Phát triển miến dong thành sản phẩm hàng hóa chủ lực

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự nỗ lực từ chính người sản xuất, kinh doanh đã giúp miến dong của Bắc Kạn ngày càng vươn xa, khẳng định được thương hiệu, vị trí trên thị trường nhờ chính chất lượng sản phẩm. Hiện tỉnh Bắc Kạn đang tích cực triển khai các giải pháp, phát triển miến dong thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương.


Ảnh: Các sản phẩm miến dong của huyện Na Rì được giới thiệu
tại Ngày hội Nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2020

Xây dựng thương hiệu

Bắc Kạn có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển cây dong riềng, đặc biệt ở các huyện Na Rì và Ba Bể, nơi đã có truyền thống trồng dong riềng từ hàng trăm năm nay. Lúc đầu, việc trồng và chế biến dong riềng chỉ mang tính tự phát, tự cung, tự cấp, sau đó, các sản phẩm được chế biến từ loại cây trồng này như bột dong, miến dong… dần trở thành sản phẩm mang lại thu nhập cao cho người dân. Sớm thấy được lợi ích từ dong riềng, nhiều địa phương cũng đã khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển thành cây trồng hàng hóa. Trên địa bàn tỉnh, số cơ sở chế biến miến dong ngày càng tăng lên và miến dong đã trở thành một sản phẩm hàng hóa có giá trị cao của Bắc Kạn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Để xây dựng thương hiệu và quảng bá cho sản phẩm miến của địa phương, từ năm 2011, UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao Sở Khoa học và Công nghệ lập dự án xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu Tập thể cho sản phẩm Miến dong Bắc Kạn. Sau nhiều khâu khảo sát, đánh giá, kiểm định khắt khe…, đến cuối năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấp chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu Tập thể cho Miến dong Bắc Kạn. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính quyền cũng như người dân trong việc mở rộng diện tích trồng dong riềng, quy mô sản suất, nâng cao chất lượng, thương hiệu miến dong, bởi thương hiệu miến dong của Bắc Kạn đã được bảo hộ, được đảm bảo uy tín trước người tiêu dùng.

Những năm trở lại đây, các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn tỉnh không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm miến của của Bắc Kạn ngày càng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhiều sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn xếp hạng 3 sao, 4 sao như: Miến dong Hợp tác xã Tài Hoan; Miến dong của Cơ sở Trịnh Xuân Huấn; Miến dong Cơ sở Nguyễn Xuân Bồng; Miến dong Hợp tác xã Côn Minh; Miến dong Cơ sở Nông Văn Luyến; Miến dong Triệu Thị Tá…


Ảnh: Đóng gói sản phẩm miến dong tại Hợp tác xã Tài Hoan, huyện Na Rì

Nhiều sản phẩm miến dong Bắc Kạn hiện đã có mặt ở nhiều cửa hàng, siêu thị tại tỉnh, thành phố lớn như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng… Đặc biệt, giữa tháng 8 vừa qua, hơn 05 tấn miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Sự kiện miến dong của Bắc Kạn xuất khẩu chính ngạch sang Châu Âu không chỉ là niềm vui của Hợp tác xã Tài Hoan mà còn là sự tự hào của tất cả người dân và chính quyền địa phương. Đây cũng là minh chứng rõ nhất khẳng định về chất lượng, thương hiệu sản phẩm miến dong của Bắc Kạn.

