Ngành Công Thương Bắc Kạn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể

Cùng với quá trình đổi mới kinh tế, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tập thể nước ta nói chung, kinh tế tập thể tỉnh Bắc Kạn nói riêng đã trải qua nhiều thăng trầm, nổi bật là sự thay thế mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu cũ kém hiệu quả bằng mô hình HTX kiểu mới tự chủ, tự chịu tránh nhiệm. Qua nhiều thời kỳ, tới nay, kinh tế tập thể đã và đang giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của tỉnh.

Với dân số trên 30 vạn dân, trong đó hơn 80% dân số sống ở nông thôn, lựa chọn mô hình kinh tế HTX là một tất yếu khách quan. Mô hình HTX là sự liên kết những người sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ để hợp sức, chung vốn tạo điều kiện thuận lợi, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Liên kết hợp tác kinh doanh, chia sẻ nguồn lực, lợi tức, kinh nghiệm, tạo nên mối liên hệ hài hòa giữa các thành viên hỗ trợ tương trợ lẫn nhau. Quan hệ kinh tế luôn được gắn liền với các quan hệ xã hội của thành viên, có xu hướng liên kết cộng đồng cùng phát triển vì một mục tiêu chung.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tính đến tháng 3/2019, trên địa bàn tỉnh có 160 HTX, 66 tổ hợp tác. Trong đó, có khoảng 20 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (chiếm tỷ lệ 12,5% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh), sử dụng số lượng lao động thường xuyên khoảng 200 người, doanh thu của các Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khoảng 700-800 triệu đồng/HTX/năm. Có được kết quả trên, ngành Công Thương Bắc Kạn đã nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ đối với các HTX thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

Đối với hoạt động khuyến công, giai đoạn 2003 – 2018 tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức triển khai thực hiện 37 đề án khuyến công hỗ trợ 50 lượt Hợp tác xã đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất thông qua thực hiện 06 đề án đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề (đồ mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, mành cọ, hạt gỗ, chè, miến dong) cho 1.000 lao động nông thôn (gồm 25 lớp đào tạo) của 15 Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ 729,2 triệu đồng. Thực hiện 28 đề án hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (máy móc, thiết bị) vào hoạt động sản xuất cho 28 Hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh với tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ là 1.116,4 triệu đồng. Hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm cho 10 mẫu sản phẩm (sản phẩm: miến dong, rượu, bún khô, phở khô, chè, chuối sấy) của 07 Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với kinh phí thực hiện 129,9 triệu đồng. Hiện nay, các Hợp tác xã được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công hoạt động có hiệu quả, nâng cao năng suất, cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng, mẫu mã phù hợp đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường.

Đồng thời, thông qua các hoạt động tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (năm 2012, 2014, 2016, 2018) đã tôn vinh được 06 sản phẩm của 06 Hợp tác xã (sản phẩm miến dong của HTX Chế biến dong riềng Côn Minh; sản phẩm phở khô của HTX Hợp Lực; sản phẩm bún khô của HTX 20-10; sản phẩm miến dong của HTX Côn Minh; sản phẩm rượu chuối của HTX Rượu chuối Tân Dân; sản phẩm máy nông nghiệp đa năng của HTX Thanh Ngân) là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và 01 sản phẩm miến dong của HTX Chế biến dong riềng Côn Minh được tôn vinh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2012.

Cùng với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu và sản phẩm cho các HTX đã được Sở Công Thương quan tâm triển khai thực hiện. Các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các Hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản tiêu biểu có thế mạnh của tỉnh. Thường xuyên hỗ trợ, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường cho các tổ hợp tác và hợp tác xã. Năm 2017, tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá tiêu thụ các sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn để kết nối các HTX sản xuất với các đơn vị kinh doanh, phân phối sản phẩm tại tỉnh Bắc Kạn. Năm 2018, tổ chức sự kiện giới thiệu quảng bá cam, quýt và các sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại Hà Nội với sự tham gia gian hàng của 07 HTX và sản phẩm của 12 HTX đến với người tiêu dùng thủ đô Hà Nội và tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá lồng ghép trong các sự kiện lớn của tỉnh. Qua đó, các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn có cơ hội được các nhà phân phối, tiêu thụ và đông đảo người tiêu dùng biết đến, một số sản phẩm có đủ điều kiện sẽ vào được hệ thống phân phối hiện đại như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Công Thương đã tổ chức các đoàn khảo sát thị trường nhằm tìm kiếm thị trường, liên kết với các đối tác để thiết lập các đại lý, kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm nông sản Bắc Kạn; mời gọi các nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông sản ngoài tỉnh đến để thăm quan, nhận biết các sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn, với mục đích kết nối các đơn vị, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, nhận thức và hành động của các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản của tỉnh Bắc Kạn đã có sự quan tâm, chuyển biến rõ rệt. Một số sản phẩm có chất lượng cao được người tiêu dùng và các đại diện phân phối, tiêu thụ rất quan tâm, bước đầu đã hình thành một số thỏa thuận bán buôn, cung cấp sản phẩm.

Hiện nay, công nghệ thông tin đã và đang thay đổi thế giới, tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong mọi lĩnh vực của khoa học và đời sống. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong bối cảnh hoạt động thương mại điện tử phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây, Sở Công Thương đã triển khai tuyên truyền về phát triển thương mại điện tử đến đối tượng là các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh nhận thức tầm quan trọng của ứng dụng thương mại điện tử trong quản lý và xúc tiến thương mại. Sở Công Thương đã hỗ trợ 4 HTX xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm và giao dịch mua bán trên phạm vi rộng hơn, hiệu quả hơn với chi phí tiết kiệm hơn (HTX rượu chuối Tân Dân, HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, HTX Đại Hà, HTX Sản xuất nông sản Hùng Vy).

 Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương sẽ luôn đồng hành cùng các HTX trong công tác khuyến công và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Trong thời gian tới Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định, chính sách của Nhà nước trong công tác phát triển kinh tế tập thể; thực hiện triển kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể với hoạt động xây dựng nông thôn mới, tạo sự chủ động và tích cực trong đổi mới sản xuất và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Chủ động, phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, nắm bắt nhu cầu của các HTX để hỗ trợ phát triển khâu sản xuất và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản thế mạnh của tỉnh. Hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình thông qua các hội chợ, triển lãm thương mại trong nước và quốc tế; từng bước nâng quy mô và chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực Công Thương.

                                                Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 134
Views This Month : 3797
Views This Year : 11705
Total views : 72245
Language
Skip to content