Bắc Kạn tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm phía Đông Bắc Bộ, có diện tích tự nhiên 4.859,4 km2, có 8 đơn vị hành chính gồm 7 huyện, 1 thành phố với 122 xã, phường, thị trấn; dân số 322.189 người, gồm 7 dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa, Sán chí) cùng sinh sống.

Hiện toàn tỉnh có 747 công đoàn cơ sở (trong đó 734 công đoàn cơ sở trực thuộc tỉnh, 13 công đoàn cơ sở trực thuộc ngành Trung ương đóng trên địa bàn), 25.268 công nhân viên chức lao động (khu vực hành chính sự nghiệp có 13.371 người, khu vực sản xuất kinh doanh 11.897 người), 20.948 đoàn viên công đoàn. Trong những năm qua cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các công ty, doanh nghiệp, lực lượng đoàn viên công đoàn hiện nay so với năm 2008 tăng 3.439 đoàn viên công đoàn, 37 công đoàn cơ sở. Chất lượng đội ngũ đoàn viên, công nhân viên chức lao động từng bước được nâng lên, trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ gần 50%. Đại bộ phận cán bộ công chức, viên chức được đào tạo cơ bản về chuyên môn, có trình độ lý luận và giác ngộ chính trị, có năng lực và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chất lượng công nhân lao động cũng có chuyển biến, từng bước hình thành đội ngũ công nhân tri thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức lao động về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước từng bước được nâng lên. Công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp đến công nhân, viên chức, người lao động được thực hiện đầy đủ, kịp thời hơn; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động từng bước được nâng cao; công tác phát triển đảng viên, đoàn viên trong công nhân lao động được coi trọng hơn; tổ chức công đoàn ngày càng được củng cố và phát triển vững mạnh, có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, trở thành chỗ dựa tin cậy của đoàn viên công đoàn và người lao động. Đội ngũ công nhân luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp cách mạng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

– Thứ nhất, về công tác chăm lo, tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho công nhân, người lao động:

Công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động luôn được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã lập quy hoạch xây dựng đề án các khu công nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển đô thị trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở, từng bước cải thiện nâng cao đời sống cho công nhân, người lao động. Các sở, ngành liên quan phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với công nhân, viên chức lao động, điển hình là việc thực hiện mức lương tối thiểu tăng theo lộ trình của Chính phủ, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp… tại các sở, ban, ngành, các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về lao động như xây dựng thang bảng lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, mức tiền ăn giữa ca, thực hiện an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ;

Các cấp công đoàn thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tích cực thăm nắm tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân, viên chức, người lao động. Ưu tiên xây dựng nhà công vụ cho đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động, trợ cấp khó khăn đối với công nhân, viên chức, người lao động có mức lương dưới 3.0, tham gia với các cơ quan chức năng đôn đốc thu nợ bảo hiểm xã hội tại 343 đơn vị, doanh nghiệp và sau đốc thu có 161 đơn vị, doanh nghiệp nộp với tổng số tiền 18,687 tỷ đồng. Các cấp công đoàn tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6), tết Trung thu; triển khai các chương trình “Mái ấm công đoàn”, cho vay vốn từ quỹ “Vì nữ công nhân, người lao động nghèo”… qua đó đã động viên kịp thời và góp phần làm giảm bớt những khó khăn đối với công nhân và người lao động. Hằng năm các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động theo quy định, người lao động trong các doanh nghiệp đã được tham gia ý kiến xây dựng kế hoạch hoạt động, quy chế, nội quy của đơn vị; các công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết kịp thời những bất cập đối với người lao động, hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động. Theo đó, 10 năm qua đã có 231 lượt doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, đạt bình quân 49,57%/năm (trong đó có 5/5 doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị người lao động, đạt 100%).

– Thứ hai, về công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn cho đội ngũ công nhân: Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm đến công tác quy hoạch và xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đơn vị, địa phương. Trọng tâm là phát triển đội ngũ công nhân, viên chức được đào tạo nghề và có trình độ chuyên môn cơ bản để đáp ứng với yêu cầu vị trí việc làm, đặc biệt quan tâm đến đối tượng công nhân xuất thân từ nông thôn, công nhân là nữ. Với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác xã hội hoá giáo dục, đào tạo nghề đã từng bước được mở rộng[1]; các hình thức đào tạo đa dạng đã thu hút hàng nghìn người học nghề, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ; cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo được đầu tư xây dựng, chất lượng đào tạo được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ của công nhân, viên chức lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề của công nhân, viên chức lao động ngày càng được nâng lên, đến nay trên địa bàn tỉnh có 13 tiến sĩ, 724 thạc sĩ, 14.757 trình độ đại học, 25 chuyên viên cao cấp, 711 chuyên viên chính, 496 thợ bậc 4 trở lên. Cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được đào tạo cơ bản về học vấn, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện Phong trào “Học tập nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”, Chương trình “Nâng cao trình độ kỹ năng, nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” gắn với Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”, Đề án “Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020” được các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan chuyên môn tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, tin học, ngoại ngữ… đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, học vấn cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới[2].

