Kết quả thực hiện nhiệm vụ KTXH giữa kỳ Kế hoạch 2016-2020 là tích cực, đúng hướng

Tại phiên họp thứ 28 của UBTVQH đã xem xét, đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp cho biết: Nền kinh tế nước ta trong năm 2018 và 3 năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 cơ bản gặp nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với một số khó khăn thách thức; nhất là năm 2016, thiên tai và sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế; những vấn đề quốc tế như căng thẳng địa chính trị, căng thẳng thương mại đã tạo sức ép lên điều hành chính sách vĩ mô; kiểm soát lạm phát, một số hạn chế, yếu kém của nội tại nền kinh tế tích tụ nhiều năm dần được khắc phục nhưng còn chậm so với yêu cầu.

Thực hiện Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước; quán triệt chủ trương, đường lối và chỉ đạo tại các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết chỉ đạo điều hành, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018 với 9 nhóm với 56 giải pháp và 242 nhiệm vụ cụ thể, bám sát phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, phấn đấu đạt ở mức cao và vượt các mục tiêu được Quốc hội giao.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhờ có tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế, nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực. Đến nay, năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm đã đề ra (trong đó, đã có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm). Cụ thể như:

Lạm phát được kiểm soát, liên tiếp 3 năm CPI đạt dưới 4%; điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, giữ vững ổn định tỷ giá, lãi suất, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng 17%), đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế; nợ công giảm, còn khoảng 61,4% năm 2018.

Thu ngân sách Nhà nước năm 2018 ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017, bội chi ước đạt 3,67%, cơ cấu chi đầu tư tăng, giảm chi thường xuyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội giao; trong đó, cơ cấu đầu tư khu vực tư nhân ngày càng tăng, giải ngân vốn FDI đạt khá, ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,8%. Xuất nhập khẩu tăng mạnh, cao hơn mốc kỷ lục năm 2017, ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%, trong đó xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%, cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ước đạt 40,23%, năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng cao hơn giai đoạn 2011-2015, ước đạt 5,55%.

Các ngành, lĩnh vực phát triển toàn diện, tạo động lực cho tăng trưởng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ, ước đạt 3,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 7,59%, trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng vượt bậc, liên tục ở mức 2 con số, ước đạt 12,46%; khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá, ước đạt 7,35%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục duy trì mức tăng 2 con số, ước năm 2018 tăng 10,5%-10,8%.

Cơ cấu lại nền kinh tế có bước chuyển biến tương đối rõ nét, thực chất hơn trong các ngành, lĩnh vực; tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng; cơ cấu lại đầu tư công tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn; đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia; cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước đạt kết quả khá; một số doanh nghiệp yếu kém quay trở lại hoạt động; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3%.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả quan trọng, cải cách thể chế được triển khai mạnh mẽ; cải thiện chất lượng công tác xây dựng pháp luật; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng quan trọng; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; phát triển đô thị gắn với quan tâm vấn đề nhà ở xã hội; phát triển hạ tầng điện, năng lượng theo hướng hiện đại; quy mô và chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao.

Các chính sách, chế độ đối với các đối tượng xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ; triển khai có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước còn khoảng 5,2-5,7%, giảm khoảng 1-1,5% so với cuối năm 2017 (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm trên 4%).

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước giảm còn 3,14%, cơ cấu tỷ trọng lao động trong nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm dần, còn khoảng 38,2%. Tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội…

Tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ động ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra trong giải quyết tranh chấp Biển Đông và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến lợi ích quốc gia; chủ động về lực lượng và biện pháp tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Các hoạt động đối ngoại được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực; tranh thủ tối đa cơ hội, tăng cường đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường và đan xen lợi ích phục vụ an ninh và phát triển của đất nước; phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp đầu tư quốc tế,quan tâm chỉ đạo giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài. Làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức thành công các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam, tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đã ký kết.

Các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 cơ bản được hoàn thành, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 năm của giai đoạn 2016-2020 cơ bản là tích cực và đúng hướng.

Trong những tháng còn lại, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất, không chủ quan, lơ là, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trọng tâm vào đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 01/NQ-CP; kiên định thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục các giải pháp cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư của lĩnh vực tư nhân, các tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

                                                             Mai Hùng (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005154
Views Today : 127
Views This Month : 2163
Views This Year : 10071
Total views : 70611
Language
Skip to content