Công tác phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020

Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như thương mại điện tử của tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành; cho đến nay, mạng  lưới công nghệ thông tin (Internet) của tỉnh đã phủ đến 100% xã, phường; đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh rất hiệu quả (như truyền hình trực tuyến, sử dụng hồ sơ công việc đồng bộ trên toàn tỉnh góp phần giải quyết công việc nhanh chóng, giảm thiểu giấy tờ, tiết kiệm chi phí …).

Trên cơ sở thực tế phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn, nhu cầu và xu hướng ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc ứng dụng thương mại điện tử trong các cơ quan quản lý nhà nước đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng các điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ hội nhập. Thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định 07/2015/QĐ-TTg ngày 02/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý và thực hiện chương trình thương mại điện tử quốc gia và Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 1119/QĐ-UBND ngày 30/7/2015 về việc ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020, trong đó, UBND tỉnh giao cho Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai Kế hoạch trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Sở Công Thương xây dự toán kinh phí, kế hoạch triển khai thực hiện đồng thời xây dựng Đề án thương mại điện tử thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 – 2020 trình Bộ Công Thương. Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn và triển khai Đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia đã đạt được một số kết quả nhất định.

Công tác phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020

Hàng năm, Sở Công Thương triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về vai trò, lợi ích, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển thương mại điện tử trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Tuyên truyền rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân về hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và đăng ký website thương mại điện tử nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, khai thác, vận dụng thương mại điện tử trong công việc, áp dụng vào thực tiễn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vốn, nguồn nhân lực, xây dựng và sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm tin học trong quản lý doanh nghiệp theo định hướng phát triển thương mại điện tử.  Năm 2017, 2018 phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương mỗi năm tổ chức 01 lớp tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan và các kiến thức về thương mại điện tử đến cán bộ quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Năm 2017, hỗ trợ được hai đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng hai phần mềm quản lý doanh nghiệp. Đến nay phần mềm đang được các doanh nghiệp áp dụng thực hiện vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, góp phần quản lý doanh nghiệp một cách khoa học và tiết kiệm thời gian, chi phí. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên mục thương mại điện tử.

Ngoài ra phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện in tờ rơi, băng rôn tuyên truyền về thương mại điện tử đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hàng tháng tuyên truyền các nội dung về thương mại điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Sở.

Công tác phát triển thương mại điện tử theo Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2016-2020

Thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định 07/2015/QĐ-TTg ngày 02/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành quy chế quản lý và thực hiện chương trình thương mại điện tử quốc gia, Sở Công Thương đã xây dựng đề án thương mại điện tử trình Bộ Công Thương xem xét, được phê duyệt và đã thực hiện xong 04 đề án, như sau:

 – Tên đề án 1: Ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực công thương tỉnh Bắc Kạn.

– Tên đề án 2: Tuyên truyền kiến thức pháp luật về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

– Tên đề án 3: Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu Công nghiệp và Thương mại tỉnh Bắc Kạn.

– Tên đề án 4: Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn xúc tiến bán hàng online bằng phương thức tiếp thị đa kênh.

Thương mại điện tử là hình thức giao dịch thương mại hiện đại, mới mẻ và mới phát triển tại Việt Nam mấy năm gần đây. Đa số doanh nghiệp của tỉnh Bắc Kạn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thức về tầm quan trọng của thương mại điện tử còn nhiều hạn chế; giao dịch mua bán, giới thiệu hàng hoá chủ yếu thông qua giao dịch trực tiếp truyền thống. Một số doanh nghiệp tuy nhận thấy thương mại điện tử thực sự cần thiết, nhưng còn lúng túng trong việc triển khai và nguồn tài chính dành đầu tư cho công nghệ thông tin vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; cán bộ kỹ thuật có trình độ công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp vừa thiếu lại vừa yếu. Nhiều doanh nghiệp của địa phương chưa trang bị hạ tầng công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn những hạn chế về số lượng, chất lượng và dung lượng; nguồn nhân lực và công tác đào tạo nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập vừa thiếu, vừa yếu về trình độ chuyên môn, hầu như trong các cơ quan và doanh nghiệp nguồn nhân lực chưa qua đào tạo là chủ yếu. Một số doanh nghiệp có trang Website nhưng chủ yếu hoạt động dưới dạng giới thiệu hoạt động của doanh nghiệp, còn mức độ ứng dụng để giao dịch mua bán hàng hoá còn thấp, chưa chú trọng đến quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Những phần mềm sử dụng cho giao dịch thương mại điện tử chưa được xây dựng hoặc mua sắm dẫn đến chưa có sự giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (dạng B2B) và doanh nghiệp và người tiêu dùng (dạng B2C). Một số nhiệm vụ không thực hiện do nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp.

Để thực hiện tốt việc ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

Một là, sớm xây dựng Đề án đầu tư, phát triển ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn toàn quốc để triển khai các nội dung về thương mại điện tử theo chủ trương chung của Nhà nước;

Hai là, tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng đề án phát triển thương mại điện tử và phát triển những phần mềm ứng dụng dùng chung cơ bản sử dụng trong các cơ quan nhà nước; đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin cho các đơn vị;

Ba là, hỗ trợ tốt các hoạt động triển khai ứng dụng thương mại điện tử, nhất là phổ biến kiến thức cho người dân và doanh nghiệp; quan tâm hơn tới công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về thương mại điện tử cho đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương;

Bốn là, có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với những cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về thương mại điện tử trong các cơ quan hành chính để khuyến khích đội ngũ này tích cực làm việc có hiệu quả./.

Kim Oanh (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 74
Views This Month : 3737
Views This Year : 11645
Total views : 72185
Language
Skip to content