Kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường 6 tháng đầu năm và giải pháp 6 tháng cuối 2019

Thị trường 6 tháng đầu năm 2019 khá sôi động do có các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các hoạt động lễ hội khác. Hàng hoá đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng, nguồn cung dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không có tình trạng đầu cơ găm hàng, đưa tin thất thiệt, tăng giá quá mức làm mất ổn định thị trường. Giá một số mặt hàng tiêu dùng tăng nhẹ trong dịp Tết, sau đó giữ mức ổn định; ngày 12/3/2019 xuất hiện ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đầu tiên tại thôn Thôm Tà, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, đến nay đã lan ra 85 xã của 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và có chiều hướng diễn biến phức tạp khó kiểm soát. Tính đến thời điểm ngày 18/6/2019, tổng số lợn mắc bệnh bị tiêu hủy là 9.500 con với trọng lượng trên 450 tấn. Giá mặt hàng lợn hơi dao động từ 29.000đ/kg đến 35.000đ/kg; Giá thịt lợn dao động từ 55.000đ/kg đến 80.000 đ/kg; hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ; sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ,  kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra trên thị trường. Các hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là các hành vi:  Kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá; kinh doanh hàng hóa vi phạm về nhãn; vận chuyển, tiêu thụ, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vi phạm các điều kiện trong kinh doanh phân bón; kinh doanh LPG và các hành vi vi phạm trong hoạt động xúc tiến thương mại; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, vi phạm các điều kiện trong bảo đảm an toàn thực phẩm như: Vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; kinh doanh thực phẩm bị bụi bẩn; người trực tiếp chế biến thức ăn không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, thức ăn ngay; kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nơi bày bán thực phẩm bị côn trùng gây hại xâm nhập; kinh doanh thực phẩm bụi bẩn, các hành vi vi phạm đã dược phát hiện và xử lý kịp thời.

Kết quả kiểm tra, xử lý: Tổng số kiểm tra: 692 lượt vụ, trong đó: Số vụ xử lý 166 vụ, với 173 hành vi  (05 vụ = 05 hành vi buôn bán hàng cấm; 30 vụ = 31 hành vi cố ý vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu; 02 vụ = 02 hành vi buôn bán hàng giả; 05 vụ = 05 hành vi không niêm yết giá; 14 vụ = 14 hành vi vi phạm trong kinh doanh;  46 vụ = 49 hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP và 64 vụ = 67 hành vi vi phạm khác); Tổng số tiền thu nộp NSNN: 702.090.000 đồng (Bảy trăm linh hai triệu, không trăm chín mươi nghìn đồng), trong đó: Tiền phạt VPHC: 562.775.000 đồng và tiền bán hàng tịch thu: 139.315.000 đồng;  Trị giá hàng tịch thu chờ bán: 152.516.000 đồng; Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy trong kỳ: 124.655.000 đồng. So với cùng kỳ năm trước: Số vụ kiểm tra giảm 123 vụ ( 15,09%); số vụ xử lý giảm 47 vụ (22%); số tiền thu nộp giảm 616.320.000 đồng (46,74%).

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa đối với mặt hàng rượu
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa đối với mặt hàng rượu

 Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Phòng PC03 Công án tình kiểm tra hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Phòng PC03 Công án tình kiểm tra hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm

Một số vụ việc điển hình: (1). Ngày 14/3/2019 Đội Quản lý thị trường số 6 nhận được tin báo của quần chúng nhân dân phản ánh về việc xe ô tô Biển kiểm soát 20C – 103.79 có vận chuyển rượu trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đang giao hàng khu vực Tổ 12, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Hàng hóa vi phạm: 740 lít rượu trắng được đựng trong 37 can nhựa, thể tích 20 lít/can không dán nhãn hàng hóa theo quy định, có giá trị 13.320.000 đồng. Chủ hàng là ông Hoàng Văn Vang, địa chỉ thường trú: Xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên không xuất trình được giấy tờ chứng minh số rượu trên. Kết quả xử lý: Xử phạt 8.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm ; (2). Ngày 29/5/2019 nhận được thông tin phản ánh Công ty cổ phần Gas Khánh Linh có trụ sở chính tại: Thôn Thố bảo, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Việt Nam; địa điểm kinh doanh: tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn có dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh khí hóa lỏng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Công ty Cổ phần Gas Khánh Linh. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ một số chai LPG các loại nhãn cùng một số máy móc, trang thiết bị khác có dấu hiệu vi phạm hành chính, hiện đang trong quá trình kiểm tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

Đội-Quản-lý-thị-trường-số-3-phối-hợp-vưới-Phòng-PC03-Công-an-tỉnh-kiểm-tra-hàng-hóa-dược-mỹ-phẩm
Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Phòng PC03 Công an tỉnh kiểm tra hàng hóa dược mỹ phẩm

 

Trong 6 tháng cuối năm 2019 là giai đoạn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; thị trường hàng hóa diễn ra sôi động phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, sức mua có chiều hướng tăng; các yếu tố thiên tai, dịch bệnh gia súc (lợn) vẫn đang xảy ra tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, việc gia tăng sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm cũng làm gia tăng nhu cầu về nguyên liệu …tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng dự báo vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, hàng hóa nhãn hiệu của tỉnh thị trường đầu ra chưa bền vững, một số bộ phận người tiêu dùng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về kỹ năng tiêu dùng, đặc biệt là nhận biết về hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng …. Theo đó, để đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và những cơ sở kinh doanh chân chính, một số giải pháp được đạt ra như sau: (1). Tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động thu thập thông tin, đánh giá tình hình thị trường cho từng thời điểm để có cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề hoặc đột xuất; (2). Tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực công tác cho công chức làm công tác quản lý địa bàn cũng như công chức các phòng chuyên môn; (3). Cập nhật thường xuyên nội dung các văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới, sửa đổi, bổ sung để áp dụng kịp thời, chính xác trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; (4). Bám sát chỉ đạo của cấp trên, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn có liên quan và các cấp chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm; (5). Thông qua công tác kiểm tra, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật trong tiêu dùng sản phẩm và kinh doanh thương mại trực tiếp đến cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng.

                   Ngôn Thị Hiền – Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005156
Views Today : 101
Views This Month : 2513
Views This Year : 10421
Total views : 70961
Language
Skip to content