 -Thứ ba, về công tác bồi dưỡng, giáo dục nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, trình độ chính trị, tinh thần dân tộc: Công tác giáo dục truyền thống yêu nước được các cấp công đoàn tuyên truyền thông qua kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh bằng những hình thức như: Tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tọa đàm thu hút được nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia. Triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cấp công đoàn đã nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt triển khai đầy đủ các chuyên đề theo từng năm, sau học tập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đảng viên viết bài thu hoạch phù hợp với nhiệm vụ được giao theo từng tiêu chí, lĩnh vực cụ thể và trong năm có kiểm điểm đánh giá việc làm theo Bác[3]. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho công nhân, viên chức, người lao động thông qua các lớp bồi dưỡng, hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, xây dựng phóng sự, bản tin đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng…[4] Qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, lòng yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

– Thứ tư, về công tác tổ chức xây dựng cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp: Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng trong công nhân viên chức lao động luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong 10 năm qua, các tổ chức công đoàn đã giới thiệu được 4.702 đoàn viên ưu tú cho cấp ủy xem xét và đã kết nạp được 4.145 đảng viên, trong đó có 360 công nhân lao động trực tiếp sản xuất.

– Thứ năm, về công tác xây dựng tổ chức công đoàn:

Trong những năm qua, hoạt động của tổ chức công đoàn trong các loại hình đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động và đạt một số kết quả tích cực. Công đoàn các cấp đã tổ chức được nhiều phong trào thi đua trong công tác và lao động như: Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo với mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả”; phong trào “Thực hành tiết kiệm chống tham nhũng, lãng phí, chống các tệ nạn xã hội”; phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… Đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp luôn được kiện toàn, bổ sung và thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt bổ nhiệm cán bộ làm công tác đoàn thể luôn được các đơn vị, địa phương quan tâm; tăng cường công tác tuyên truyền củng cố, phát triển các tổ chức đoàn thể tại công ty, doanh nghiệp là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, sự nỗ lực của bản thân mỗi người lao động và sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Các cấp công đoàn thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở và đội ngũ cán bộ công đoàn; thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh[5].

Thứ sáu, về kết quả triển khai các phong trào thi đua:

Với phong trào thi đua “Học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, các cấp công đoàn đã phối hợp với người sử dụng lao động tạo điều kiện cho người lao động tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức thi nâng cao tay nghề, tham gia các hội thi chuyên ngành… kết quả 10 năm quan có 88.986 lượt công nhân viên chức, người lao động được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, lý luận chính trị[6];

Với phong trào thi đua “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống các tệ nạn xã hội”, các đơn vị phát động phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, người lao động; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, làm căn cứ cho việc tiết kiệm chi thông qua những việc làm cụ thể. Kinh phí hằng năm tiết kiệm được hỗ trợ cho người lao động, tạo cho người lao động có ý thức thực hành tiết kiệm, sử dụng vật tư, thiết bị phục vụ công tác đạt hiệu quả. Tuyên truyền, vận động người lao động tham gia đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, các tệ nạn xã hội, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, bình quân đạt 77%;

Phong trào “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”: Các cấp công đoàn phối hợp triển khai các văn bản pháp luật về an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện luật pháp, chính sách, chế độ bảo hiểm lao động, các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; phối hợp tổ chức tập huấn, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động… Kết quả, các cấp công đoàn đã phối hợp kiểm tra, giám sát được 181 cuộc tại 348 đơn vị, doanh nghiệp; phối hợp tổ chức được 131 lớp tập huấn, cho 9.264 lượt công nhân, người lao động;

Phong trào “Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn” gắn với phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” được các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều đề tài, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật của công nhân, người lao động đã giúp bà con nông dân thực hiện đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Các cơ quan, đơn vị được giao giúp đỡ các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới đã xây dựng kế hoạch thực hiện với khá nhiều nội dung như: Giúp đỡ cơ sở vật chất phục vụ xây dựng các công trình, nhà ở, sinh hoạt, lao động, học tập; đóng góp, ủng hộ bằng ngày công lao động đối với các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, môi trường; tập huấn, hướng dẫn các nội dung chuyên môn liên quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, huy động sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng và mỗi người dân nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW là quan trọng, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả. Nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động và các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã được nâng lên; các cấp ủy, chính quyền đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng lớn mạnh. Phát huy truyền thống yêu nước, lao động sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, đội ngũ công nhân luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp cách mạng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Các cấp công đoàn kịp thời biểu dương, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong các phong trào thi đua. Cụ thể, 10 năm qua đã có 1.875 đề tài sáng kiến; 48 công trình sản phẩm chất lượng cao với tổng trị giá 202,362 tỷ đồng được triển khai thực hiện. Thực hiện công tác thi đua khen thưởng, các cấp, các ngành đã động viên kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất kinh doanh góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương[7]. Công tác thi đua khen thưởng đã động viên kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Vinh danh tập thể, cá nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo đã khuyến khích được việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