Phát triển thành mặt hàng chủ lực 

Hiện nay, mặc dù sản phẩm miến dong của Bắc Kạn đã có mặt tại nhiều nhiều cửa hàng, siêu thị trên cả nước, thậm chí đã được xuất khẩu ra thị trường ngoài nước, song lượng sản phẩm miến dong được sản xuất tại địa phương lại chưa thực sự tương xứng với tiềm năng về nguồn nguyên liệu cũng như nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Cây dong riềng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có diện tích trồng khá lớn, trung bình khoảng 1.000 ha, năm cao nhất lên đến 2.900 ha. Tuy nhiên, do khả năng chế biến và liên kết với các doanh nghiệp, nhà phân phối còn nhiều hạn chế nên hằng năm vẫn còn một lượng lớn tinh bột miến dong được bán ra ngoài tỉnh, trong khi lượng sản lượng miến dong được sản xuất tại Bắc Kạn còn rất khiêm tốn, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Đơn cử như, với khoảng 30.000 tấn củ dong mùa vụ năm 2019 đưa vào chế biến thì sản lượng tinh bột ước đạt khoảng 4.500 tấn. Tuy nhiên, tổng sản lượng miến dong sản xuất trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 1.500 tấn (tương đương sử dụng khoảng 2.500 tấn tinh bột). Như vậy, lượng tinh bột dong phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh năm 2019 thấp hơn so với lượng tinh bột sản xuất ra, dẫn đến tình trạng lượng bán tinh bột nguyên liệu ra ngoài tỉnh rất lớn.

Vì vậy, nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, nâng cao thu nhập cho người trồng và chế biến dong riềng, tỉnh Bắc Kạn đang tích cực triển khai các giải pháp, phấn đấu 100% sản lượng củ dong riềng được chế biến ngay tại địa phương thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như miến dong, viên nang miến dong, miến dong ăn liền…; 100% sản phẩm miến dong đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn mác bao bì và truy xuất nguồn gốc; đến năm 2025, 30% sản phẩm miến của Bắc Kạn đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ; 80% sản phẩm miến được đưa vào thụ chính tại các siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…

Bắc Kạn hiện đang duy trì ổn định vùng trồng cây dong riềng từ 800 – 1.000 ha, sản lượng đạt 57.000 – 72.000 tấn, trong đó vùng trồng tập trung tại hai huyện Na Rì, Ba Bể và một số vùng phụ cận khác như huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu sản phẩm miến dong Bắc Kạn ra thị trường ngoài tỉnh.

Tại các địa phương như huyện Ba Bể, chính quyền địa phương đang tích cực hỗ trợ Cơ sở chế biến miến Nhất Thiện nâng công suất chế biến miến dong đạt trên 1.000 tấn/năm; mở rộng quy mô, năng suất chế biến Cơ sở Triệu Thị Tá đạt sản lượng miến trên 200 tấn/năm. Ngoài ra, tại khu vực trung tâm, Ba Bể cũng đang nghiên cứu, xây dựng thêm những cơ sở chế biến với công suất trên 1.000 tấn miến/năm để tiêu thụ hết toàn bộ lượng dong được trồng tại các xã phía Bắc. Tại huyện Na Rì, hiện đang tiếp tục vận động, khuyến khích các cơ sở hiện có duy trì chế biến dong riềng, đồng thời thực hiện tốt các tiêu chuẩn về môi trường; huyện cũng đang nghiên cứu xây dựng mới một cụm chế biến miến dong tại xã Côn Minh để chế biến 100% sản lượng củ dong hiện có, dự kiến với công suất của cụm chế biến đạt 1.500 – 2.500 tấn miến/năm.

Ngoài ra, Bắc Kạn còn tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ nâng công suất chế biến của Nhà máy sản xuất miến dong Tân Sơn (thành phố Bắc Kạn), phấn đấu đạt 300 tấn miến/năm; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến miến dong với công suất 1.000 tấn miến/năm để tiêu thụ toàn bộ sản lượng củ dong tại các địa bàn huyện Bạch Thông và huyện Chợ Mới…

Hiện chính quyền tỉnh Bắc Kạn đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành trực tiếp đến các cơ sở chế biến miến dong hướng dẫn, giúp đỡ để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm miến; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến miến liên danh, liên kết, hợp tác với các đối tác trong sản xuất, buôn bán miến dong; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm…, từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước đưa sản phẩm miến dong trở thành một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu của địa phương./.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn 




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 83
Views This Month : 3746
Views This Year : 11654
Total views : 72194
Language
Skip to content