Hiệu quả từ chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt  và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa sâu sắc, mang tầm quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất, ưu tiên dùng hàng hóa sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, hơn lúc nào hết, triển khai Cuộc vận động là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm qua, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ là cầu nối, mà chương trình còn tạo nên hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp và phía người tiêu dùng, nó đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần rất lớn vào thành công chung của Cuộc vận động này.

Cuộc vận động đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời nâng cao được ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu Việt. Từ đó, các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước có thể nâng cao được vị thế, giá thành phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần quan trọng trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là vận động mọi tổ chức, cá nhân người Việt dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập từ nước ngoài có chất lượng, giá cả tương đương; nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây không phải là hành vi phân biệt đối xử đối với sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài mà là nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao ý thức phát triển sản xuất kinh doanh hàng nội địa, đóng góp cho ngân sách nước nhà.

Những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Kạn thực hiện triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi vùng cao trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực, dần làm thay đổi thói quen và nhận thức của người tiêu dùng trong tỉnh ưu tiên lựa chọn dùng hàng Việt, đặc biệt là người dân ở các huyện vùng cao. Từ năm 2015 – 2020, Trung tâm đã tổ chức được 21 Phiên chợ. Quy mô mỗi Phiên chợ 24 gian hàng cùng 12 doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm, bao gồm các mặt hàng: chăn, ga các loại; quần, áo Complete; đồ may mặc; hóa mỹ phẩm thiên nhiên, chất tẩy rửa an toàn; giày, dép da; đồ gia dụng; sách vở, đồ dùng học tập và các loại giống cây trồng .v.v.…, là mặt hàng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Phiên chợ đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân trong vùng đến tham quan mua sắm và tìm hiểu về sản phẩm. Đây là dịp để các doanh nghiệp nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, sức mua của người dân khu vực miền núi, để từ đó đưa ra được những chiến lược kinh doanh phù hợp hơn; đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có điều kiện học tập kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường, phát triển đại lý, mở rộng hợp tác sản xuất kinh doanh, tạo đà thúc đẩy phát triển KT- XH của địa phương.

Để tổ chức được một phiên chợ diễn ra thành công tốt đẹp, Trung tâm ngay từ những tháng đầu của năm mới đã đi đến các huyện khảo sát tìm địa điểm phù hợp để tổ chức. Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Phiên chợ, vì vậy Trung tâm đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức: treo băng rôn tại các tuyến đường liên thôn, liên xã nơi diễn ra Phiên chợ; tuyên truyền, quảng cáo trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh, trên Báo Bắc Kạn và tuyên truyền trên xe loa đến tận các thôn, bản để người dân có thể tìm hiểu và nắm được thông tin.

Trước đây mặt hàng tham gia phiên chợ chủ yếu là quần áo và một số đồ gia dụng, đến nay các mặt hàng đã đa dạng hơn về chủng loại, sản phẩm phong phú đạt chất lượng tốt. Về phía doanh nghiệp sau nhiều năm tham gia phiên chợ cũng đã nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng tiêu dùng nên các mặt hàng đã được cải tiến về mẫu mã, sản xuất ra nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người dân miền núi, vùng cao. Đồng thời, Cuộc vận động “Người Việt Na

ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đã có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống hàng ngày, thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng dần thay đổi, ưu tiên lựa chọn sử dụng hàng Việt ngày càng nhiều.

     (Ảnh: Khai mạc phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng cao tỉnh Bắc Kạn năm 2020)

Khi đất nước ngày càng phát triển thì công tác an sinh xã hội càng được quan tâm, nó thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta từ đời cha ông để lại. Với thông điệp cho đi là còn mãi, trao yêu thương để nhận mầm hạnh phúc; một ý nghĩ nhân văn sẽ tạo nên một hành động đẹp, xin cảm ơn các doanh nghiệp những năm qua đã đồng hành cùng Trung tâm tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi vùng cao cùng sẻ chia, quan tâm sâu sắc đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các em học sinh nghèo vượt khó, có ý chí vươn lên đạt được thành tích cao trong học tập, đã ủng hộ 220 suất quà như một niềm động viên an ủi, để thấy rằng dù cuộc sống còn nhiều điều cần phải quan tâm lo lắng nhưng trong mỗi chúng ta không có ai bị bỏ lại phía sau.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó Chương trình đưa hàng Việt về miền núi vùng cao đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nó không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực miền núi, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước. Người dân còn có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao, do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng nhập ngoại được bày bán trôi nổi trên thị trường.

Có thể nói, Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi vùng cao của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và các địa phương khác trên địa bàn cả nước nói chung đã mang lại những hiệu ứng tích cực, đã đưa được nhiều loại sản phẩm thiết yếu của  doanh nghiệp sản xuất trong nước đến gần với người tiêu dùng vùng cao hơn. Tuy nhiên, ngoài những thành công đã đạt được thì cũng còn không ít những hạn chế, như: những Phiên chợ hay các chuyến hàng Việt về nông thôn vẫn còn chưa được như mong muốn do thời gian diễn ra còn ngắn và không cố định; tại các chợ của địa phương vẫn còn có đại lý bày bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí còn có cả hàng giả, hàng nhái. Bản thân doanh nghiệp khi tham gia Chương trình đưa hàng Việt về miền núi vùng cao cũng vấp phải không ít khó khăn, phần lớn kinh phí thực hiện đều do doanh nghiệp tự trang trải. Chưa kể đến, do tình hình kinh tế không ổn định, thu nhập giảm sút, cho nên sức mua của người dân cũng không nhiều.

Hiệu quả của Phiên chợ hàng Việt về vùng cao là rất rõ, nhưng để người tiêu dùng trong nước thật sự tin tưởng và gắn bó với hàng Việt, rất cần một chiến lược dài hơi, đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt. Bởi  mục đích chính không chỉ là số lượng hàng được bán tại chỗ, mà là tạo cơ hội cho hàng Việt Nam đứng vững trên thị trường nội địa; các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành ổn định, nhằm bảo vệ hỗ trợ người tiêu dùng. Cùng với những giải pháp thiết thực trong công tác phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính  cho các doanh nghiệp phát triển những điểm bán cố định tại địa phương và để các nhà phân phối mở rộng kinh doanh ở khu vực miền núi.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm trong năm 2021 không thể không kể đến chương trình đưa hàng Việt về miền núi vùng cao. Để đưa những Phiên chợ hàng Việt có chất lượng về vùng cao trong những năm tiếp theo, Trung tâm sẽ tiếp tục cùng các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền vận động thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường công tác tổ chức các điểm bán hàng lưu động về bản làng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với hàng Việt. Phối hợp với các sở nghành bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng Việt; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng nhái, đặc biệt chú trọng đến thị trường miền núi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho hàng Việt./.

                                                             Hoàng Loan – TTKC&XTTM




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005556
Views Today : 130
Views This Month : 1348
Views This Year : 13492
Total views : 115790
Language
Skip to content