Để hạn chế thiệt hại trong các vụ tranh chấp, mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.
Theo thống kê vào tháng 7/2020 của Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), đến nay, đã có 8 vụ nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam tại trọng tài quốc tế.

Theo thống kê vào tháng 7/2020 của Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), đến nay, đã có 8 vụ nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam tại trọng tài quốc tế.

Ở các bài trước, người viết đã đề cập đến việc Việt Nam đã chuẩn bị cho công cuộc phòng ngừa và phòng tránh tranh chấp đầu tư cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng cho việc giải quyết các tranh chấp đầu tư từ nhiều năm trước, cụ thể là từ năm 2016, với sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế của ngân hàng thế giới cùng với những chuyên gia độc lập đến tập huấn cho các cán bộ nguồn của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương.

Những cán bộ trực tiếp làm công tác đàm phán và các giảng viên đại học được các chuyên gia quốc tế trang bị các kiến thức nền về những điều khoản giải quyết tranh chấp đầu tư mẫu trong các điều ước và hiệp định song phương đa phương thế hệ cũ và mới, những điều kiện rào cản kỹ thuật mà mà các nhà đầu tư phải thỏa mãn, giai đoạn “cooling off” để các bên có thời gian trao đổi giải tỏa vướng mắc hoặc hòa giải những bất đồng trước khi mang vụ kiện tranh chấp đầu tư ra giải quyết tại các trung tâm hay tòa giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Các chuyên gia quốc tế cũng trao đổi kinh nghiệm các nước trong việc thiết lập hệ thống cảnh báo, tiếp nhận độc lập các khiếu nại đầu tư giai đoạn đầu, để mở một kênh đối thoại giữa nhà nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nhằm hóa giải các bất đồng.

Cùng với Bộ Tư pháp, các trường đại học như Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, trường Đại học Luật và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tham gia đào tạo các kiến thức cơ bản về tranh chấp đầu tư quốc tế bao gồm định nghĩa về đầu tư, các điều khoản mẫu trong các hiệp định, điều ước thế hệ cũ và mới cùng với các điều kiện mà nhà đầu tư phải thỏa mãn muốn kiện nhà nước Việt Nam ra các tổ chức giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Trong các cuộc tập huấn, những đối tượng tham gia tập huấn là cán bộ quản lý đầu tư, những cán bộ tham gia đàm phán đối thoại giải thích các vướng mắc cho các nhà tư khi mới manh nha những bất đồng nhỏ. Những khóa tập huấn còn tập trung hướng dẫn nhận diện những cơ sở cho nhà đầu tư khởi kiện. Ngoài ra, một số các tranh chấp thương mại giữa các nhà đầu tư và các doanh nghiệp có vốn nhà nước hoặc những cơ quan được cử làm đại diện cho người có quyền quyết định đầu tư như các Cơ quan quản lý Dự Án PMU nếu không khéo giải quyết cũng có khả năng chuyển thành tranh chấp đầu tư.

Không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng có những chuẩn bị tương tự trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp đầu tư. Trung  tâm giải quyết tranh chấp đầu tư ICSID cùng với UNCITRAL, trung tâm hòa giải CEDR và Energy Charter Treaty đã tổ chức 2 khóa chuyên sâu và nâng cao về hòa giải các vụ tranh chấp đầu tư tại Washington DC và Paris cho 15 luật sư và các chuyên gia hòa giải và trọng tài tranh chấp đầu tư. Sau đó, các chuyên gia giảng viên của khóa này cũng mở một cuộc tập huấn tại Hong Kong liên quan đến luật đầu tư và  kỹ năng hòa giải tranh chấp đầu tư và một số cán bộ chuyên ngành của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tham gia khóa huấn luyện kỹ năng hòa giải nâng cao này.

Việc phòng ngừa và giải quyết các bất đồng của nhà đầu tư thông qua đối thoại và hòa giải là hết sức quan trọng để giảm thiểu nguy cơ nhà nước Việt Nam bị kiện.

Thông thường một vụ kiện về tranh chấp đầu tư sẽ mang đến những tổn hại kinh tế rất to lớn vì ngoài những khoản yêu cầu bồi thường lên đến hàng chục triệu đô la Mỹ thì chi phí luật sư và bộ máy nhân sự cộng với chi phí trọng tài viên và phí đóng cho trung tâm giải quyết tranh chấp là rất lớn cũng có thể lên đến hàng chục triệu đô la Mỹ. Ngoài những thiệt hại về vật chất, các vụ kiện tranh chấp đầu tư cũng mang đến những ảnh hưởng không tích cực cho quan hệ ngoại giao, uy tín quốc gia và việc thu hút các nhà đầu tư khác đến Việt Nam.

Chính vì lẽ đó việc thực thi sát sao và hiệu quả Chỉ thị 27/CT-TTg là vô cùng quan trọng để giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến Việt Nam trở thành bị đơn trong các vụ kiện tranh chấp đầu tư tại các tòa án chuyên dụng quốc tế và Trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử