Gia nhập CPTPP: Việt Nam có lợi thế rất lớn ở lộ trình cắt giảm thuế

Hiệp định CPTPP có hiệu lực, nhiều nước phải dành tỷ lệ cắt giảm các dòng thuế rất cao, có những nước lên tới 95%. Trong khi Việt Nam chỉ phải cắt giảm ngay lập tức là 66%, 3 năm sau mới nâng lên 86%, có nhiều mặt hàng Việt Nam được quyền bảo lưu đến sau 10 năm

Thách thức nguồn gốc nguyên liệu

Báo cáo thuyết minh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối, chiếm 13,5% GDP toàn cầu, gồm cả Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Ngoài ra, việc có quan hệ FTA (hiệp định thương mại tự do) với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế, đồng thời thu hút được nhiều hơn dòng vốn FDI. Đánh giá, điều tích cực lớn nhất là thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được mở rộng. Việt Nam đang có những sản phẩm có thế mạnh và sức cạnh tranh tốt cho thị trường này, như ngành da giày, dệt may, đồ gỗ.

Một lợi thế nữa là hiệp định này có hiệu lực, các nước khác sẽ phải dành tỷ lệ cắt giảm các dòng thuế rất cao, có những nước lên tới 95%, thấp nhất như Mexico cũng tới 77,2%. Trong khi Việt Nam chỉ phải cắt giảm ngay lập tức là 66%, 3 năm sau mới nâng lên 86%, có nhiều mặt hàng Việt Nam được quyền bảo lưu đến sau 10 năm. Điều này cho thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội và thời gian để thay đổi mô hình sản xuất trong nước, nâng cao trình độ về công nghệ, năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, “sân chơi” này có một số thách thức, thậm chí với những mặt hàng Việt Nam đang coi là thế mạnh. Cụ thể, trong CPTPP có nguyên tắc 1 đổi 1. Muốn xuất khẩu sản phẩm sang một nước trong khối thì nguồn gốc nguyên liệu đầu vào phải sử dụng trong khối. Còn nếu sử dụng nguyên liệu ngoài khối thì chỉ được quyền xuất khẩu 1 sản phẩm trong khối và 1 sản phẩm ngoài khối.

Do đó, nếu chúng ta không thay đổi một số ngành đang được nhìn nhận là thế mạnh như dệt may, da giày thì sẽ không nắm bắt được cơ hội với CPTPP. Vì nguồn nguyên liệu hiện nay của Việt Nam chủ yếu phải nhập từ các nước ngoài khối. Đây chính là thách thức lớn nhất với Việt Nam.

Biến thách thức thành cơ hội

Tuy nhiên, cũng chính từ thách thức này lại tạo ra một cơ hội khác cho Việt Nam, khiến Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư để tạo ra những doanh nghiệp sản xuất các nguyên liệu nhằm tạo ra chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm đó trong nước mà không phải nhập từ bên ngoài. Đây là cơ hội giúp Việt Nam thay đổi cơ cấu sản xuất trong nước, vì hiện nay chúng ta đang gia công là chính, tức nằm ở phân khúc có giá trị gia tăng thấp. Nếu thu hút được các nhà đầu tư vào sản xuất ngay từ công đoạn đầu tiên thì hoạt động sản xuất trong nước sẽ cùng tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi, khi đó giá trị gia tăng sẽ tăng lên.

Theo một số chuyên gia khuyến cáo, nếu không làm tốt khâu thu hút đầu tư nước ngoài thì chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu không nằm trong khối. “Không cẩn thận sẽ vấp phải nguy cơ bị hàng Trung Quốc “tuồn” sang Việt Nam nhưng dán mác, “đội lốt” hàng Việt Nam. Điều này rất nguy hiểm vì đã vi phạm vào các thỏa thuận trong CPTPP, khi đó thậm chí không được xuất khẩu mà còn có thể bị trừng phạt.

Ngoài ra, việc tham gia CPTPP cũng là động lực để chúng ta cải cách thể chế, vì trong CPTPP có những cam kết về minh bạch hóa và phòng chống tham nhũng. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi ích và cơ hội theo 3 cái lợi như mở rộng thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh trên thế giới; thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài và khoa học công nghệ hiện đại. Trong 11 nước tham gia CPTPP thì Việt Nam nước có nền kinh tế yếu nhất; do đó, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro thách thức để có phương án chủ động, hạn chế thấp nhất rủi ro.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chú trọng hơn vào nghiên cứu thị trường, mạnh dạn hơn trong kết nối, chủ động ra bên ngoài khảo sát thị trường quốc tế, ứng dụng thương mại điện tử vào việc phát triển thị trường. Thị trường quốc tế có rào cản kỹ thuật cao nhưng cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam có một thị trường ổn định và giá trị gia tăng cao.

                                                                          Mai Hùng (Sưu tầm)

 


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005165
Views Today : 175
Views This Month : 3635
Views This Year : 11543
Total views : 72083
Language
Skip to content