Ngày 11/12/2018, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người. Bệnh chủ yếu lây trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp qua nguồn thức ăn, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút và loài ve mềm (Ornithodoros moubata)có thể làm lây truyền vi rút sang lợn.
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cho lợn. Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Ở nhiệt độ phòng, vi rút trong huyết thanh lợn sống được 18 tháng, vi rút trong máu giữ trong tủ lạnh có thể sống đến 6 năm. Ở nhiệt độ càng lạnh thì vi rút càng tồn tại lâu. Tại Trung Quốc, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng lây lan đến các tỉnh phía Nam, gần với biên giới Việt Nam; các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện tại sân bay đến của Hàn Quốc) cũng có thể đưa vi rút bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.Như vậy, nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc vận chuyển qua các cửa khẩu vào nước ta là rất lớn, đặc biệt là cửa khẩu Tà Lùng và các cửa khẩu khác thuộc tỉnh Cao Bằng và nguy cơ tỉnh Bắc Kạn là vùng có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm là rất cao.
Nhằmchủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi;giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thông qua kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; khách du lịch, phương tiện đi lại và phương tiện vận chuyển đến từ các nước, vùng đã, đang có dịch bệnh và có nguy cơ lớn xảy ra dịch và chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Bắc Kạn để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng.Giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh này gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch hành động bao gồm các biện pháp cụ thể làm cơ sở cho các Sở, ban, ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện. Các kế hoạch hành động cụ thể được xây dựng trên 2 tình huống sau:
- Tình huống 1: Chưa phát hiện ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
– Ban hành văn bản chỉ đạo UBND các cấp, các Sở, ngành chủ động liên quan trong việc ngăn chặn xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn;
– Sẵn sàng tham mưu kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm các cấp; thành lập đội phản ứng nhanh để ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi;
– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp triển khai các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, với thành phần tham dự gồm đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y; các công ty, doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi lợn;
– Tổ chức giám sát chặt chẽ tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường mòn, lối mở đi từ các tỉnh biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam, trường hợp bắt được các lô lợn sống, sản phẩm của lợn nhập lậu thì tổ chức tiêu hủy theo quy định;
– Các lực lượng chức năng như: Công an, quản lý thị trường, Thú y, chính quyền các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản phát hiện sớm các ổ dịch trên đàn lợn nhằm bao vây, dập tắt dịch khi còn ở diện hẹp không để lây lan; nếu phát hiện lợn có biểu hiện của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thì báo cáo kịp thời và thực hiện phòng chống dịch theo quy định;
– Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút Dịch tả lợn Châu Phi;
– Tổ chức triển khai Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; sau tháng cao điểm cần định kỳ triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn những khu vực có nguy cơ cao;
– Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (hàng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống;…);
– Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn phối hợp với các tổ chức đoàn thể của địa phương tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ lây nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn bất hợp pháp; truyền thông về định kỳ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn những khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt chợ buôn bán động vật sống;
– Tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn cụ thể theo số trại, số hộ chăn nuôi của từng địa phương (ở cấp thôn, xã, huyện) để có số liệu ước tính chính xác kinh phí ứng phó, xử lý và kiểm soát kịp thời khi dịch bệnh xảy ra;
– Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng và ban hành “Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm địa bàn”; trong đó cần bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch và những địa điểm tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật.
2.1. Đối với địa phương phát hiện có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, địa phương thuộc phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm
Tổ chức xử lý ổ dịch và chống dịch theo quy định của ngành và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó tập trung thực hiện:
– Tổ chức tiêu hủy toàn đàn lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi;
– Tổ chức khoanh vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, bệnh gia súc, gia cầm tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) tham mưu thành lập các trạm, chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn; tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm ra bên ngoài;
– Tổ chức kiểm soát không để lợn và sản phẩm lợn được vận chuyển ra khỏi vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm; không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài vào trong vùng đệm, vùng bị dịch uy hiếp;
– Kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm tại cơ sở, điểm giết mổ lợn dưới sự giám sát của chính quyền địa phương;
– Tổ chức việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo trong vùng bị dịch uy hiếp; tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/tuần trong vòng 1 tháng trong vùng đệm;
– Công bố hết dịch theo quy định của Luật Thú y, sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy con bệnh cuối cùng mà không có con vật nào mắc bệnh, đồng thời đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch bảo đảm không còn mầm bệnh để phát sinh ổ dịch mới hoặc lây lan sang nơi khác thì mới được công bố hết dịch;
– Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;
– Tổ chức lấy mẫu đối với lợn nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân để xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng đệm;
– Các Sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để nhanh chóng khống chế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan ra diện rộng.
2.2. Đối với địa phương chưa có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
– Tổ chức thực hiện các giải pháp đối với trường hợp chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (Tình huống 1);
– Đối với địa phương chưa có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhưng nằm trong vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm hoặc giáp ranh với các tỉnh lân cận đang có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát như ở địa phương đang có dịch.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh là đầu mối điều phối, chỉ đạo các hoạt động ứng phó khẩn cấp trong địa bàn tỉnh theo bản Kế hoạch này. Tùy theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương triển khai các biện pháp bổ sung cho phù hợp./.
Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)