sản phẩm miến dong tỉnh Bắc Kạn không ngừng phát triển qua các năm cả về số lượng và chất lượng. Những năm trở lại đây, do nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm “sạch” tăng lên đã thúc đẩy nghề trồng dong, chế biến miến trên địa bàn tỉnh phát triển, vùng nguyên liệu miến cũng được mở rộng hơn. Từ nhu cầu của thị trường, người dân đã đầu tư thêm một số máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống. Hiện nay, sản lượng miến dong toàn tỉnh đạt 1.000 – 1.200 tấn/năm với khoảng 30 nhãn hiệu sản phẩm được đóng gói, có bao bì, nhãn theo quy định, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, sản phẩm miến dong của Bắc Kạn đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố và được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt, giá bán tương đối ổn định.

        Bài miến

Tuy nhiên, sản phẩm miến dong Bắc Kạn phát triển chưa tương xứng so với tiềm năng về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ; sản lượng miến dong sản xuất trên địa bàn tỉnh thấp, chất lượng không đồng đều dẫn đến bị cạnh tranh không lành mạnh, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu miến dong Bắc Kạn. Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tuy có nhiều cơ sở tham gia sản xuất miến dong nhưng đa số quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng sản phẩm không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mẫu mã bao bì sản phẩm chưa đa dạng.

          Làm thế nào để đưa sản phẩm miến dong từ một nông sản truyền thống tại địa phương trở thành một sản phẩm nông nghiệp đặc sản có thương hiệu của tỉnh Bắc Kạn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân là bài toán đặt ra đối với các cấp chính quyền, địa phương của tỉnh Bắc Kạn. Để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến miến dong và quản lý, nâng cao thương hiệu miến dong Bắc Kạn, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch quản lý, nâng cao thương hiệu miến dong Bắc Kạn.

          Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về quản lý và phát triển thương hiệu miến dong Bắc Kạn thông qua các khoá đào tạo, tập huấn về Kiến thức sản xuất an toàn thực phẩm; Yêu cầu về nhãn, bao bì, mã vạch của hàng hoá; Kiến thức về quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm; Kỹ năng kinh doanh, bán hàng, đàm phán, thương thảo hợp đồng, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường; Nâng cao năng lực, phổ biến kiến thức, thông tin về điều ước quốc tế của các sản phẩm khi thâm nhập vào thị trường quốc tế, nâng cao kiến thức sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã… trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

          Hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường thông qua các hoạt động như tuyên truyền quảng bá sản phẩm nông sản trên các phương tiện truyền thông, xây dựng panô quảng cáo và cơ sở dữ liệu quản lý; tổ chức và tham gia các hội nghị, hội chợ, giao thương, phát triển kênh phân phối tại các thị trường có tiềm năng; xây dựng và phát triển mối liên hệ giữa người sản xuất với các đơn vị phân phối sản phẩm như siêu thị, các cửa hàng bán buôn, các doanh nghiệp thương mại trên thị trường; hỗ trợ xây dựng, quảng bá trên website và phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng, phần mềm bán hàng cho các cơ sở sản xuất miến dong Bắc Kạn; tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước để cung cấp các thông tin về thị trường nông sản nói chung và thị trường miến dong nói riêng.

          Các cơ quan chuyên môn được phân công tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất miến dong thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm miến dong đảm bảo đa dạng về chủng loại, giúp cho việc nhận dạng hình ảnh thương hiệu đặc trưng; hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở đổi mới áp dụng công nghệ hỗ trợ như: Nhà kho, sơ chế đóng gói, máy móc, thiết bị trong chế biến, bảo quản sản phẩm mang thương hiệu nông sản. Ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết tiêu thụ nông sản với người nông dân trồng dong riềng ổn định; mở rộng và nâng cao diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, khuyến khích áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguồn gốc sản phẩm miến dong; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến một cách đồng bộ từ khâu quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vận chuyển bảo quản, chế biến

UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có đủ điều kiện để công nhận làng nghề theo quy định của Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn tiến hành lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận làng nghề sản xuất miến dong; thống nhất đặt tên thương hiệu cho các làng nghề, thiết kế lôgô, đăng kí thương hiệu, tư vấn về xây dựng và quản lý thương hiệu; giúp các làng nghề và cơ sở kinh doanh phát triển website thương mại điện tử. Phấn đấu năm 2020, thành lập Hiệp hội miến dong Bắc Kạn nhằm nâng cao ý thức người sản xuất về đảm bảo chất lượng, uy tín của sản phẩm miến dong và trao đổi thông tin về sản xuất, thị trường, nâng cao thương hiệu miến dong Bắc Kạn.

          Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn, nguồn gốc xuất xứ miến dong lưu thông trên thị trường và việc chấp hành các quy định của pháp luật, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh miến dong Bắc Kạn./.

                                                                   Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005154
Views Today : 197
Views This Month : 2233
Views This Year : 10141
Total views : 70681
Language
Skip to content