Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Thực hiện Kế hoạch số 657/KH-BCT ngày 03/2/2020 của Bộ Công Thương triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương năm 2020; Quyết định số 2389/QĐ-BCT ngày 08/9/2020 của Bộ Công Thương về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, ngày 24/9/2020, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương do bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra về công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương tại Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn.

Trong đó, đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra công tác quản lý nhà nước về triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Kế hoạch số 657/KH-BCT ngày 03/2/2020 của Bộ Công Thương, nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, hậu kiểm tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý; triển khai thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 và trong dịp Tết Trung thu năm 2020; kiểm tra việc thực hiện lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm theo quy định; triển khai Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Cụ thể, trong thời gian qua, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý như: Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, phâm cấp, hướng dẫn về công tác quản lý nhà nước về ATTP thuộc phạm vi quản lý; tăng cường triển khai công tác ATTP các dịp lễ, tết trong năm; triển khai, hướng dẫn thực hiện các văn bản có liên quan về ATTP theo quy định hiện hành; kịp thời tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất các nội dung về ATTP thuộc phạm vi quản lý; chủ động phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh, các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh; thực hiện Chương trình phối hợp giám sát và vận động thực hiện ATTP theo Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và triển khai Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Trong đó, trong 9 tháng đầu năm 2020, Sở Công Thương tiếp nhận và giải quyết 05 hồ sơ đề nghị xác nhận kiến thức về ATTP (trước thời điểm Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ có hiệu lực) và cấp 10 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Theo phân cấp quản lý tại Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND ngày 20/11/2019 của UBND tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn các huyện đã cấp 34 giấy xác nhận kiến thức về ATTP và đã tiếp nhận 17 bản cam kết ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và các sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm do các cơ sở nêu trên trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất rượu thủ công và các sản phẩm chế biến bột (bún, miến, phở…) trên địa thành phố Bắc Kạn, các huyện: Chợ Mới, Bạch Thông, Ngân Sơn. Tổng số cơ sở kiểm tra 34 đơn vị, trong đó: Sản xuất rượu thủ công: 24 cơ sở, sản xuất bánh mì, bánh ngọt: 03 cơ sở; sản xuất bún, phở (tươi, khô): 04 cơ sở; kinh doanh thực phẩm: 03 cơ sở, test nhanh hàm lượng methanol trong rượu đối với 24 mẫu rượu kết quả âm tính; lấy mẫu kiểm nghiệm 22 mẫu thực phẩm.

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực Công Thương luôn được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời sát sao của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và sự phối hợp hoạt động chặt chẽ, đồng bộ của các ngành chức năng, chính quyền cấp cơ sở nên công tác quản lý, triển khai thực hiện đảm bảo ATTP có nhiều thuận lợi, phát huy hiệu quả quan trọng trong đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội. Do đó, ý thức chấp hành các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh đã dần được nâng cao và đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân. Trong quá trình theo dõi, chưa có vụ ngộ độc thực phẩm phát sinh trong phạm vi quản lý. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được triển khai thường xuyên, hiệu quả; thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở và ký cam kết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có chuyển biến tích cực trong chấp hành chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP.

Tuy nhiên, do các văn bản có liên quan về lĩnh vực ATTP với số lượng lớn, nhiều sự thay đổi, khả năng tiếp cận quy định pháp luật của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, nên việc cập nhật và chấp hành các quy định pháp luật còn nhiều khó khăn; số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhiều và thường xuyên biến động, phần lớn quy mô nhỏ lẻ, manh mún, cá nhân/hộ gia đình là chủ yếu, một số lớn sản xuất, kinh doanh mang tính thời vụ nên việc kiểm soát và cải thiện và chấp hành các điều kiện bảo đảm ATTP gặp nhiều khó khăn; cán bộ phụ trách quản lý nhà nước lĩnh vực ATTP của Sở Công Thương không có chuyên môn nghiệp vụ, chuyên ngành liên quan về ATTP; đặc biệt về công tác lấy mẫu thực phẩm,… nên trong công tác quản lý đôi khi hiệu quả chưa cao, công tác bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng làm công tác này còn thiếu; kinh phí cho thực hiện công tác QLNN về ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành còn rất hạn chế, chủ yếu từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; điều kiện về trang bị kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý hầu như chưa có, như test nhanh (foocmon, hàn the, methanol) và chi phí kiểm nghiệm thực phẩm.Tại nhiều địa phương, việc triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP từ cấp huyện xuống cấp xã chưa hiệu quả, thông tin trao đổi chưa kịp thời nên khó khăn trong việc thăm nắm thông tin về hoạt động ATTP tại cơ sở, đặc biệt đối với thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương tại cấp xã chưa có quy định thống nhất giao cho lĩnh vực nào phụ trách nên thiếu sự đồng bộ, hạn chế trong phối hợp quản lý nhà nước về ATTP.

Với những kết quả đã đạt được, Đoàn kiểm tra đã đánh giá cao nỗ lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP của Sở Công Thương Bắc Kạn; tiếp nhận, ghi nhận các đề xuất kiến nghị của Sở để chủ động tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Triệu Thanh Hoa  


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 157
Views This Month : 2673
Views This Year : 10581
Total views : 71121
Language
Skip to content