–  Tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Chương trình hành động số 12- CTr/TU ngày 17/5/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy  nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công nhân lao động và toàn xã hội về vị trí, vai trò giai cấp công nhân và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với việc xây dựng đội ngũ công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

– Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở nhằm đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động; giải quyết kịp thời những bức xúc trong công nhân như đảm bảo việc làm, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…;

–  Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động; làm tốt công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp. Chủ động nghiên cứu, tham gia đề xuất với chính quyền các cấp về các chính sách, pháp luật có liên quan tới quyền, nghĩa vụ của công nhân và tổ chức công đoàn. Đẩy mạnh công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị;

–  Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho đội ngũ công nhân góp phần nâng cao chất lượng giai cấp công nhân. Đặc biệt, chú trọng giáo dục chính trị, chính sách pháp luật, tác phong công nghiệp trong đội ngũ công nhân, người lao động;

– Tiếp tục đẩy mạnh phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, trọng tâm là ở các doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở;

–  Đa dạng hoá các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục trong công nhân, viên chức, người lao động, phát huy những phương pháp tuyên truyền có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, khu vực vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khó tiếp cận được nghiên cứu, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của tổ chức công đoàn;

–  Tập trung đầu tư các nguồn lực phát triển kinh tế, gắn với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng.

Hoàng Huyền (Sở Công Thương)

[1] Trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở đào tạo nghề (trường Cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Kạn) với nhiều ngành đào tạo như: Sửa chữa máy động lực nhỏ, xây dựng, điện tử dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm thô, khai thác mỏ, hầm lò, sửa chữa điện dân dụng, luyện gang, công nhân kỹ thuật cầu đường…

[2] Kết quả, có 88.986 lượt công nhân, viên chức, người lao động được đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, lý luận chính trị. Trong đó: có 970 công nhân, viên chức, người lao động được đào tạo trình độ đại học, trên đại hoc; 10.114 lượt công nhân lao động được đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp; 919 công nhân thi nâng cao tay nghề; 632 công nhân, viên chức, người lao động nâng cao trình độ học vấn; 76.351 lượt công nhân, viên chức, người lao động được học tập nâng cao hiểu biết về chính trị, pháp luật.

[3] Triển khai thực hiện cuộc vận động các cấp công đoàn đã tổ chức phối hợp mở được 2.597 lớp cho 96.785 lượt đoàn viên, công nhân viên chức lao động học tập theo các chuyên đề.

[4] Trong thời gian qua các cấp công đoàn đã tổ chức được 1.159 cuộc tuyên truyền, có 98.023 lượt công nhân viên chức lao động tham gia. Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn đăng tải 120 chuyên mục về “Lao động và Công đoàn”. Phát hành 36.000 bản tin, 700 cuốn “lịch sử phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn”, cấp phát 1.400 bộ tài liệu và 17.815 tờ rơi.

[5] Trong 10 năm qua, các cấp công đoàn đã kết nạp mới được 6.631 đoàn viên, thành lập mới 35 công công đoàn cơ sở; đào tạo cán bộ công đoàn chuyên trách 356 lượt; bồi dưỡng 11.288 lượt cán bộ công đoàn không chuyên trách; có 5.456 lượt công đoàn cơ sở thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước đạt vững mạnh; có 168 lượt công đoàn cơ sở ngoài nhà nước đạt vững mạnh; có 10 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xếp loại tốt. Hằng năm, các tổ chức công đoàn đều đánh giá, xếp loại đoàn viên công đoàn theo quy định và có khen thưởng đối với đoàn viên xuất sắc tiêu biểu.

[6] Có 970 công nhân, viên chức, người lao động được đào tạo trình độ đại học, trên đại học; 10.114 lượt người lao động được đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp; 919 công nhân, người lao động được thi nâng cao tay nghề; 632 công nhân, viên được nâng cao trình độ học vấn; 76.351 lượt công nhân, người lao động được học tập nâng cao hiểu biết về chính trị, pháp luật.

[7] Trong 10 năm qua đã có 143 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động; 32 tập thể được Chính phủ tặng Cờ thi đua; 158 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 6.927 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua các cấp. Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng 96 Cờ thi đua xuất sắc; 2.652 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 19 Cờ thi đua xuất sắc toàn diện và cờ chuyên đề, 8 cá nhân được tặng Bằng lao động sáng tạo; 327 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn”; 132 Bằng khen cho tập thể và cá nhân. Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh tặng 34 Cờ cho các tập thể, tặng 1.294 Bằng khen cho tập thể và cá nhân; có 1.140 lượt tập thể Lao động xuất sắc, 2.248 lượt công đoàn cơ sở vững mạnh, 53.417 lượt đoàn viên công đoàn xuất sắc.




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 80
Views This Month : 3743
Views This Year : 11651
Total views : 72191
Language
Skip to content